Ngày 2/11/2013, tại Hà Nội, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tổ chức lễ tiếp nhận bộ sưu tập hiện vật của cố Giáo sư, tiến sỹ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Văn Chiển.
Lễ ký kết và tiếp nhận bộ sưu tập hiện vật của cố GS.TS.NGND Nguyễn Văn Chiển. |
Bộ sưu tập với gần 2.500 tư liệu, chủ yếu là tư liệu gốc gồm các sổ ghi chép, nhật ký địa chất, bản thảo công trình nghiên cứu, bài viết, ảnh tư liệu, hiện vật khối… được Giáo sư Nguyễn Văn Chiển lưu giữ từ năm 1945 đến nay.
Thể theo nguyện vọng của Giáo sư Nguyễn Văn Chiển lúc sinh thời, gia đình Giáo sư đã quyết định trao tặng toàn bộ khối tài liệu, hiện vật cá nhân của ông cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ và phát huy giá trị. Đây là một bộ sưu tập tư liệu quý không chỉ liên quan đến lịch sử cuộc đời của Giáo sư Nguyễn Văn Chiển, mà còn có ý nghĩa đối với nhiều vấn đề lịch sử ngành địa chất Việt Nam, vấn đề phát triển kinh tế -xã hội như nghiên cứu Tây Nguyên, phát triển giáo dục…
GS.TS.NGND Nguyễn Văn Chiển (1919-2009), là một nhà địa chất hàng đầu, một người thầy đáng kính trong ngành địa chất Việt Nam. Ông cũng là một nhà quản lý khoa học uy tín, người đã chủ trì nhiều chương trình khoa học lớn của đất nước.
Giáo sư Nguyễn Văn Chiển nổi tiếng với nhiều công trình nghiên cứu về thạch học các đá magma, đá bazơ và đá siêu bazơ, về địa lý lãnh thổ. Trên cương vị Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, ông đã chủ trì nhiều chương trình nghiên cứu khoa họclớn của Nhà nước, trong đó có Chương trình Tây Nguyên (1976-1980) và Chương trình xây dựng bản đồ quốc gia Việt Nam (1981-1985). Ông còn là Uỷ viên Thường trực của Hội đồng biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam.
Phương Lan