Sáng 17/7, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội và gia đình đã tổ chức lễ viếng nhà văn Tô Hoài, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học Hà Nội.Bà Ngô Thị Doãn Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội dự lễ viếng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gửi vòng hoa kính viếng.
Dù trong buổi sáng tại Hà Nội trời đổ mưa rất to nhưng hàng trăm người vẫn đội mưa đến viếng và tiễn đưa nhà văn Tô Hoài. Ảnh: vov.vn |
Cơn mưa lớn sáng 17/7 tại Hà Nội như nói thay lời tiếc thương và tiễn biệt một nhà văn ưu tú, người chiến sĩ lão thành cách mạng, một nhà văn hóa đã có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp văn học nghệ thuật nước nhà.
Đọc lời điếu văn tại lễ viếng, nhà báo Hồ Quang Lợi, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội một lần nữa khẳng định: Tô Hoài là nhà văn lớn, tên tuổi của ông thực sự gần gũi đối với những người yêu văn học Việt Nam suốt hơn hai phần ba thế kỷ qua. Di sản mà nhà văn Tô Hoài để lại cho các thế hệ mai sau là vô cùng to lớn, chỉ tính riêng số đầu sách có giá trị về nhiều mặt mà ông sáng tạo đã gần 200 tác phẩm, không kể các bài báo, tiểu luận, tùy bút, ghi chép và nhật ký.
Ông đã tích cực tham gia cách mạng, trải qua nhiều mặt trận, nhiều chiến dịch và đã từng bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) và nhà tù Nam Định. Khi chuyển sang mặt trận văn nghệ, ông cũng là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam và là người sáng lập đặt tên Nhà xuất bản Kim Đồng, báo Người Hà Nội… Hơn nửa thế kỷ công tác, nhà văn Tô Hoài đã cống hiến trên 40 năm ở các cơ quan trung ương, 10 năm ở các cơ quan Hà Nội giữ rất nhiều chức vụ trọng trách khác nhau.
Nhà văn Tô Hoài gắn bó chặt chẽ với cuộc sống, con người Việt Nam và kết nối văn chương thành một bức tranh hoành tráng của hiện thực đất nước và dân tộc. Ông có những tác phẩm để đời như: “Dế Mèn phiêu lưu ký”, “O chuột”, “Giăng thề”, “Quê người”, “Cỏ dại”, “Nhà nghèo”, “Vợ chồng A Phủ”, “Truyện Tây Bắc”, “Miền Tây”…
Ông đã giành được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước như: Huân chương Độc lập hạng nhất, giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, giải nhất tiểu thuyết Hội Văn nghệ Việt Nam (1956), giải thưởng Hội Nhà văn Á – Phi (1970)… Sách của ông đã được ghi trong Kỷ lục Guiness Việt Nam và xuất bản sang nhiều thứ tiếng (63 nước trên thế giới).
Thay mặt các cấp chính quyền thành phố Hà Nội và toàn thể trí thức, văn nghệ sỹ, ông Hồ Quang Lợi gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia quyến, người thân và bày tỏ lòng biết ơn với một nhà văn đã sáng tạo ra những tác phẩm lớn, lưu giữ mãi mãi cho đời, giúp chúng ta sống đẹp hơn và giàu có hơn về tinh thần.
Nhà văn Tô Hoài tên khai sinh là Nguyễn Sen, sinh ngày 27/9/1920, tại quê ngoại và cũng lớn lên ở đây là làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, Phủ Hoài Đức (Hà Tây).
Nguyễn Văn Cảnh