“Hiện tượng” văn học những năm 80
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày 20/4/1950 ở Thái Nguyên, quê gốc của ông ở huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông tốt nghiệp Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1970, sau đó ông đã có 10 năm làm thầy giáo ở một địa phương miền núi phía Bắc; rồi làm rất nhiều nghề để kiếm sống trước khi chuyển hẳn sang nghiệp viết.
Xuất hiện trên văn đàn Việt Nam khá muộn, bắt đầu từ những truyện ngắn đăng trên Báo Văn nghệ năm 1986. Nhưng chỉ sau vài năm, khi truyện ngắn “Tướng về hưu” (1987) và “Những ngọn gió Hua Tát” (1989) ra đời, thì nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã trở thành một “hiện tượng” của văn học Việt Nam.
Sở trường của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là truyện ngắn với mảng đề tài đa dạng gồm lịch sử và văn học, hơi hướng huyền thoại và cổ tích, xã hội Việt Nam đương đại, làng quê và người lao động.
Tên tuổi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gắn liền với các truyện ngắn như: “Tướng về hưu”, “Những người thợ xẻ”, “Thương nhớ đồng quê”, “Sang sông”… Ba cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã được xuất bản gồm: “Tiểu long nữ”, “Gạ tình lấy điểm”, “Tuổi 20 yêu dấu”.
Ngoài ra, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp còn viết kịch, thơ và tiểu luận đăng trên nhiều báo, tạp chí trong nước. Điểm đặc sắc, tạo nên dấu ấn riêng trong văn chương của Nguyễn Huy Thiệp là ông dám vạch trần cái ác, cái xấu xa của con người.
Trong truyện ngắn “Không có vua", Nguyễn Huy Thiệp thể hiện thành công một bức tranh hiện thực đầy tính chân thực trong gia đình thời kỳ đó qua câu chuyện xoay quanh những hỗn loạn, không có tôn ti trật tự trong gia đình lão Kiền. Có thể nói, “Không có vua” được Nguyễn Huy Thiệp viết với ngòi bút tỉnh táo, sắc lạnh, là tác phẩm điển hình cho phong cách, giọng văn của Nguyễn Huy Thiệp.
Truyện ngắn “Tướng về hưu” đã khắc họa một điển hình về bi kịch của người lính sau chiến tranh. Vốn quen với cuộc sống trong quân đội, cùng đồng đội gắn kết, hy sinh, san sẻ cả vật chất lẫn tinh thần, ít vụ lợi cá nhân… thì khi về với đời thường, ông tướng về hưu không thể hòa nhập được với lối sống giành giật từng chén cơm manh áo, ích kỷ cá nhân, nếp sống thực dụng lan tràn… Nhưng dù vậy, ông Bổng - một con người bị lãng quên từ lâu bởi những toan tính thấp hèn, bởi sự táng tận lương tâm, lại có lúc nghĩ đến huyết thống họ hàng, cũng có lúc khóc như một đứa trẻ khi được coi “là người”…
Công chúng cũng ấn tượng với truyện ngắn “Thương nhớ đồng quê” của Nguyễn Huy Thiệp, tác phẩm này đã được đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Nhật Minh dựng thành bộ phim nổi tiếng cùng tên. "Thương nhớ đồng quê" là một áng văn mượt mà, đưa người đọc vào những tình cảm vừa êm đềm xen lẫn ái ngại, xót thương; nhưng vượt lên tất cả là tình cảm với làng quê yêu dấu.
“Chảy đi sông ơi” là tuyển tập gồm 10 truyện ngắn được Nguyễn Huy thiệp sáng tác trong giai đoạn từ 1982-2004, có nội dung tư tưởng và đề tài phong phú, lấy cảm hứng từ những cảnh đời đặc biệt để làm bật lên nét nhân văn, hướng thiện trong mỗi con người…
Không chỉ nổi tiếng trong nước, Nguyễn Huy Thiệp còn có rất nhiều tác phẩm được ra mắt ở nước ngoài. Trong đó, “Trái tim hổ” (Le coeur du tigre) ra mắt ở Pháp vào năm 1993 và tại Hà Lan vào năm 1995.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng được nhận Huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (năm 2007), Giải thưởng Premio Nonino, Italy (năm 2008).
Tháng 3/2021, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có tên trong danh sách đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Mất mát lớn của văn học Việt Nam
Trong con mắt của bạn bè và những người đã từng tiếp xúc, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là người hiền lành, giản dị. Ngoài đời ông ít nói nhưng trong văn chương và khi tranh luận về văn chương, ông rất quyết liệt, mạnh dạn và khá sắc sảo. Có người bạn của ông đã từng nhận xét rằng, dường như mọi sự sắc sảo của Nguyễn Huy Thiệp đều dành hết cho văn chương…
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ là một người bạn lâu năm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ông chia sẻ, Nguyễn Huy Thiệp mất là ông mất đi một bạn văn lớn, người chia sẻ với ông rất nhiều về bút pháp, về vị trí và vai trò của nhà văn trong xã hội. Đây cũng là một tổn thất lớn đối với văn học Việt Nam. Nguyễn Huy Thiệp có giọng văn lạ, chẳng giống ai từ trước tới nay. Ông có biệt tài trong đối thoại cũng như xây dựng không khí, cấu trúc, nhân vật. Văn chương của Nguyễn Huy Thiệp là một tiếng nói đầy khác biệt, ông nhìn thẳng vào những bề bộn của xã hội, vào cái ác, lẫn chiều sâu của thân phận mỗi người trong chiều dài thân phận đất nước, dân tộc… Có thể thấy rõ những điều đó trong “Tướng về hưu”, “Những ngọn gió Hua Tát”, “Những người thợ xẻ”, “Chảy đi sông ơi”…
Phó Giáo sư, Tiến sỹ, nhà văn, nhà phê bình Ngô Văn Giá, nguyên Trưởng khoa Viết văn – Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, sự ra đi của Nguyễn Huy Thiệp đã tạo ra khoảng trống lớn với “làng văn” Việt Nam. Nguyễn Huy Thiệp đã làm mới tất cả, từ cái nhìn, thi pháp đến quan niệm, ngôn ngữ. Ông hiện diện như một sự đổi mới, dứt khoát, chói sáng, góp phần mạnh mẽ vào tiến trình đổi mới văn học của đất nước.
“Hơn 60 truyện ngắn trong một đời văn, trong đó có khoảng hơn 20 truyện ngắn xuất sắc, có những truyện ngắn không chỉ là đỉnh cao trong sự nghiệp của nhà văn mà còn là đỉnh cao trong truyện ngắn của văn học Việt Nam hiện đại”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Văn Giá khẳng định.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng ban lễ tang cho biết cho biết: Tang lễ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sẽ diễn ra sáng 24/3 (tức ngày 12/2 âm lịch) tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng vào chiều cùng ngày tại nghĩa trang thôn Tằng My, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội.