Nghi thức lễ cúng trong Lễ tế Xã Tắc. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN |
Buổi Lễ bao gồm các nghi lễ: Lễ Thượng hương (Lễ dâng hương); lễ Nghinh thần (rước thần); lễ Truyền chúc (đọc chúc văn); lễ Hiến tước (dâng rượu); lễ Tứ phúc tộ (hưởng lộc); lễ Triệt soạn (hạ cỗ), lễ Tống thần (đưa tiễn thần) và lễ Tư chúc bạch soạn (đốt chúc văn, bài vị)...
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải cho biết, Lễ tế Xã Tắc là một nghi lễ truyền thống rất quan trọng ở nước ta.
Các triều đại độc lập ở Việt Nam, từ Đinh, Lý, Trần, Lê đến Nguyễn đều cử hành Lễ tế Xã Tắc vào mùa xuân hàng năm và luôn xem đây là quốc lễ, nhằm cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm, thiên hạ thái bình.
Lễ tế Xã Tắc được tổ chức hàng năm vào mùa xuân. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN |
Dưới triều Nguyễn, Lễ tế Xã Tắc được tổ chức mỗi năm hai lần vào mùa xuân và mùa thu, xếp vào hàng Đại tự, chỉ đứng sau Lễ tế Nam Giao. Hầu như tất cả các vị vua Nguyễn đều đã từng chủ trì lễ tế quan trọng này.
Trải qua thời gian cùng các biến động lịch sử, chỉ duy nhất tại Cố đô Huế hiện nay còn bảo tồn được đàn tế Xã Tắc bên trong Kinh thành Huế.
Với tính chất là một nghi lễ cung đình, Lễ tế Xã Tắc hiện nay đã được nghiên cứu và phục hồi thành công và trở thành một nét văn hóa truyền thống độc đáo của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Lễ tế Xã tắc đã được tổ chức tái hiện lần đầu tiên vào năm 2008 phục vụ cho Fesstival Huế. Từ đó đến nay, Lễ tế Xã Tắc được tổ chức hàng năm vào mùa xuân và đã nhận được sự đánh giá cao của dư luận cùng các nhà nghiên cứu văn hóa.