"Tiến về Hà Nội" và lời dự báo ngày chiến thắng

Trên căn gác một quán cà phê nhỏ ở phố Nam Ngư, Hà Nội, nhà thơ, họa sĩ Văn Thao – con trai cố nhạc sĩ Văn Cao trầm ngâm kể chuyện về cha ông, về hoàn cảnh ra đời ca khúc “Tiến về Hà Nội” cũng như số phận thăng trầm của tác phẩm.

Dung mạo, phong cách của Văn Thao rất giống cố nhạc sĩ Văn Cao. Ông chia sẻ: “Tôi là người giống cha nhất trong số 5 anh em và cũng là người sống gần cha nhiều nhất trong những ngày kháng chiến, được cha che chở, tâm giao nhiều nhất”. Vì vậy, ông cũng là người lưu giữ nhiều kỷ niệm về cố nhạc sĩ Văn Cao. Trong gia đình, ông có trọng trách giữ toàn bộ tư liệu liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của cha mình.

Nhạc sĩ Văn Cao - người sáng tác ca  khúc "Tiến về Hà Nội


Riêng ca khúc “Tiến về Hà Nội”- ca khúc nổi tiếng nhất viết về Ngày giải phóng Thủ đô lúc bấy giờ và nhiều thập kỷ sau này, có sức sống mãnh liệt lạ thường. Vừa ra đời ca khúc đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt và nhanh chóng phổ biến bằng cách truyền khẩu. Hàng chục năm nay, mỗi dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô, khắp nơi lại vang lên giai điệu bài hát “Tiến về Hà Nội” hào hùng, khí thế. Tháng 10/1954, Thủ đô Hà Nội đón những đoàn quân về tiếp quản nhưng bài hát “Tiến về Hà Nội” đã ra đời trước đó đúng 5 năm, tháng 10/1949. Ngạc nhiên hơn, những hình ảnh trong ca từ của “Tiến về Hà Nội” do cố nhạc sĩ Văn Cao vẽ nên trùng khớp với hình ảnh trong ngày Giải phóng Thủ đô 5 năm sau. “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố…/ Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…”. Những bức ảnh ghi lại thời khắc đoàn quân từ chiến khu trở về tiếp quản Hà Nội trong rừng cờ hoa, trong sự chào đón của người dân Hà Nội. Đặc biệt hơn, các Trung đoàn tiếp quản Thủ đô đều đi từ 5 cửa ô tiến vào nội thành tương tự như lời bài hát nhạc sĩ hình dung. Đó chính là linh cảm, là tài năng của cố nhạc sĩ Văn Cao mà chính cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nhận xét: “Trong âm nhạc, Văn Cao như một ông Hoàng”.

Nói về hoàn cảnh ra đời ca khúc “Tiến về Hà Nội”, nhà thơ, họa sĩ Văn Thao kể rằng: Vào thời điểm năm 1949, cố nhạc sĩ Văn Cao đang công tác ở Việt Bắc thì được Trung ương triệu tập đến dự buổi họp về tình hình chiến sự, chủ trương chuẩn bị tổng phản công. Giới văn nghệ sĩ được giao nhiệm vụ có những sáng tác phục vụ cho kháng chiến, chuẩn bị cho cuộc Tổng phản công. Sau đó, nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Đình Thi và họa sĩ Tô Ngọc Vân được phân công về khu 3 tiếp tục công tác và phổ biến chủ trương của Trung ương. Khi đó, khu vực chợ Đại tại huyện Ứng Hòa, Sơn Tây nay thuộc Hà Nội là nơi tập trung giới văn nghệ sĩ khu 3. Tại đây, nhạc sĩ Văn Cao tiếp tục làm báo Văn nghệ cùng với các anh chị em văn nghệ sĩ với tinh thần hăng say, mong ngày chiến thắng để trở về Hà Nội. Với tâm nguyện của một nhạc sĩ luôn hướng về cách mạng, hết lòng phục vụ kháng chiến, cố nhạc sĩ Văn Cao ấp ủ ý tưởng viết những dòng nhạc hay nhất cho cuộc Tổng phản công. Trong một đêm mùa thu ở làng Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, cố nhạc sỹ Văn Cao đã cảm hứng sáng tác bài “Tiến về Hà Nội” với những lạc quan, tin tưởng ngày giải phóng Thủ đô sẽ đến rất gần. Ca khúc tràn ngập khí chiến thắng, vẽ nên một bức tranh hào hùng trong ngày giải phóng Thủ đô. Bài hát ngay lập tức được giới văn nghệ sĩ đánh giá cao và được đông đảo người dân hưởng ứng, truyền nhau hát. Cùng thời điểm đó, nhạc sĩ Văn Cao cũng sáng tác bài “Tổng phản công” nhưng do ca khúc “Tiến về Hà Nội” tạo tiếng vang lớn nên bài hát “Tổng phản công” ít được nhắc tới.

Thật không ngờ bài hát cũng có số phận thăng trầm mà chỉ có người liên quan mới hiểu. Vào thời gian cuối năm đó, thực dân Pháp bất ngờ mở trận càn lớn ở Hà Nam Ninh (nay là Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam), đánh lên khu vực Hòa Bình. Để bảo toàn lực lượng, toàn bộ lực lượng văn nghệ khu 3 ta phải rút lui, nhạc sĩ Văn Cao cùng với một số nghệ sĩ khác di chuyển sang Thái Bình. Tại đây, đầu năm 1950, nhạc sĩ Tạ Phước đã dàn dựng bài “Tiến về Hà Nội” phục vụ bộ đội và nhân dân địa phương, vì thế bài hát lan nhanh khắp nơi. Nhưng cũng ngay sau đó, ca khúc bị cất đi do quan điểm được cho là chưa hợp với thời cuộc lúc bấy giờ. Mãi tới ngày Giải phóng Thủ đô, “Tiến về Hà Nội” mới được khơi dậy và vang lên khắp nơi. Tuy vậy, chính trong ngày đoàn quân từ chiến khu trở về tiếp quản Hà Nội, tác giả của ca khúc bất hủ đó lại không có mặt ở Thủ đô chứng kiến giờ phút thiêng liêng này. Giờ phút mà tròn 5 năm trước nhạc sĩ đã linh cảm và vẽ nên một không khí tưng bừng trong ngày Giải phóng. Khi đó Văn Cao theo phái đoàn văn hóa cứu quốc đầu tiên của nước đó do ông Trần Huy Liệu làm trưởng đoàn sang thăm Liên Xô và Trung Quốc. Đến nay, hầu như chưa một ca khúc viết về ngày Giải phóng Thủ đô vượt qua được “Tiến về Hà Nội”.

Nhà thơ, họa sĩ Văn Thao chia sẻ: “Cả cuộc kháng chiến tôi ở trên lưng ông. Khi mọi người trong gia đình đi sơ tán, tôi và ông ở lại Hà Nội. Ông rủ rỉ kể cho tôi nghe chuyện đời, chuyện nghề nên trong gia đình tôi là người rất hiểu cha. Nay, khi đã nhiều tuổi, tôi càng phải thấy phải có trách nhiệm với công lao, sự nghiệp của ông. Vì vậy, tôi quyết định viết hồi ức “Văn Cao – Đời và nghiệp để ghi lại chuẩn xác những câu chuyện đời, chuyện nghề của cha mình.”

Chia tay chúng tôi, nhà thơ, họa sĩ Văn Thao cho biết, ông còn ấp ủ nhiều chương trình để tri ân công lao của cố nhạc sĩ Văn Cao. Dù không còn trên cõi đời nhưng cả những người thân trong gia đình, người dân trên khắp mọi miền đất nước vẫn luôn nhớ tới cố nhạc sĩ tài hoa này.



Đinh Thị Thuận
Nhà máy đèn Bờ Hồ 'thắp sáng' Thủ đô ngày giải phóng
Nhà máy đèn Bờ Hồ 'thắp sáng' Thủ đô ngày giải phóng

Các lãnh đạo, công nhân Nhà máy đèn Bờ Hồ đã làm hết sức mình cho Thủ đô được bừng sáng ánh điện ngay từ ngày đầu tiếp quản 10/10/1954.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN