Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng khẳng định, Hồ Gươm là di tích quốc gia đặc biệt, làm bất cứ việc gì liên quan đến di tích này cũng phải thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng.
Nếu Sở Văn hóa và Thể thao nhận được chỉ đạo của thành phố về việc này, Sở sẽ xem xét thận trọng, lấy ý kiến của các nhà khoa học và nhân dân, đồng thời báo cáo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, sau đó mới đưa ra hướng tham mưu, trình thành phố để có quyết định chính thức.
Trước đó, ông Tạ Hồng Quân đã trình UBND thành phố Hà Nội về ý tưởng đúc biểu tượng rùa vàng đặt tại khu vực Hồ Gươm. Biểu tượng rùa vàng có chiều dài khoảng 2,5 - 3,5 mét, chiều cao gồm cả bệ khoảng 2,5 mét, trọng lượng từ 6 - 10 tấn đồng, được đặt tại vị trí ngã tư Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng.
Kinh phí đúc tượng được huy động từ nguồn xã hội hóa. Mục đích của ông Tạ Hồng Quân để rùa vàng - “Thần Kim Quy” trở thành biểu tượng độc đáo của Việt Nam và duy nhất của thế giới tại Hà Nội, phát huy yếu tố từ giá trị lịch sử, văn hóa truyền thuyết và tâm linh.
Năm 2011, ông Tạ Hồng Quân đã từng gửi đề án đúc rùa vàng lên UBND thành phố nhưng chưa được thành phố trả lời. Lần này, khi ông tiếp tục trình ý tưởng của mình, lập tức gặp nhiều phản ứng trái chiều của các nhà khoa học cũng như người dân.
Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đây là sự giãi bày tình cảm, gửi gắm ước mơ của một công dân đối với thành phố mình đang gắn bó và ý tưởng đó là đáng trân trọng.
Tuy vậy, kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho rằng, ý tưởng của ông Tạ Hồng Quân chưa phù hợp, cách diễn đạt chưa chuyên nghiệp nên dễ gây ra sự phản đối của nhiều người; đồng thời nêu quan điểm, Hồ Gươm vốn là không gian mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử nên không cần đặt bất cứ hình tượng nào vào.