Trước đêm diễn của hai giọng ca “chẳng liên quan gì đến nhau”: Tấn Minh - Uyên Linh tại Không gian Âm nhạc số 10, không ít lời “bàn ra tán vào” bày tỏ lo lắng cho “đôi lứa”… không xứng đôi này. Sự phập phù trong phong thái biểu diễn, trong bày tỏ cảm xúc giọng hát Uyên Linh khiến cô khó thể song hành cùng vững chắc kỹ thuật dạn dày kinh nghiệm Tấn Minh. Ấy thế nhưng, thêm một lần nữa, trong Không gian âm nhạc, Uyên Linh đã làm nên “điều kỳ diệu” để nhận lại những tràng pháo tay nổ ran không dứt từ khán giả.
Thực hiện đúng như trong lời giới thiệu Không gian Âm nhạc (KGÂN) số 10 của BTC, bày tỏ sự trân trọng đối với việc được lọt vào danh sách đề cử trong hạng mục Chương trình của năm của giải thưởng Cống hiến thường niên do báo TT&VH tổ chức, KGÂN đã tỏ ra “nghiêm khắc” hơn khi “đề nghị quyết liệt” ca sĩ hát trong hai đêm nhạc phải lựa những bài kỹ thuật khó và nói không với nhạc cụ điện tử. Bên cạnh đó là sự giản dị của sân khấu, mà tôi đồ rằng không một sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp, hoặc bán chuyên nghiệp nào có thể mộc mạc hơn: một bục gỗ thấp phủ thảm xám mỏng, diện tích vừa đủ để nhạc cụ và chỗ… đứng của ca sĩ, không gì điểm trang ngoài bức màn nhung đỏ gấp nếp, nhạc công ăn vận giản dị, ánh sáng đơn thuần…
Có nghĩa, chẳng thể mượn thiết kế hoành tráng sân khấu, cùng các “chiêu trò” nhằm kích hoạt thỏa mãn cảm giác nhìn, mà mờ đi yếu tố nghệ thuật âm nhạc. Không còn cách nào hơn, để chương trình thành công, nghệ sĩ là yếu tố duy nhất.
Hát từ tận sâu cảm xúc
Mở đầu cho Bức tình thư chưa gửi, Tấn Minh từ sau hàng ghế khán giả, khuất trong tấm rèm cửa, bằng lời hát chậm rãi, chắc chắn, gửi đi Bức thư tình thứ nhất (Đỗ Bảo) - ca khúc giúp anh tạo nên dấu ấn trên đường nghề.
Khi đi qua cảm giác áp lực ban đầu, Tấn Minh và Uyên Linh đã có vẻ thư giãn hơn khi nghĩ đến việc được mang những ca khúc mà bản thân hai người yêu thích và hầu như không thể hát trên các sân khấu ca nhạc trước đó, hoặc thử khám phá chính khả năng của mình qua các ca khúc mới, hoặc ở mức cao hơn, làm mới lạ một số ca khúc mà bản thân họ đã gặt hái thành công.
Theo chia sẻ của ca sĩ Tấn Minh, 70% ca khúc mà anh hát lần này là chưa từng được biểu diễn. Với Uyên Linh, đêm nhạc này có ý nghĩa quan trọng với cô, vì không phải chỉ là một chương trình đòi hỏi thể hiện tính nghệ thuật nghiêm túc, hát trước những khán giả sành âm nhạc với những đòi hỏi khắt khe, mà là show diễn lớn, mở đầu cho năm 2012 - một năm cô hi vọng gặp nhiều may mắn thuận lợi làm nghề, sau khi vướng vào lắm chuyện không hay.
Đến bung phá bản năng
Trong hơn ba tiếng của Bức tình thư chưa gửi, không thể phàn nàn gì về giọng hát chỉn chu của Tấn Minh. Từ câu chuyện kể nối vào giới thiệu bài hát, từ cách thể hiện tình cảm sâu lắng mà tiết chế dành cho khán giả, đến cách nhả từ, giữ nhịp, néo thả trường độ, cường độ thanh âm… đều thể hiện được đẳng cấp chuyên nghiệp của một ca sĩ trưởng thành từ nhiều năm làm nghề. Ấy thế nhưng, khi Uyên Linh xuất hiện, ngay trong ca khúc đầu tiên hát chung với Tấn Minh, khán giả đã bị cô cuốn hút bằng một phong thái biểu diễn hồn nhiên, giọng ca truyền cảm bởi bung phá bản năng cùng khuôn mặt nhẹ nhõm tươi sáng. Uyên Linh đã hát từ tận sâu cảm xúc mình, để chạm được vào mọi cung bậc tình cảm của người nghe, dù trước đó, cô bày tỏ: “Hôm nay là một ngày đen đủi khi buổi sáng chụp ảnh cho một tờ báo, mắt sưng do dị ứng mỹ phẩm, và hát xong bài đầu tiên, thì rơi mất cái bông tai”.
Vẫn trình bày lại một số ca khúc, lấy trong anbum Giấc mơ tôi, như Chỉ là giấc mơ, Giấc mơ tôi, Take me to the river, Sao chẳng về với em… nhưng Uyên Linh đã làm các ca khúc này sống dậy theo đúng nghĩa. Uyên Linh hát không chỉ bằng giọng ca phiêu thoát, ấm áp, trong trẻo, mà còn từ muôn trạng thái biểu cảm của đôi mắt, đôi môi, cánh tay và hình thể. Để có thể diễn hết mình và tỏa sáng, theo đúng nghĩa đen, (điều này thấy được khi nghe/xem Uyên Linh hát trực tiếp), một điều tiên quyết cần có được bên trong Uyên Linh, đó là cân bằng tâm lý, cũng như thư giãn hoàn toàn và không một áp lực nào làm vướng bận lòng.
Kết thúc đêm diễn, đạo diễn Việt Tú động viên Uyên Linh: Dù có nhiều điều không thuận, không hay xảy ra với em, anh vẫn tin em vẫn luôn là chính mình, là Uyên Linh của ngày hôm nay. Câu nói đó, không chỉ thể hiện sự thấu hiểu của một ông anh với cô em gái của mình, mà nó còn là yêu cầu nghiêm khắc: nếu muốn gặt hái thành công, người hát không chỉ biết chăm chỉ tập luyện, mà còn biết tránh những thương tổn do chính lối sống “tự do quá độ” của mình gây ra, nhờ thế, mới có thể tránh được những căng thẳng, áp lực, buồn bực không nên có, và đặc biệt đúng với con người mãnh liệt bản năng như Uyên Linh.
Sau đêm “gặp” Uyên Linh trong Bức tình thư chưa gửi, và về nhà, nghe lại kỹ album Giấc mơ tôi, tôi tìm thấy câu trả lời cho thắc mắc, vì sao nhạc sĩ Quốc Trung mất quá nhiều thời gian để ra được album này?
Chắc hẳn vì, qua CD, anh không thể đưa sắc thái hút hồn biểu diễn của Uyên Linh khi hát live trong tâm trạng thoải mái, tạo thành sợi dây kết nối cũng như chia sẻ trực tiếp hữu hiệu từ nghệ sĩ, qua tác phẩm, đến với công chúng. Nếu chỉ có giọng ca Uyên Linh trong phòng thu và với những ca từ chưa có khám phá đặc sắc, thì CD này, đúng như lời nhận xét của một số đồng nghiệp và nhà báo mảng âm nhạc hiểu nghề: Chảy trôi, thiếu điểm nhấn xúc cảm. Và cũng thường thôi!
Theo Thethaovanhoa.vn