Lần đầu tiên, các nhà làm phim trẻ không chuyên của Việt Nam sẽ có cơ hội thử sức ở một lĩnh vực đầy thách thức khi tham gia cuộc thi làm phim ngắn về khoa học viễn tưởng.
Lấy cảm hứng từ… thiết bị lưu trữ
Khi tham gia cuộc thi, thí sinh sẽ được giao một chủ đề dựa trên các màu sắc của một loại ổ cứng (ổ cứng của cuộc thi này hiệu WD), một trong những công cụ lưu trữ và bảo mật các dữ liệu trong quá trình sản xuất phim ảnh của các nhà làm phim. Các chủ đề này bao gồm: Blue (xanh dương) - cuộc sống thường ngày; Green (xanh lá) - môi trường; Black (đen) - tốc độ và công nghệ và Red (đỏ) - mạng/kết nối. Các chủ đề này sẽ được chỉ định cho người dự thi vào ngày 1/11 tại TP Hồ Chí Minh và ngày 3/11 tại Hà Nội.
Hạn chót thí sinh đăng ký dự thi làm phim khoa học viễn tưởng là ngày 30/10/2013. |
Với những chủ đề đã được ấn định, thí sinh sẽ gửi một đoạn phim ngắn từ 5 đến 10 phút (hoặc từ 3 đến 10 phút với phim hoạt hình) cùng với một đoạn phim quảng cáo từ 30 đến 60 giây. Các thí sinh chỉ được một tháng để thực hiện phim và nộp cho ban tổ chức vào đầu tháng 12 tới.
Các bộ phim lọt vào vòng chung kết sẽ được chiếu trực tuyến vào tháng 12 trên trang web của YanTV (http://Yantv.vn). Phim đoạt giải xuất sắc sẽ được ban giám khảo là những nhà làm phim xuất sắc trong nước và quốc tế lựa chọn. Trong đó, tại Việt Nam là đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (khu vực TP Hồ Chí Minh) và đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (khu vực Hà Nội). Giám khảo khách mời quốc tế là ông Andrew Cosby. Andrew Cosby là tác giả truyện tranh, nhà sản xuất phim, người viết kịch bản, đồng thời là người đồng sáng tạo serie phim truyền hình đình đám Eureka trên kênh SyFy. Ông cũng chính là nhà sản xuất của bộ phim “2-Guns” (tên phim tại Việt Nam: “Điệp vụ hai mang”).
Thi làm phim ngắn về khoa học viễn tưởng là dự án mới nhất của Cloud 9 Production, đơn vị sản xuất của Cuộc thi làm phim ngắn 48 giờ Việt Nam, nhằm tạo cơ hội cho các nhà làm phim trẻ làm phim khoa học viễn tưởng chỉ trong một tháng. |
“Là một tín đồ của thể loại khoa học viễn tưởng, tôi rất nóng lòng được thưởng thức những sáng tạo nghệ thuật mà các nhà làm phim sẽ mang đến trong mùa giải năm nay. Ở đâu đó ngoài kia, chắc chắn có một ai đó đã sẵn sàng gửi tác phẩm tham gia dự thi mà sẽ khiến tôi sửng sốt và bị thuyết phục hoàn toàn”, ông Cosby cho biết.
Cuộc thi sẽ được diễn ra đồng thời tại Việt Nam và Úc với sự hỗ trợ của WD (Western Digital), công ty chuyên cung cấp sản phẩm lưu trữ. Những phim xuất sắc sẽ được trao giải với tổng trị giá giải thưởng lên tới gần 300 triệu đồng và các phần thưởng hiện vật khác.
Những thách thức cho một cuộc chơi
Mặc dù đây là lần đầu tiên cuộc thi về làm phim hoa học viễn tưởng được tổ chức nhưng đã thu hút không ít các nhà làm phim trẻ không chuyên. Tính đến 29/10 đã có 87 đội đăng ký tham gia. Các thí sinh sẽ được hướng dẫn cách thực hiện một bộ phim khoa học viễn tưởng ngắn như hiệu ứng phông nền xanh, cách viết kịch bản, xây dựng nhân vật qua các buổi hội thảo trước khi bắt tay vào thực hiện các bộ phim của mình.
Các đội cũng sẽ được cung cấp kiến thức về công nghệ, đặc biệt là thiết bị lưu trữ như ổ cứng để góp phần cải thiện tốc độ, hiệu suất và chất lượng làm phim. Điều đặc biệt khi tham gia cuộc thi này, ngoài việc được thử sức ở một thể loại gai góc, các nhà làm phim trẻ không chuyên sẽ có cơ hội được học hỏi các kỹ thuật mới, kết nối cùng với những người chung niềm đam mê dành cho thể loại phim khoa học viễn tưởng cũng như chia sẻ các ý tưởng về thể loại này.
Tuy nhiên, để thực hiện các bộ phim này không dễ. Không ít bạn trẻ thừa nhận rằng, thể loại phim mới mẻ đã là một thách thức lớn đối với họ chứ chưa nói đến những vấn đề như kỹ xảo, kịch bản, đạo diễn...
Nguyễn Quốc Huy, trưởng nhóm “Con Đom Đóm” cho biết: Khó khăn nhất là việc biến ý tưởng thành phim bởi có những ý tưởng rất hay nhưng khả năng về kỹ thuật của nhóm có hạn. Để chuẩn bị cho cuộc thi này nhóm phải tính toán mọi thứ rất cẩn thận để tránh những điều bất lợi xảy ra.
Thí sinh Dương Vũ, trưởng nhóm Pixelholic, học viên của Trung tâm Hỗ trợ tài năng điện ảnh (TPD) cũng khẳng định, khi nói đến phim khoa học viễn tưởng người ta ngay lập tức nghĩ đến những từ khóa như: kỹ xảo, siêu năng lực, hay dị nhân,… Những hình ảnh trong phim hầu hết là những hình ảnh giả tưởng, không có thực, tốn thời gian, công sức cũng như sự sáng tạo để có thể tạo ra những hình ảnh thuyết phục khán giả. Bên cạnh đó, việc xây dựng bối cảnh, tạo hình nhân vật cũng rất khó. Vì vậy, nhóm này cho biết, họ có thể sẽ chọn câu chuyện trong tương lai, hay quá khứ hoặc có thể là cả hai nhưng làm sao để khán giả tin vào không gian của bộ phim mà không bị cảm giác vừa xem vừa cười thầm và nghĩ rằng “ồ, chỗ này ở ngay cạnh nhà mình”. Đó cũng là một thách thức không nhỏ.
X.Phong