Không dễ thu phí tác quyền âm nhạc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) tuyên bố, từ tháng 10/2017 sẽ thực hiện kế hoạch thu phí tác quyền âm nhạc qua ti vi ở các khách sạn với mức 25.000 đồng/1 ti vi một năm.
Tuyên bố này ngay lập tức vấp phải làn sóng phản đối từ dư luận và các đối tượng kinh doanh, bởi nhiều người cho rằng, làm sao để biết khách sạn có mở ti vi, rồi làm sao biết ti vi có phát ca khúc, rồi ca khúc ấy đã đăng ký tác quyền hay chưa, lấy cái gì để đo đếm chính xác số lượng, tần suất tác phẩm được sử dụng trên các kênh truyền hình... Không những thế, dư luận còn đặt ra câu hỏi về tác quyền một ca khúc khi lên truyền hình thường đã có sự thỏa thuận về bản quyền, chi phí với tác giả, nếu VCPMC thu thêm lần nữa sẽ trở thành phí chồng phí...
Thu phí tác quyền âm nhạc qua ti vi ở khách sạn không dễ. |
Trước đó, Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) khi thông báo sẽ thu phí bản quyền, quyền liên quan tại các tụ điểm kinh doanh karaoke từ tháng 7/2017 (mức giá 2.000 đồng/1 bài hát/1 đầu máy karaoke một năm), cũng vấp phải sự phản đối của các cơ sở kinh doanh karaoke, và khiến dư luận băn khoăn.
Nhiều ý kiến cho rằng, các đơn vị khi sản xuất chương trình karaoke đã trả tác quyền, chủ cơ sở kinh doanh karaoke phải bỏ tiền mua về sử dụng, giờ lại trả tiền tác quyền nữa là không hợp lý. Thêm vào đó, trong số hàng nghìn bài hát, có bài khách chọn hát nhiều, có bài hầu như không có người chọn hát, nếu thu phí đồng đều như vậy thì cơ sở không tránh khỏi thiệt thòi...
Theo quy định tại Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ, các tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng; trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật.
Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những lý do khiến việc thu phí tác quyền tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn vì ý thức của người dân chưa cao, và luật chưa có những quy định thực sự cụ thể, chi tiết cho từng mục. Hiện tại, việc thu phí tại Việt Nam cơ bản dựa trên sự thỏa thuận dân sự, nên nhiều khi diễn ra tình trạng đòi nhưng không trả.
Bài học từ Hàn Quốc Trong một cuộc diễn đàn về bản quyền mới đây giữa Việt Nam và Hàn Quốc, đại diện Hàn Quốc chia sẻ, để có nền công nghiệp âm nhạc hùng mạnh, với làn sóng Kpop áp đảo cả châu Á như hiện nay, người Hàn cũng đã phải trải qua cuộc chiến tác quyền cam go và nhiều thử thách không kém gì Việt Nam.
Theo ông Lim Won Son, Chủ tịch Ủy ban Quyền tác giả Hàn Quốc, Hàn Quốc cũng đã từng gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai kế hoạch thu phí tác quyền âm nhạc. Ông Lim Won Son cho biết, từ khi Hàn Quốc công bố Luật Bản quyền năm 1988, hơn 50% kế hoạch thu phí được triển khai đã thất bại thảm hại. Trong số đó, có cả việc thu phí qua ti vi trong khách sạn như tại Việt Nam, và Hàn Quốc đã phải mất rất nhiều thời gian để thuyết phục người sử dụng, thậm chí là nâng cao nhận thức của họ về vấn đề bản quyền.
Ông Lim Won Son cũng thừa nhận, việc xây dựng cơ chế thu phí bản quyền ngày càng phức tạp, và đến nay, hệ thống thu phí ở Hàn Quốc vẫn còn những lỗ hổng, như hoạt động phát sóng ở quán cà phê, dù đã ra đời nhiều năm nay, nhưng mãi tới tháng 8/2018 mới được tính vào luật. Ông Lim Won Son cũng khẳng định, thu phí bản quyền là việc làm tốn rất nhiều thời gian, đi kèm với rất nhiều thách thức trong việc đặt ra một mức phí để có thể thuyết phục người sử dụng...
Từ kinh nghiệm diễn ra ở Hàn Quốc, ông Lim Won Son cũng góp ý về việc thu phí bản quyền của VCPMC theo đầu ti vi tại khách sạn. Ông Son gợi ý, việc phát sóng ti vi của các kênh truyền hình tại phòng khách sạn sẽ do bên truyền hình thu phí luôn, và họ sẽ trả tiền đó cho hiệp hội để phân chia tiền bản quyền cho các nghệ sỹ có liên quan. Trong quy định chung, có quy định trả cho người biểu diễn là 6%, tác giả 10%. Đối với đơn vị kinh doanh nhạc nguồn 44%. Còn lại 40% thuộc về nhà sản xuất...