"Đình huyện Tống..."
"Đình huyện Tống" - là câu tổng kết của người xưa về tính đặc trưng của một loại hình di tích độc đáo trên vùng đất huyện Tống xưa - Hà Trung nay. Những ngôi đình làng ở Hà Trung đang lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, tín ngưỡng tốt đẹp và nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc mang đậm bản sắc kiến trúc đình làng ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ xưa. Mặc dù có nhiều nỗ lực trong công tác trùng tu, bảo tồn song trước sức ép của đô thị hóa và sự tàn phá của thiên nhiên, nhiều di tích đình làng, trong đó hầu hết là những ngôi đại đình ở Hà Trung đã xuống cấp.
Đình Quan Chiêm ở làng Quan Chiêm (xã Hà Giang, huyện Hà Trung) khởi công xây dựng vào đời vua Gia Long thứ 6 (năm 1806) và được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2011. Đây là ngôi đình cổ có kết cấu theo lối “chồng rường kẻ bẩy” - một loại hình kết cấu điển hình trong các đình, chùa thế kỷ XIX. Đình Quan Chiêm có kiến trúc 5 gian, 2 chái, với 32 cột gỗ lớn, đường kính từ 1,6-1,9m. Nghệ thuật điêu khắc thể hiện trên hệ thống khung gỗ ở bộ vì, xà ngang, kèo... của đình Quan Chiêm đều rất công phu, tinh xảo. Đình Quan Chiêm được xem là Đình cả (đại đình) trong hệ thống đình xứ Thanh, bởi quy mô cấu trúc bề thế của nó.
Trải qua hơn 200 năm, đến nay, ngôi đình xuống cấp nghiêm trọng. Hầu hết các hạng mục của tòa đại đình đang trong tình trạng mục hỏng. Các hàng cột cái bằng gỗ lim, gỗ trắc cho đến xà ngang, câu đầu, kẻ bẩy... đều bị mối mục. Phần mái ngói qua nhiều lần đôn đảo, hiện đã bị sụt lún, tụt đổ. Cứ mỗi lần mưa, nước dột vào bên trong đình khiến nền nhà, tường bao luôn trong tình trạng ẩm mốc, bong tróc, rêu phong. Đáng lo ngại hơn là hệ thống chân tảng cột chống đỡ ngôi đình hầu hết bị sụt, lún sâu dưới nền nhà từ 5-20 phân khiến ngôi đình đang bị nghiêng hẳn về phía Tây.
Bà Phạm Thị Cẩm, thôn Quan Chiêm (xã Hà Giang) cho biết, đình là nơi sinh hoạt cộng đồng của nhiều thế hệ, biểu tượng thiêng liêng, niềm tự hào của nhân dân làng Quan Chiêm. Bà con mong muốn đình sớm được tu sửa lại.
Ông Tống Văn Trưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Giang cho hay, di tích đình Quan Chiêm được UBND tỉnh cho chủ trương trùng tu trong giai đoạn 2022-2025. Tuy nhiên, qua lập hồ sơ khảo sát tư vấn thiết kế kinh phí là rất lớn. Việc kêu gọi xã hội hóa để tu bổ đình làng rất khó khăn do Hà Giang là xã thuần nông, điều kiện kinh tế còn hạn chế. Để đáp ứng yêu cầu tu bổ, địa phương rất mong các cấp xem xét đầu tư nguồn vốn tương xứng thực hiện.
Cách đó chưa đầy 5km là đình Đô Mỹ (thuộc làng Đô Mỹ, xã Hà Tân) đang xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Đình được xây dựng năm 1850, thờ Thành hoàng Thái úy Tô Hiến Thành, phối thờ hai vị Đô Bá và Nguyễn Thận Xuân. Đình được xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh vào tháng 7/1996. Trải qua thời gian tồn tại, đình được trùng tu tôn tạo nhiều lần vào các năm 1927, 2004, 2005 và lần gần nhất năm 2012.
Vốn là tòa đại đình mang nhiều giá trị lịch sử nhưng hiện nay hạng mục kiến trúc gốc còn lại đều bị hư hỏng. Khu đại đình có 5 gian 2 chái, được chống đỡ bởi 24 cây cột gỗ và hệ thống cột xây phía trước cơ bản không còn khả năng liên kết, chịu lực do các kết cấu gỗ đã rệu rã, mối mọt. Chỉ cần lấy que nhỏ cũng gạt ra được nhiều mối mọt từ trong tâm của cột chính với chiều sâu gần 15cm. Hoành rui bị mối ăn mục rỗng, mái ngói xô lệch nhiều chỗ, có chỗ sụt lở từng mảng lớn. Nhìn bằng mắt thường có thể thấy ngôi đình bị nghiêng, lún hẳn về một bên. Để bảo vệ ngôi đình, người dân và chính quyền địa phương dùng các cột sắt, cột tre, gia cố tạm thời. Những phần mộng nối giữa hệ thống cột, kèo bị tách rời nhau được cố định lại bằng nẹp sắt.
Ông Nguyễn Văn Trình, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tân cho biết, để bảo đảm an toàn cho người dân, UBND xã đã ra thông báo dừng các buổi sinh hoạt, vui chơi tại đình làng Đô Mỹ. Với nguồn kinh phí hạn hẹp, dù đã rất cố gắng nhưng chính quyền địa phương chỉ có thể bảo tồn bằng cách chằng chống, cảnh báo nguy hiểm tới nhân dân chứ chưa tu bổ được các hạng mục chính của đình.
Cần có giải pháp khẩn cấp để "cứu" đình làng
Được biết, đây chỉ là hai trong số hàng chục ngôi đình cổ ở huyện Hà Trung thuộc diện nguy cấp, cần bảo vệ, trùng tu nhưng không có đủ nguồn kinh phí tu bổ. Từ năm 2020 đến nay, huyện phối hợp cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn khảo sát, đánh giá hiện trạng, mức độ xuống cấp, hư hỏng của tất cả ngôi đình cổ trên địa bàn, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí xử lý khẩn cấp chống sập di tích đình cổ.
Huyện Hà Trung và các xã trích nguồn kinh phí chương trình xây dựng nông thôn mới, kết hợp huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện sửa chữa, chống đỡ, gia cố, gia cường tạm thời và vận động, kêu gọi xã hội hóa. Tuy nhiên, do nguyên nhân như thiếu kinh phí, nhân lực, sự quan tâm đúng mức... dẫn đến nhiều di tích bị xuống cấp trầm trọng.
Bà Phan Thị Lan, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin, UBND huyện Hà Trung cho biết, toàn huyện có 19 ngôi đình làng đã xếp hạng xuống cấp rất nghiêm trọng. Đình làng là một trong những di tích cộng đồng thuộc diện được ưu tiên quan tâm, tu bổ thường xuyên của UBND tỉnh và các cấp, ngành. Tuy nhiên, việc đầu tư tôn tạo di tích đình làng đang là vấn đề rất nan giải ở địa phương khi nguồn kinh phí làm công tác này lên tới hàng chục tỷ đồng cho mỗi ngôi đình. Việc thiếu nguồn lực trong khi số lượng đình làng cần tu bổ, tôn tạo ở Hà Trung lớn nên hầu hết di tích chưa được đầu tư trùng tu hoàn thiện, hiệu quả chưa cao.
Để chung tay cùng địa phương bảo vệ, phát huy giá trị di tích, giai đoạn năm 2021- 2025, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ hỗ trợ huyện Hà Trung kinh phí bảo quản, tu bổ 11 di tích, trong đó có 10 di tích là đình làng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa chủ động phối hợp, hướng dẫn huyện triển khai quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật hiện hành, sớm thực hiện việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa Đỗ Quang Trọng cho biết, do nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh có hạn (tối đa không quá 1 tỷ đồng/di tích) nên việc đầu tư cho công trình đình làng nói chung, hai ngôi đình Đô Mỹ và Quan Chiêm gặp nhiều khó khăn. Đây là hai ngôi đình lớn, được làm hoàn toàn bằng chất liệu gỗ nhóm I nên kinh phí sửa chữa, trùng tu rất lớn. Vì thế, chính quyền địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong việc huy động sức mạnh của cộng đồng dân cư ở địa phương và nguồn lực xã hội hóa. Tùy tình hình cụ thể của mỗi di tích có chính sách huy động nguồn vốn phù hợp.
Thời gian tới, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tiếp tục đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tăng nguồn vốn đầu tư công và nguồn tăng cường cơ sở vật chất ngành văn hóa phục vụ dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp cho di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.
Trong khi đợi ngành Văn hóa và huyện Hà Trung thực hiện quy trình, thủ tục về di sản văn hóa, xây dựng, đầu tư… theo quy định của pháp luật, các ngôi đình đã xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào vẫn tiếp tục chờ được “ứng cứu”.