Các hoạt động lễ hội tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng đến nay đã chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp hơn nhờ công tác thanh, kiểm tra thường xuyên, kịp thời xử lí sai phạm.
Lễ rước kiệu về Đền Hùng, dâng cúng lễ vật tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước. Ảnh: Quý Trung - TTXVN |
Ông Lưu Quang Huy, Giám đốc Khu tích tích lịch sử Đền Hùng cho biết, hiện nay tình trạng cờ bạc, đốt đồ mã, thắp hương bừa bãi, gài giắt tiền, đổi tiền mệnh giá nhỏ ăn chênh lệch, mất vệ sinh môi trường… tại khu di tích hầu như không xảy ra. Đối với những du khách đã trót mang nhiều vàng, mã đến lễ hội, Ban quản lý vận động người dân cất giữ hoặc đem đốt nơi quy định, không mang lên các đền làm lễ. Giá gửi xe tại 4 bãi đỗ xe của Ban quản lý cũng được công khai niêm yết để người dân biết.
Ngay từ đầu năm 2015, Ban quản lý Khu tích tích lịch sử Đền Hùng đã phối hợp với các ngành công an, quản lý thị trường, thanh tra văn hóa, thanh tra ngân hàng tiến hành các đợt kiểm tra đột xuất ở các địa điểm trước kia thường diễn ra dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch. Bên cạnh đó, Ban quản lí tăng cường truyền thông vệ nội dung thực hiện nếp sống văn minh nơi lễ hội do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, kèm theo đó là các mức xử phạt vi phạm để các hộ kinh doanh quanh khu di tích thực hiện nghiêm túc. Đối với du khách, Ban quản lý thông báo thường xuyên trên loa đề nghị khách hành hương đặt tiền giọt dầu, công đức đúng nơi quy định; không cài, đặt tiền trên các tượng thờ, đồ thờ tự, thả tiền xuống Giếng Ngọc và các hồ cảnh quan trong khu vực di tích. Vào dịp lễ hội, Ban quản lý phân công 6-7 cán bộ của Phòng Quản lý dịch vụ - du lịch, Phòng Bảo tàng và Phòng Bảo vệ phối hợp nhắc nhở người dân sử dụng tiền đúng mục đích, đúng nơi quy định. Bốn ông từ ở 4 đền cũng có trách nhiệm nhắc nhở người dân, du khách nếu thấy việc đặt, giắt tiền không đúng vị trí, nhằm giữ gìn văn hóa tín ngưỡng, sự linh thiêng, mỹ quan nơi thờ thánh Tổ.
Dù đã tăng cường truyền thông, nhắc nhở nhưng các hiện tượng đặt tiền sai vị trí quy định, giắt tiền lẻ lên tay tượng, nải quả, gốc cây hay thả tiền xuống Giếng Ngọc vẫn còn tồn tại. Đó là do Ban quản lý Khu di tích mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, tịch thu toàn bộ số tiền mệnh giá nhỏ của những người làm dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch rồi trả lại cho họ sau mùa lễ hội chứ chưa xử phạt nghiêm, nên nhiều người còn thờ ơ với quy định này. Theo Ban quản lý Khu di tích, những năm qua từ số tiền cung tiến của các cá nhân, tổ chức nhiều hạng mục trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã được tu bổ, tôn tạo hoặc xây dựng mới như bậc thang từ cổng chính lên đền Thượng, tôn tạo sân đền Hạ, cải tạo chùa Thiền Quang, xây dựng cảnh quan khu vực chân núi... Các công trình được tu bổ khang trang, sạch đẹp đã tạo ấn tượng tốt đẹp cho đồng bào hành hương về lễ Tổ. Nhiều di tích tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong tỉnh cũng tiếp tục được bảo tồn, tu bổ, tạo điều kiện thuận lợi để người dân có không gian tổ chức các nghi lễ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đảm bảo trang nghiêm, đúng với nghi thức truyền thống.
Theo Ban quản lý, sau khi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, lượng khách hành hương về Đền Hùng ngày càng đông. Khách thập phương về thắp hương bái Tổ trong cả năm chứ không chỉ tập trung vào ngày Giỗ Tổ mùng 10/3. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, khu di tích lịch sử Đền Hùng đã đón trên 1 triệu lượt du khách về thắp hương lễ Tổ.
Để Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương phát huy giá trị di sản, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh việc thực hiện chương trình quốc gia về "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương". Chương trình này được thực hiện với phương châm vừa huy động sự tham gia tối đa của cộng đồng vào việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản, vừa nâng cao năng lực quản lý của chính quyền các cấp trong việc bảo vệ di sản, để việc bảo tồn Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành hình mẫu trong công tác quản lý, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống.
Lâm Đào An (TTXVN)