Diễn ra từ ngày 20-24/4/2012 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Việt Nam - VEFAC (Hà Nội), Triển lãm Kiến trúc Việt Nam lần IV - VietArc Hà Nội 2012 quy tụ hơn 70 doanh nghiệp trong các ngành kiến trúc, vật liệu, công nghệ, truyền thông… với tổng số 250 gian hàng. Triển lãm này cũng là một hoạt động nằm trong Chương trình Kỷ niệm Ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4, do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức.
Ngày càng chuyên nghiệpBa năm liền diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, quy mô lần nào cũng khoảng gần 100 doanh nghiệp tham gia, với hơn 300 gian hàng tiêu chuẩn, Triển lãm Kiến trúc Việt Nam - VietArc đã xây dựng được một uy tín riêng cho mình. Bởi vậy, trong lần tổ chức ở Hà Nội này, cũng đã có tới 50% các doanh nghiệp tham gia là doanh nghiệp kiến trúc, và tỉ lệ doanh nghiệp nước ngoài cũng chiếm gần 20% , với sự góp mặt của 10 quốc gia như Mỹ, Anh, Hà Lan, Nhật Bản, Pháp, Xinhgapo, Malaixia, Đức, Cộng hòa Séc…
Một công trình kiến trúc xanh. |
Với chủ đề chính “Kiến trúc xanh”, Triển lãm VietArc 2012 tập trung giới thiệu những công trình, dự án cùng những sản phẩm vật liệu xây dựng được kiến trúc sư (KTS), các nhà sản xuất và cung ứng vật liệu nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo theo xu hướng kiến trúc bền vững, thân thiện với môi trường, tiết kiệm tối đa năng lượng, nước sạch… nhằm tạo ra những không gian sống tốt có chất lượng phục vụ cuộc sống của con người trong thời đại mới. Các chương trình hoạt động của VietArc Hà Nội 2012 xoay quanh chủ đề chính “Kiến trúc xanh” như Hội thảo “Kiến trúc xanh từ thực tiễn xây dựng ở Việt Nam”, Hội thảo về Luật Kiến trúc sư, Công bố bình chọn công trình Kiến trúc xanh… Bên cạnh đó, các cuộc thi dành cho KTS trẻ và sinh viên kiến trúc diễn ra trong khuôn khổ triển lãm cũng sẽ hứa hẹn là các cuộc tranh tài sôi nổi đầy cảm hứng nghệ thuật như cuộc thi sáng tác tranh chủ đề “Cảm hứng không gian”, cuộc thi sáng tác điêu khắc, sắp đặt tạo hình chủ đề “Tái khám phá”, Body Painting (nghệ thuật vẽ trên cơ thể) chủ đề “Xúc cảm thiên nhiên”, phát động giải thưởng thiết kế “Cùng xây nên điều kỳ diệu”… và nhiều hoạt động phong phú khác.
BTC cho biết, tuy lần đầu tiên ra mắt tại Hà Nội nhưng đã có nhiều tên tuổi lớn trong ngành kiến trúc tham gia triển lãm.
Xây dựng ý thức về kiến trúc xanhNhư nhận định của PGS.TS. KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, kiến trúc xanh tuy đã có mặt ở Việt Nam một thời gian, nhưng ý thức của xã hội cũng như của doanh nghiệp với việc hướng tới kiến trúc xanh cho những công trình kiến trúc của mình vẫn chưa cao. Bởi vậy, chưa thật sự có nhiều công trình đạt tiêu chuẩn kiến trúc xanh mà Hội Kiến trúc sư Việt Nam đưa ra.
Minh chứng rõ nhất chính là ở cuộc "Bình chọn công trình Kiến trúc xanh" mà Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã phát động, trong khuôn khổ các hoạt động của triển lãm Kiến trúc Việt Nam 2012 (sẽ trao giải tối 21/4). Theo đó, dù BTC đã muốn "gạn đục khơi trong", nhưng con số gửi dự thi cũng chỉ vỏn vẹn có 26 công trình của 26 đơn vị, cá nhân. BTC đã chọn ra 10 công trình xứng đáng và đáp ứng đủ các tiêu chí của kiến trúc xanh để trao giải lần này. Rất mừng là trong số 26 công trình này, để chọn ra 10 thì vẫn còn khá "thoải mái", thậm chí BTC có thể chọn nhiều hơn. Điều đó thể hiện sự quan tâm của một bộ phận KTS và một bộ phận nhà đầu tư khi thiết kế và xây dựng những công trình của mình. “Tuy nhiên, để kiến trúc xanh thật sự đi vào cuộc sống, thì rất cần sự vào cuộc mạnh hơn nữa của toàn xã hội và các nhà đầu tư", KTS Nguyễn Quốc Thông cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Thông, có 5 tiêu chí được đưa ra để đánh giá công trình kiến trúc xanh, đó là: Địa điểm bền vững, Môi trường bên trong có chất lượng, Sử dụng tài nguyên năng lượng hiệu quả, Hòa nhập môi trường nhân văn và Kiến trúc hiện đại bản sắc. Cụ thể là công trình đó phải phù hợp với quy hoạch khu vực, không gian, môi trường xung quanh; có giải pháp tổ chức môi trường nhân tạo ngoài công trình nhằm bù đắp và cải thiện vi khí hậu, tăng giá trị thẩm mỹ công trình kiến trúc, giải pháp kiến trúc thích ứng khí hậu, có giải pháp bảo tồn, kết nối hài hòa không gian di tích, di sản, kiến trúc khu vực, kiến trúc có phong cách riêng...
Và để "phổ cập" hơn tới mỗi người về kiến trúc xanh, một cuộc hội thảo mang tên "Kiến trúc xanh từ thực tiễn xây dựng ở Việt Nam" cũng sẽ được tổ chức vào ngày 21/4, với sự tham gia của 8 diễn giả: TS Lê Khắc Hiệp với " Dự án Vincom Village", KS Đào Ngọc Thanh với "Ecopack- Văn Giang- Hưng Yên", KTS Nguyễn Luận với "Dự án khu du lịch Flamingo", KTS Võ Trọng Nghĩa với "Các dự án về Kiến trúc xanh", Ths. KTS Nguyễn Thu Phong với "Kiến trúc xanh và sự tham gia của KTS trẻ và sinh viên kiến trúc", TS. KTS Hoàng Hữu Phê với "Khu đô thị mới Gia Lâm- Hà Nội", KTS Hoàng Thúc Hào với "Nhà cộng đồng Suối Rè- Hương Sơn- Hà Nội", đại diện Công ty Nikken Sekkei với "Các dự án của công ty".
Đúng như tên gọi của cuộc hội thảo, đây chính là cơ hội để "người trong giới" có thể học tập kinh nghiệm thực tiễn từ những cách làm cụ thể, từ những công trình cụ thể, để qua đó tìm thấy cách "đến với kiến trúc xanh" theo cách của riêng mình. Cách đó có thể là cái "xanh" của kỹ thuật, của việc hướng về xã hội, của ý thức "xanh", của hành trình đi tới cái "xanh"... Quan trọng là hướng tới một xã hội biết trân trọng những kiến trúc xanh, và coi đây là xu thế phát triển.
T.A