Chưa kịp nguôi ngoai nỗi buồn về sự ra đi của những cây đại thụ trong làng âm nhạc Việt Nam, đêm muộn ngày 12/7, những người yêu sân khấu lại đau lòng khi nghe tin GS.TS. NSND Đình Quang đã qua đời tại thành phố Đà Nẵng, thọ 87 tuổi. Ông ra đi khi ngày sinh nhật thứ 88 đã cận kề, ngày 16/7.Với những người làm sân khấu, GS.TS.NSND Đình Quang giống như một tượng đài của những cống hiến lớn lao, đa lĩnh vực và của những nỗ lực không ngừng nghỉ trong nghề. Ông là đạo diễn sân khấu, đồng thời là nhà viết kịch, nhà nghiên cứu lý luận sân khấu; đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 3 (năm 2007). Ông cũng là nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (cũ), nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Việt Nam.
Đạo diễn NSND Đình Quang tên đầy đủ là Nguyễn Đình Quang. Ông sinh năm 1928 tại Hà Nội, trong một gia đình có 16 anh chị em, cha ông là một bác sĩ nổi tiếng. Trong kháng chiến chống Pháp, ông nhập ngũ vào bộ đội; sau đó trở thành diễn viên, rồi giữ chức Trưởng đoàn kịch Trung đoàn 77, Trưởng đoàn văn công Sư 325 tại mặt trận Bình Trị Thiên. Ngoài diễn kịch, ông còn được biết đến trong vai trò nghệ sĩ ngâm thơ với những bài “Đêm nay Bác không ngủ” (Minh Huệ) và “Ta đi tới” (Tố Hữu) đã được ghi vào đĩa. Ông còn viết nhiều vở kịch kháng chiến như “Người anh” (1947), “Bên kia” (1949), “Lối vườn hoa” (1950), “Hạt vàng” (1951), “Khăn tang kháng chiến” (1952)...
Sau kháng chiến, ông được cử sang học đạo diễn tại Học viện Hý kịch Trung ương Bắc Kinh. Sau đó, ông tiếp tục tu nghiệp bằng Tiến sĩ ở Đại học Humboldt ở Berlin. Thời gian này, ông cũng đã dàn dựng nhiều vở diễn ở nước bạn như “Cờ hồng phấp phới”, “Liệt hỏa hồng tâm”, “Gia đình cách mạng”, “Đông qua xuân đến”... Sau khi về nước ông đã trở thành một trong thế hệ đạo diễn sân khấu đầu tiên của Việt Nam, và là người đầu tiên giới thiệu phương pháp sân khấu Stanislavski và Bertolt Brecht. Ông còn là người đầu tiên đưa điện ảnh lên sân khấu với vở “Đại đội trưởng của tôi” của Đào Hồng Cẩm. Ông đã dàn dựng thành công nhiều vở như “Tàn đêm” (Tất Đạt), “Tuổi hai mươi” (Lưu Trọng Lư), “Đại đội trưởng của tôi” (Đào Hồng Cẩm), “Bệnh sĩ” (Lưu Quang Vũ), “Hão” (Lê Quý Hiền)… Đặc biệt, ông là người đã mạnh dạn đưa vào dàn dựng vở kịch nổi tiếng “Người tốt thành Tứ Xuyên” của Bertolt Brecht. Những tác phẩm của ông đã đạt nhiều huy chương vàng, bạc tại các hội diễn sân khấu toàn quốc.
Ngoài công tác biểu diễn, ông còn là nhà giáo, nhà quản lý. Ông là một trong những người sáng lập và là hiệu trưởng của Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam (trước là trường Ca kịch Dân tộc) rồi sau là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Việt Nam (sát nhập bởi Trường Nghệ thuật sân khấu và Trường Nghệ thuật Điện ảnh). Nhiều học trò đầu tiên của ông sau này là những đạo diễn, diễn viên nổi tiếng như NSND Trọng Khôi, Doãn Hoàng Giang, Đoàn Dũng, Thế Anh... Từ năm 1984 đến 1993, ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, phụ trách mảng nghệ thuật.
NSND Đình Quang còn đóng góp lớn trong công tác phê bình lý luận sân khấu nói riêng và văn hóa nói chung. Ông đã viết hàng chục cuốn sách nghiên cứu lý luận sân khấu như “Mấy vấn đề về nghệ thuật biểu diễn” (1962), “Kỹ thuật tâm lý diễn viên” (19), “Nghệ thuật biểu diễn hiện thực tâm lý” (1978), “Sân khấu tiểu luận” (1975), “Phương pháp sân khấu Bertolt Brecht” (1983), “B.Brecht und das Theater Vietnam” (tiếng Đức - 1989), “Bàn về sân khấu tự sự” (1982), “Sân khấu Việt Nam” (1998)...
Trong kho tài sản vô giá của ông còn có những cuốn sách về văn hóa mà ông đã viết như “Còn nhân loại, còn văn hóa”, “Nhận thức và xử lý văn hóa trên thế giới”, “Nghệ thuật Việt Nam với sự phát triển nhân cách và văn minh Việt Nam”... Nhiều tác phẩm của ông đã được tập hợp trong bộ “Tuyển tập Đình Quang” gồm 4 tập: “Về sân khấu Việt Nam”, “Về sân khấu nước ngoài” (1962), “Về văn học nghệ thuật” (1995), “Về văn hóa” (1999) đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2007.
Nghe tin NSND Đình Quang qua đời, đạo diễn - NSND Phạm Thị Thành, người bạn thân thiết của ông đã rất xúc động chia sẻ: “Được tin NSND Đình Quang - cây đại thụ của nền sân khấu Việt Nam qua đời, tôi cũng như rất nhiều anh chị em nghệ sĩ khác đều cảm thấy hụt hẫng và thương tiếc. Vì ở xa, tuổi đã cao nên tôi không có điều kiện gần gũi, gặp mặt ông vào những giờ phút cuối cùng của cuộc đời. Với tôi, NSND Đình Quang là người có trình độ, am hiểu về rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là văn hóa nói chung và sân khấu nói riêng. Ông từng dàn dựng và đạo diễn nhiều vở kịch nổi tiếng của nhiều tác giả khác nhau. Bên cạnh đó, ông cũng viết nhiều sách lý luận và nghệ thuật sân khấu, diễn xuất... biên dịch nhiều cuốn sách hay. NSND Đình Quang còn là đạo diễn giỏi ở Đức và đạo diễn có tiếng ở thế giới”.
Cũng theo NSND Phạm Thị Thành, NSND Đình Quang là người rất tình cảm, ông rất quan tâm đến đời sống của anh chị em văn nghệ sỹ và sẵn sàng giúp đỡ họ khi khó khăn. “Tôi còn nhớ khi gia đình Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh gặp tai nạn, NSND Đình Quang vội vàng đến ngay bệnh viện để chia sẻ và hỗ trợ gia đình lo những thủ tục cần thiết. Hay khi nghe tin ông Xuân Trình mất cũng vậy... Trước đây, cứ mỗi khi có thời gian, tôi lại đến nhà để thăm hỏi, trò chuyện, trao đổi về nghề nghiệp và còn nhớ như in quãng thời gian tôi làm luận án Tiến sĩ, ông có nói với tôi “Bất cứ khi nào cần giúp đỡ gì thì cứ đến, tôi sẽ hướng dẫn cho”. Vậy mà... giờ ông đã vĩnh viễn ra đi”, NSND Phạm Thị Thành nghẹn ngào.