Thiếu tướng Nguyễn Chánh – nhà quân sự, nghệ sỹ đa tài

Ngày 23/9, tại Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Ngãi, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Lễ tưởng niệm 60 năm ngày mất Thiếu tướng Nguyễn Chánh (24/9/1957 – 24/9/2017) mang tên “Điều còn mãi”.

Đại tá Nguyễn Anh Tường, con trai Thiếu tướng Nguyễn Chánh chia sẻ những kỷ niệm về cha mình tại Lễ tưởng niệm.

Tại buổi lễ, các tướng lĩnh, bạn bè có thời gian làm việc cùng Thiếu tướng Nguyễn Chánh và gia đình đã chia sẻ những kỷ niệm về ông. Bên cạnh đó gia đình ông cũng giới thiệu Quỹ khuyến học Nguyễn Chánh, nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân gửi tấm lòng giúp đỡ các cháu học sinh khó khăn, học giỏi của tỉnh Quảng Ngãi. 


Thiếu tướng Nguyễn Chánh, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ nhiệm Tổng cục Cán bộ (Bộ Quốc phòng) được đánh giá là một vị tướng có tài thao lược cả về quân sự, chính trị và nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật hát bội (tuồng). 


Dấu ấn trong cuộc đời cách mạng của Nguyễn Chánh bắt đầu tỏa sáng từ tháng 3/1945, khi ông được Tỉnh ủy Quảng Ngãi phân công lãnh đạo Đội du kích Ba Tơ. Những quyết định sáng suốt của ông đã góp phần phát triển mạnh mẽ Đội du kích Ba Tơ thành một tổ chức tập trung lớn, góp phần không nhỏ vào chiến thắng Quảng Ngãi khi đó. 


Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Chánh được bổ nhiệm làm Chính ủy và tham gia Thường vụ Liên khu ủy Liên khu 5. 


Đông Xuân 1953 - 1954, quân viễn chinh Pháp tung ra hơn 20 tiểu đoàn cơ động mạnh có yểm trợ của phi pháo mở cuộc hành quân Atlante do tướng De Beaufort chỉ huy với tham vọng đánh chiếm toàn bộ vùng tự do Liên khu 5. Với nhãn quan chiến lược, dự báo chính xác, có biện pháp hiệu quả, Tư lệnh Liên khu 5 Nguyễn Chánh đã xử trí quyết đoán, chính xác các tình huống khẩn cấp trong các trận then chốt như Mang Đen, Đăk-đoa, Thượng An, Đăk-pơ… Kết quả, trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên ở Kon Tum và Gia Lai, ta diệt và bắt hơn 2.300 địch, giải phóng thị xã Kon Tum và vùng chiến lược rộng gần 16.000 km2. 

Thiếu tướng Nguyễn Chánh (1914 - 1957).

Không chỉ là một nhà lãnh đạo, chỉ huy tài ba về chính trị, quân sự, Thiếu tướng Nguyễn Chánh còn là người có năng khiếu về văn hóa, văn nghệ, có tâm hồn nghệ sỹ. ông đã thu hút và giúp đỡ, đào tạo được nhiều văn nghệ sỹ làm nòng cốt trên mặt trận văn học nghệ thuật như Nguyễn Văn Bổng, Đội Tảo, Sáu Lai, Tống Phước Phổ, Ngô Thị Liễu, Võ Sỹ Thừa… Đặc biệt, ông được đánh giá cao trong việc khôi phục, giữ gìn và phát triển nghệ thuật tuồng Liên khu 5 từ thời kháng chiến. 


Theo lời kể của NSND Nguyễn Tường Nhẫn, sau Cách mạng Tháng Tám và mấy năm đầu kháng chiến chống Pháp, ở Nam Trung bộ, sân khấu ca kịch dân tộc, như hát bội (tuồng), bài chòi, cải lương… không còn hoạt động. Các gánh hát giải tán, các nghệ sĩ tìm nghề khác để sống. Nguyễn Chánh là người đầu tiên trong lãnh đạo ở Liên khu 5 khi đó nhận ra nhu cầu tinh thần sâu xa này của nhân dân, hiểu thấu đáo vẻ đẹp độc đáo, ý nghĩa thâm thúy, giá trị và vai trò của nghệ thuật dân tộc trong đời sống con người, kể cả giữa lúc chiến tranh… 


Năm 1951, sau khi đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II ở Việt Bắc về, trong một hội nghị Thường vụ Liên khu ủy, đồng chí Nguyễn Chánh đã đưa chủ trương khôi phục các hình thức ca kịch dân tộc truyền thống ngay trong kháng chiến và trước mắt nhằm phục vụ kháng chiến. Thiếu tướng cho rằng, tuồng là một trong những hình thức nghệ thuật truyền thống ưu tú của cả nước ta, dù đang kháng chiến có nhiều khó khăn, vẫn nên thành lập lại một đoàn hát bội của khu, làm nòng cốt cho phong trào, dần dần phát triển, khi có điều kiện có thể sẽ cho thành lập các đoàn hát bội ở từng tỉnh. Như vậy, vừa nhằm phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân, vừa khôi phục, giữ gìn và phát triển một nghệ thuật truyền thống quý báu và cũng không để mai một những nghệ sĩ ưu tú thật sự tài năng… 


Với sự kiên trì của thuyết phục của Thiếu tướng Nguyễn Chánh, Thường vụ Liên khu ủy đã có nghị quyết về việc khôi phục, phát triển nghệ thuật tuồng và các hình thức dân ca kịch truyền thống ở Khu 5. Ban tuyên huấn Liên khu 5 giao nhiệm vụ cho đồng chí Hoàng Châu Ký trực tiếp lo việc tập hợp các nghệ sĩ và tác giả có tên tuổi như: Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu, Văn Phước Khôi, Tống Phước Phổ... làm nòng cốt, từ đó mở rộng dần, lập nên Đoàn hát Bội Liên khu 5. 


Sau Hiệp định Genève 1954, trong nhiều công việc bộn bề của người lãnh đạo chủ chốt, Thiếu tướng Nguyễn Chánh vẫn đặc biệt chăm lo cho việc đi tập kết của các đoàn văn công. Ông trực tiếp chỉ thị đưa các đoàn hát bội, đoàn ca múa tổng hợp, đội bài chòi, đoàn ca múa Tây Nguyên ra Hà Nội để kịp dự đại hội văn công toàn quốc... 


Một vị tướng tài ba, một người nặng lòng với nghệ thuật dân tộc, tiếc rằng, ông qua đời quá sớm (khi mới 43 tuổi). Trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhắc đến Thiếu tướng Nguyễn Chánh: “Anh qua đời, quân đội mất đi một vị tướng tài năng, tôi mất đi một người bạn chí thiết”. 


Phương Hà/Báo Tin Tức
Kỷ niệm 110 năm Ngày mất của danh nhân Đào Tấn
Kỷ niệm 110 năm Ngày mất của danh nhân Đào Tấn

Ngày 19/9 tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày mất của danh nhân Đào Tấn (1907-2017).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN