Talkshow “Thơ như mỹ học của cái khác” diễn ra ngày 14/4/2015, tại Heritage Space, tầng 2 Paris Deli, Dolphin Plaza (Hà Nội), với diễn giả là PGS.TS Đỗ Lai Thúy.Tên của Talkshow cũng là tên của một cuốn sách từng được ông xuất bản năm 2013 - gọi tên 7 nhà thơ mà theo ông là mang đến những “cái khác” thực thụ cho thơ ca Việt Nam thời hậu Thơ Mới, từ Nguyễn Xuân Sanh đến Bùi Giáng. Với con mắt sắc sảo của một nhà phê bình văn chương, PGS Đỗ Lai Thúy đem lại cho khán giả tham dự talkshow cái nhìn mới về diễn tiến thơ Việt Nam nửa sau thế kỷ XX trở đi, cũng như lịch sử tiếng Việt được hình dung là lịch sử của những cái “khác” mà nhà phê bình đã chỉ ra, mang đến những góc tiếp cận mới mẻ cho thơ ca đương đại Việt Nam.
Thơ ca Việt Nam trải qua nhiều dấu mốc đặc biệt và vì thế, phê bình thơ cũng có những thăng trầm cùng đó. Trong số các nhà phê bình văn học, phê bình thơ hiện nay, PGS.TS Đỗ Lai Thúy là một cái tên có sức hút với nhiều tác phẩm ra đời, hướng đến những góc cạnh đặc biệt mà ít người khai thác tới.
PGS.TS, nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy sinh năm 1948 tại Sơn Tây, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Sau khi xuất ngũ 10 năm, ông về làm biên tập tại NXB Ngoại văn (Thế giới), sau đó phụ trách tạp trí Etudes Vietnamiennes, rồi chuyển sang tạp chí Văn hóa Nghệ thuật làm Phó Tổng biên tập. Đến nay, Đỗ Lai Thúy đã viết 8 cuốn sách: “Mắt thơ” (phê bình phong cách mới); “Từ cái nhìn văn hóa”; “Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực”; “Chân trời có người bay”; “Văn hóa Việt Nam, nhìn từ mẫu người văn hóa”; “Bút pháp của ham muốn”; “Phê bình văn học, con vật lưỡng thế ấy”; “Thơ như là mỹ học của cái Khác”. Đồng thời, ông cũng tổ chức biên soạn, dịch, biên tập, viết giới thiệu gần 20 cuốn sách khác.
AM