Về tỷ lệ phân loại tượng đài, có 76% là tượng đài lãnh tụ, anh hùng liệt sĩ, danh nhân, sự kiện lịch sử cách mạng và 24% là tượng đài các danh nhân văn hóa, nhân vật lịch sử các triều đại phong kiến, tôn giáo, biểu tượng. Theo họa sĩ, Nhà giáo nhân dân Uyên Huy, với những số liệu thống kê trên cho thấy có một sự mất cân đối về tỷ lệ, số lượng của hệ thống tượng đài.
TP Hồ Chí Minh rất thiếu những tượng đài mang tính biểu tượng. Ảnh: viettravel |
Phân tích về sự mất cân đối trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên chia sẻ, đa số các công trình hoành tráng này, từ phù điêu đến tượng đài, đều thể hiện theo cùng một phương pháp tả chân để đảm bảo trung thành với tính lịch sử và đặc điểm của nhân vật. Do đó, thành phố rất thiếu vắng các công trình điêu khắc, hoành tráng mang tính biểu tượng kết hợp giữa khối kiến trúc và điêu khắc thể hiện những đề tài về văn hóa vùng miền, nét đẹp thẩm mỹ đặc trưng của thành phố.
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng thừa nhận, thành phố còn hạn chế trong việc quy hoạch tượng đài, các tượng đài về văn hóa, sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh còn khá ít. Vì vậy, nhằm đẩy mạnh hoạt động giao lưu sáng tác nghệ thuật cho các nhà điêu khắc trong và ngoài nước, thành phố sẽ mở rộng quy mô sáng tác trại điêu khắc theo định kỳ mỗi năm với quy mô khu vực toàn quốc và quốc tế, qua đó góp phần vào việc xây dựng những không gian công cộng ngày càng đẹp hơn, mang nét đẹp văn hóa nghệ thuật đặc trưng của thành phố.
Theo ông Hứa Ngọc Thuận, trại sáng tác điêu khắc quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức vào tháng 11 tới đây, quy tụ nhiều nhà điêu khắc nổi tiếng trong và ngoài nước, hứa hẹn tạo nên những tác phẩm tiêu biểu hiện đại có giá trị cao về nghệ thuật, phù hợp với sự phát triển của thành phố. Đây sẽ là nguồn “bổ sung” cho các công trình điêu khắc của TP Hồ Chí Minh.