Nhân dịp này, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam đã dành thời gian trả lời các phóng viên thông tấn, báo chí về các bức tranh toàn cảnh của thị trường sách trong năm 2021; việc tạo dựng thói quen đọc sách trong nhà trường và gia đình hiện nay.
Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam đã sôi động trở lại sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ông có thể chia sẻ một số nét nổi bật của ngành xuất bản trong năm qua?
Có thể nói là trong các năm 2020, 2021, ngành xuất bản phải chịu những tác động rất tiêu cực của đại dịch COVID-19. Nhưng cũng giống như hai mặt của một vấn đề, đại dịch COVID-19 mở ra yêu cầu, đòi hỏi, thác thức nhưng cũng là cơ hội cho ngành xuất bản. Trong năm qua, việc chuyển đổi số và xuất bản điện tử đã có bước phát triển ngoạn mục: Năm 2021, tổng doanh thu toàn ngành tăng 12%, trở thành một điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, tỷ lệ tăng trưởng của xuất bản điện tử khá tốt, không chỉ là tăng trưởng về số lượng mà đặc biệt, lượng bạn đọc quan tâm rất nhiều, từ khoảng hơn 2.000.000 bạn đọc đã có đến 200 triệu lượt account (tài khoản) tham gia. Tôi cho rằng đây là một bước phát triển.
Tuy nhiên, những đòi hỏi trước mắt còn rất nhiều. Chuyển đổi số đang đứng trước bốn thách thức quan trọng trong ngành xuất bản. Một là chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để đảm bảo cho ngành xuất bản thực sự hoàn thiện. Thứ hai là chúng ta phải tiếp tục chuẩn bị nguồn đầu tư để cho ngành xuất bản có quy mô đầu tư phù hợp với sự phát triển. Thứ ba là phải chuẩn bị nguồn nhân lực tốt để cho ngành có sự phát triển về chiều sâu. Đặc biệt, yếu tố quan trọng và có ý nghĩa quyết định đó là nhận thức của toàn xã hội. Trước hết, nhận thức của những người làm xuất bản về việc chuyển đổi số thật sự phải thay đổi sâu sắc.
Ông có nói đến việc phát triển văn hóa đọc theo chiều sâu. Theo ông, để phát triển văn hóa theo chiều sâu và trở thành một việc tự giác của mỗi người dân, cần xác định lộ trình cũng như giải pháp như thế nào?
Để văn hóa đọc để có thể phát triển, đầu tiên phải hình thành thói quen và rõ ràng đây là câu chuyện phải được quan tâm của các cấp, ngành, đặc biệt là phía ngành giáo dục. Những nỗ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục - Đào tạo đều hướng đến mục tiêu này.
Việc phát triển văn hóa đọc Việt Nam hiện nay tất nhiên còn khó khăn nhưng cũng có nhiều triển vọng. Đầu tiên là hiện nay, chất lượng sách rất tốt, nhờ đó đã ''kéo" được một lực lượng độc giả, đặc biệt bạn đọc trẻ quan tâm đến sách ngày càng nhiều. Thứ hai là chúng ta có sự ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực sách, do đó bạn đọc thông qua các phương tiện điện tử cũng tham gia khá đông. Vừa qua có một số doanh nghiệp chuyển đổi số có sự tăng trưởng ngoạn mục trong việc thực hiện sách nói, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng người trẻ. Đó chính là những kỳ vọng, triển vọng của sự phát triển văn hóa đọc.
Nếu chỉ nói về xuất bản sách, Việt Nam là một trong những quốc gia có năng lực xuất bản sách rất cao, với khoảng hơn 4 đầu sách/đầu người là cao. Tuy nhiên, chúng ta chưa có khảo sát chính thức về số lượng người đọc sách trong 1 năm. Chúng tôi cho rằng, tỷ lệ đọc sách cũng chưa được cao như kỳ vọng nhưng chúng ta là một thị trường rất tiềm năng. Một khảo sát không chính thức hiện nay cho thấy khoảng trên 2% bạn đọc thường xuyên đến với sách. Chỉ tính riêng số liệu đó thôi thì Việt Nam đã có khoảng trên dưới 20 triệu người tham gia. Xét về tiềm năng thì đây thực sự là thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 80% chưa quan tâm nhiều đến sách cũng là một thách thức trông việc mời gọi bạn đọc quan tâm hơn đến sách
Theo ông có nên có một thiết chế để yêu cầu học sinh cũng như các bạn trẻ trong việc đọc sách tại nhà trường? Nhà trường và gia đình có vai trò như thế nào trong việc tạo dựng thói quen đọc sách?
Rõ ràng là việc tạo dựng thói quen đọc sách rất quan trọng. Hiện nay, quy định của Luật Giáo dục cũng như các nội dung liên quan đến tiết học trong nhà trường đã có những quy định cụ thể. Tuy nhiên, để mang tính bắt buộc thì tôi nghĩ rằng cần thiết chế mạnh hơn nữa. Tôi cũng đề nghị các nhà trường cần có sự quan tâm hơn nữa để thư viện trường thực sự hấp dẫn, lôi cuốn được trẻ em đọc sách.
Bên cạnh đó, vai trò của gia đình là rất quan trọng trong việc hình thành thói quen đọc sách. Thói quen này đầu tiên phải xuất phát từ gia đình. Nếu thói quen đó không được tạo lập từ gia đình thì tất cả những môi trường cộng đồng khác cũng khó có thể tạo điều được. Cho nên việc xây dựng bên cạnh cái tủ sách của nhà trường thì tủ sách gia đình cũng là một nội dung rất đáng quan tâm.
Trân trọng cảm ơn ông!