Theo đó, ngày 23 tháng Chạp tại Triệu Miếu, Thế Miếu, điện Long An sẽ diễn ra nghi lễ dựng cây Nêu; ngày 24 tháng Chạp tại cung Diên Thọ sẽ diễn ra chương trình “Hương xưa bánh Tết”. Vào thời khắc Giao thừa đón mừng năm mới Canh Tý sẽ tổ chức bắn súng lửa Thần Công, chiếu sáng Kỳ Đài Ngọ Môn.
Trong ngày Mùng 1, 2, 3 Tết, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ mở cửa tự do, miễn phí vé tham quan các địa điểm di tích cho người dân và du khách đến du xuân. Trong ba ngày đầu năm mới Canh Tý sẽ diễn ra lễ Đổi gác tại cửa Ngọ Môn, ở sân điện Thái Hòa diễn ra trình tấu Tiểu nhạc, múa lân sư rồng, biểu diễn võ thuật cổ truyền, trình diễn thư pháp, các trò chơi cung đình… Ngày mùng 7 tháng Giêng sẽ diễn ra lễ hạ cây Nêu, khai ấn tân niên, tặng chữ chúc xuân tại Thế Miếu và điện Long An.
Những năm gần đây, du lịch di sản vẫn là thế mạnh riêng có, thu hút đông đảo du khách đến với Cố đô Huế. Huế nổi lên trên bản đồ du lịch Việt Nam như là vùng đất của di sản, nơi lưu giữ và bảo tồn gần như trọn vẹn những tinh hoa văn hóa, nghi lễ truyền thống của triều đại nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Bên cạnh, khu di tích Cố đô Huế được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản văn hóa thế giới đầu tiên ở Việt Nam năm 1993. Hiện nay, Huế có 4 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại gồm: Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn chữ Hán trên hệ thống kiến trúc cung đình Huế. Đồng thời, Huế còn đồng sở hữu hai Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới là Nghệ thuật bài chòi, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ. Nghệ thuật ca Huế đang được xây dựng hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Năm 2020, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế phấn đấu đón từ 5 - 5,2 triệu lượt khách, trong đó lượng khách quốc tế chiếm từ 40% - 45%; khách lưu trú đạt khoảng 2,4 triệu lượt; tổng thu từ du lịch dự kiến đạt khoảng 12.000 tỉ đồng.