Nhạc sĩ Thanh Tùng đã để nhiều lại bản tình ca kinh điển cho nền âm nhạc Việt Nam. |
Sự ra đi của nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của các ca khúc “Lối cũ ta về”, “Câu chuyện nhỏ của tôi”, “Hoa tím ngoài sân”, “Em và Tôi”, “Lời tỏ tình của mùa xuân”, “Ngôi sao cô đơn”, “Phố biển”, “Mưa ngâu”… - là mất mát to lớn cho nền âm nhạc Việt Nam.
Thanh Tùng mất nhưng âm nhạc của ông còn. Có lẽ, ông cũng chẳng đi đâu xa. Trái tim ca hát của ông vẫn lãng du đây đó như thường khi rồi về ngồi lặng bên thềm nhà, như những câu hát mà ông từng viết: "... Hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi. Chim vẫn hót sau vườn nhà tôi. Một sớm mai kia. Chợt thấy hư vô trong đời. Người vẫn đâu đây, người cũng đã như xa rồi. Chỉ là... thế thôi...".
Nhạc sĩ Thanh Tùng sáng tác không nhiều, chỉ khoảng hơn 30 bài, chủ yếu là tình ca. Không đồ sộ về dung lượng và đa dạng về đề tài, nhưng ca khúc nào của ông cũng nổi tiếng và dễ dàng đi vào lòng công chúng. Đó là “Chuyện tình của biển”, “Chuyện cổ Nghi Tàm”, “Đếm lá ngoài sân”, “Em và tôi”, “Giọt nắng bên thềm”, “Giọt sương trên mi mắt”, “Hát với chú ve con”, “Hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta”, “Hoa cúc vàng”, “Hoa tím ngoài sân”, “Hoàng hôn màu lá”, “Lối cũ ta về”, “Lời tỏ tình mùa xuân”, “Mưa ngâu”, “Một mình”, “Ngôi sao cô đơn”, “Phố biển”, “Trái tim không ngủ yên”, “Vĩnh biệt mùa hè”, “Một thoáng quê hương”... Giai điệu các ca khúc thường nhẹ nhàng, tươi tắn, có chút lãng đãng đúng như tâm hồn lãng du của ông.
Âm nhạc của Thanh Tùng dường như đã ở đó rất lâu trong trái tim mọi người. Mỗi người đều có thể bắt gặp mình trong những bài hát của Thanh Tùng. Họ có thể rơi nước mắt, có thể mỉm cười nhẹ nhàng khi câu hát nào đó cất lên. Những ca khúc của Thanh Tùng chứa đựng nỗi buồn, ám ảnh, day dứt nhưng là nỗi buồn trong sáng, lạc quan trước cuộc sống chứ không bi lụy: "Hát đi em, hát lên những lời trái tim. Để với tiếng ca bỗng như ta gần nhau thêm. Có tiếng hát ai như cơn gió mát, giọt lệ nào là dòng suối trong veo. Như là tôi đang ở trong em đó, như tim em nằm ngủ trong tim tôi. Cách xa đâu là lãng quên, để nhớ thương nhuộm hồng trái tim...". Đặc biệt, với ca khúc “Một mình”, nhiều người phụ nữ đã coi Thanh Tùng là thần tượng bởi sự chung tình của nhạc sĩ với người vợ đã khuất. Rung cảm chân thành trong từng lời ca, từ giọt mồ hôi tóc mai cho đến buổi tan ca đón con về. Ca từ thật đến mức không ai hồ nghi về tính cô đơn nghệ sĩ thường đưa ra như một thứ men sáng tạo nghệ thuật... "Vắng em đời còn ai với ai. Ngất ngây men rượu say. Đêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ. Cô đơn, cùng với tôi về".
Trước công chúng yêu nhạc "Ngôi sao cô đơn" lặng lẽ bao nhiêu thì lời lẽ trong âm nhạc của ông lại "thiêu cháy" người yêu nhạc bấy nhiêu. Ông bước ra từ những ca khúc mang tính tự sự như “Chuyện tình của biển”, “Lối cũ ta về”, “Giọt nắng bên thềm”, “Một mình”..., rồi lại cháy hết mình trong giai điệu nồng nàn thắp lửa như “Giọt sương trên mí mắt”, “Hát với chú ve con”, “Cám ơn mùa thu”... Đó là đỉnh điểm của cảm xúc được thăng hoa chạm tới trái tim người yêu nhạc. Thế nên, những ca khúc của ông như: Hát với chú ve con, Hoa tím ngoài sân...có khi là dành tặng cho một bóng hồng nào đó nhưng cũng có khi cũng không phải là một "nàng kiều" nào cụ thể. "Tôi nói với bạn tôi, con đường âm nhạc của tôi đầy ắp tình yêu, chỉ tình yêu thôi. Nhân vật trong ca khúc của tôi bao giờ cũng là người phụ nữ, và đúng là có nhiều nhân vật lắm", ông từng chia sẻ.
Nói như nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhạc của Thanh Tùng đầy nỗi cô đơn nhưng lại mang thiên chức an ủi người khác. Quả vậy, dù trong những lời ca buồn nhất, ông vẫn mang đến cho người nghe một niềm tin mới về tình yêu, cuộc sống bằng những câu chuyện của chính mình. Và qua những ca khúc trữ tình của nhạc sỹ Thanh Tùng, dường như ta luôn cảm nhận giai điệu tình yêu dành trọn cho em ngay cả khi em không còn trên thế gian.
Nhạc sĩ Thanh Tùng tên đầy đủ Nguyễn Thanh Tùng sinh ngày 15-9-1948 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Năm 6 tuổi, ông theo cha mẹ tập kết ra Bắc và lớn lên tại Hà Nội. Ông từng học và tốt nghiệp tại Nhạc viện Bình Nhưỡng, CHDCND Triều Tiên năm 23 tuổi.
Từ năm 1971 đến năm 1975, Thanh Tùng là chỉ huy dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam II. Sau 1975, ông về sống tại Thành phố Hồ Chí Minh và là người có công xây dựng Dàn nhạc nhẹ Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và khai sinh nhóm hợp ca “Những làn sóng nhỏ”. Ông còn chỉ huy hợp xướng và chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa Bông Sen. Ông cũng là người đầu tiên đưa nhạc nhẹ chuyển soạn các ca khúc thành nhạc không lời như "Con kênh xanh xanh" của Ngô Huỳnh, "Cánh chim báo tin vui" của Đàm Thanh...
Năm 1975, Thanh Tùng viết ca khúc đầu tay “Cây sầu riêng trổ bông” cho vở cải lương. Từ 1987 trở đi, Thanh Tùng có rất nhiều ca khúc lãng mạn về tình yêu như: Hát với chú ve con, Hoàng hôn màu lá, Chuyện tình của biển, Lời tỏ tình của mùa xuân, Ngôi sao cô đơn, Câu chuyện nhỏ của tôi, Hoa tím ngoài sân, Em và tôi, Phố biển, Mưa ngâu, Lối cũ ta về, Một mình, Giọt sương trên mi mắt...