Trong bài viết, nữ nhà báo Mirta Ayala nhấn mạnh khác với kimono của Nhật Bản hay hanbok của Hàn Quốc, áo dài Việt Nam thông dụng hơn.
Trình diễn áo dài tại Festival Nghề truyền thống Huế năm 2017. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN |
Trang phục này không chỉ xuất hiện trong các lễ cưới, ngày Tết hay là quốc phục của Việt Nam trong các hoạt động quốc tế, mà còn được sử dụng như đồng phục. Các cô gái Việt Nam hầu hết đều chọn áo dài cho phần thi trang phục dân tộc tại các cuộc thi sắc đẹp quốc tế.
Tác giả mô tả áo dài ở nam giới thường được may rộng, trong khi ở phụ nữ, áo dài thường được may ôm khít người nhằm tôn vẻ đẹp nữ tính. Áo dài được mặc với quần, do đó trang phục này giúp người mặc cảm thấy thoải mái hơn khi cử động.
Bài viết cũng nhấn mạnh để có được một bộ áo đẹp, người thợ may lấy số đo của từng người để cắt may áo dài. Công đoạn may áo cũng được làm rất tỉ mỉ và thủ công. Áo dài được may với vải tơ tằm, vải gấm cùng với những họa tiết thêu từ đơn giản tới cầu kỳ.
Trình diễn áo dài tại Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017. Ảnh: An Hiếu/TTXVN
|
Cũng trên bài báo này, nhà báo Ayala viết, áo dài được sử dụng kết hợp cùng với nón lá hay khăn xếp, là những vật dụng truyền thống được ưa thích khác của Việt Nam, dành cho cả nam và nữ. Nhiều hình ảnh về áo dài cũng đã được tác giả minh họa trong bài viết.