Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Lý Phương Dung đã cho biết như vậy tại Hội nghị giao ban đánh giá tình hình văn học, nghệ thuật và hoạt động của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương - Quý I/2024, do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam tổ chức.
Bà Lý Phương Dung nhấn mạnh, mặc dù các quy định pháp luật về sản xuất phim từ ngân sách nhà nước hiện nay khá đầy đủ, song việc phát hành, quảng bá phim lại chưa có một cơ chế, quy định cụ thể. Việc phát hành, phổ biến phim sử dụng ngân sách nhà nước được quy định trong Luật Điện ảnh 2022 và các văn bản dưới Luật chủ yếu quy định về các hình thức phổ biến phim, các cơ sở điện ảnh hoạt động phổ biến phim, các quy định về phổ biến phim... chưa quy định cụ thể đối với việc phát hành, phổ biến phim sử dụng ngân sách nhà nước hay phim nhập, phim sản xuất bằng nguồn xã hội hóa kết hợp ngân sách nhà nước.
Vì vậy, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, hiện không có nguồn chi từ ngân sách nhà nước để dành cho việc quảng bá một bộ phim sử dụng ngân sách nhà nước mà hằng năm trong nguồn ngân sách được cấp từ nguồn chi cho văn hóa thông tin mà ngành Điện ảnh được cấp chỉ có 500 triệu đồng. Số tiền đó dùng cho quảng bá, làm phụ đề bằng tiếng nước ngoài cho các phim giới thiệu ở nước ngoài, tổ chức các tuần phim, các đợt phim thực hiện nhiệm vụ chính trị trên cả nước cũng như một số những tuần phim quy mô nhỏ ở nước ngoài.
Để tháo gỡ những khó khăn cho việc phát hành, phổ biến, quảng bá phim sử dụng ngân sách nhà nước, theo bà Lý Phương Dung, Cục Điện ảnh đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét cho thí điểm cơ chế chi trả cũng như xây dựng một khung cơ chế rõ ràng, nguồn ngân sách cụ thể về phổ biến phim sử dụng ngân sách nhà nước. Cục Điện ảnh cũng kiến nghị bổ sung các quy định để có cơ sở thực hiện nhiệm vụ kết hợp sản xuất phim từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa.
Cùng quan điểm với bà Lý Phương Dung, ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh cho biết, Luật Điện ảnh hiện hành có đề cập đến xã hội hóa trong sản xuất phim do Nhà nước đặt hàng. Tuy nhiên, trong Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật lại chưa có quy định cụ thể nào về xã hội hóa. Như vậy tạo ra một điểm nghẽn với loại phim này, dẫn tới hiện tượng phim sử dụng ngân sách nhà nước hay do Nhà nước đặt hàng chỉ chiếu phục vụ ngày lễ và “cuối cùng cất kho”.
Theo ông Tú, ngoài Trung tâm chiếu phim quốc gia, đa phần các rạp chiếu phim hiện nay là của tư nhân quản lý hay của các pháp nhân có vốn nước ngoài. Các rạp chiếu phim tư nhân hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và theo quy luật thị trường, phim có đông người xem, phim tỷ lệ chiếm ghế nhiều sẽ được giữ lại, thậm chí chiếu tràn lan các suất chiếu sang các phòng chiếu khác.
Trong khi đó, những phim sử dụng ngân sách Nhà nước hay Nhà nước đặt hàng lại kén khách, không hướng nhiều đến các tiêu chí giải trí mà hướng đến tiêu chí tuyên truyền và thực hiện các nhiệm vụ chính trị; khi ra đến rạp, nếu không có tiền thuê rạp, cùng các chi phí khác rất khó để các chủ rạp tổ chức chiếu và đây chính là điểm nghẽn.
Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú chia sẻ, rất nhiều phim do Nhà nước đầu tư, làm xong và chỉ ra mắt khán giả một thời gian rất ngắn, thu hút lượng khán giả rất nhỏ bởi không có chi phí quảng cáo cho bộ phim khi phát hành.
“Các nhà sản xuất tư nhân đã đầu tư nhiều tỷ đồng cho phát hành, trong khi đó Nhà nước chỉ chi nhiều nhất 100 triệu đồng cho họp báo ra mắt phim và tất cả các chi phí cho quảng cáo, quảng bá một bộ phim trước khi ra rạp là hoàn toàn không có. Phim "Đào, phở và piano" gây được tiếng vang vừa qua thậm chí, đoàn phim cũng không kịp chuẩn bị poster, không kịp chuẩn bị trailer để chiếu”, Chủ tịch Hội Điện ảnh nhấn mạnh và mong muốn Nhà nước sớm giải quyết triệt để những điểm nghẽn để tác phẩm điện ảnh do Nhà nước đặt hàng, đầu tư đến được với số đông công chúng và phát huy được hết những giá trị của các bộ phim.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và cơ bản thống nhất cho rằng, trong Quý I/2024, trên cả nước diễn ra nhiều hoạt động, chương trình nghệ thuật hưởng ứng, tuyên truyền các sự kiện chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. Các chương trình, hoạt động sáng tạo, biểu diễn, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật diễn ra sôi nổi, với các hình thức phong phú, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ đa dạng của công chúng. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động văn học, nghệ thuật quý vừa qua còn những hạn chế, bất cập, nhất là trong việc ngăn chặn các thông tin, sản phẩm độc hại, gây hủy hoại đạo đức xã hội trên không gian mạng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Chủ trì Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đề nghị các địa phương và đơn vị chuyên môn làm tốt công tác phục vụ các hoạt động kỷ niệm, lễ lớn của dân tộc trong thời gian tới. Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam và hội thành viên tiếp tục quan tâm xây dựng đội ngũ văn, nghệ sĩ phát triển cả về số lượng, chất lượng và loại hình; khuyến khích tạo điều kiện cho văn, nghệ sĩ sáng tác, sáng tạo được nhiều tác phẩm, sản phẩm văn học nghệ thuật chất lượng.