“Khát” khán giả
Gặp nghệ sĩ Ái Như, chủ sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, vào lúc vở diễn “Nửa đời hương phấn” sắp diễn. Dù đã tới giờ diễn nhưng khán phòng chỉ có khoảng gần 100 khán giả càng khiến chúng tôi hiểu hơn những khó khăn của loại hình sân khấu này.
Nghệ sỹ Ái Như cho biết: Khán giả đến với sân khấu kịch nói ngày càng ít đi. Tại sân khấu của chúng tôi có đêm chỉ bán được 30 vé, thậm chí có lần phải hủy diễn vì có quá ít khán giả.Vì vậy, để có một đêm diễn hoàn chỉnh, đa số chúng tôi phải bù lỗ. Tuy nhiên, để phục vụ những khán giả còn yêu kịch nói, hàng tháng chúng tôi vẫn cố gắng duy trì 16 suất diễn bao gồm cả các vở diễn cũ và mới.
Không chỉ có sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh đang rơi vào cảnh “khát’ khán giả mà những sân khấu kịch xã hội hóa nổi tiếng một thời như Idecaf, sân khấu kịch 5B…. cũng đang cùng chung cảnh ngộ.
Vở kịch Lọ lem và Hoàng tử được sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh dàn dựng để thu hút khán giả nhí. (ảnh: Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh) |
Ông Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng các sân khấu kịch thành phố đang mất dần khán giả là do nội dung các vở diễn không còn sức hút với khán giả. Cụ thể như các sân khấu kịch công lập quanh đi quẩn lại những đề tài truyền thống mang nặng tính giáo dục, trong khi đó các sân khấu xã hội hóa lại na ná nhau với các đề tài về ma, hài, kinh dị, bạo lực…. "Đề tài không mới, không có nét riêng, không theo kịp nhịp sống thời đại lại giống nhau lâu dần khiến người xem cảm thấy nhàm chán, không thu hút được khán giả', ông cho biết.
Trong khi đó, theo các ông, bà “bầu” của nghệ thuật kịch nói, sở dĩ các sân khấu kịch nói TP Hồ Chí Minh đang rơi vào cảnh “vắng bóng” khán giả không chỉ do nội dung kém hấp hẫn mà còn do sự xuất hiện ngày càng nhiều các loại hình giải trí hấp dẫn và hiện đại luôn thu hút lượng lớn khán giả. Mặt khác,sự ra đời hàng loạt tiểu phẩm tấu hài, hài kịch…trên các đài truyền hình cũng đã khiến lượng khán giả đến với các sân khấu kịch bị ít đi.
Liên kết giữa sân khấu và tác giả
Để giải quyết tình trạng thiếu kịch bản hay mỗi một năm nhà nước đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng cho các trại sáng tác kịch bản sân khấu, tuy nhiên có khá ít kịch bản được dựng lên tại các sân khấu kịch.
Nghệ sỹ Ái Như (bìa trái) là đạo diễn và diễn viên trong vở kịch "Bao giờ sông cạn" (ảnh: Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh) |
"Hàng năm chỉ có khoảng 20% kịch bản viết tại trại sáng tác được dựng tại các sân khấu kịch. Đó là do chưa có sự liên kết giữa các sân khấu kịch và các tác giả. Các kịch bản viết trong các trại sáng tác phần lớn là các tác phẩm văn học dành để đọc chứ chưa thích hợp để dựng trên sân khấu. Để chấm dứt tình trạng trên, năm nay các tác giả tham gia trại sáng tác phải liên kết được với một sân khấu kịch. Theo đó, hai bên sẽ cùng tham gia với hình thức, các tác giả lên ý tưởng đề tài phù hợp với phong cách của sân khấu kịch mình liên kết. Ngược lại, các sân khấu kịch sẽ góp ý để tác phẩm phù hợp với khả năng của đạo diễn, diễn xuất của diễn viên để tác phẩm có thể biểu diễn được trên sân khấu. Có như vậy, các tác phẩm hay mới đến được với khán giả, từ đó khán giả cũng sẽ quay trở lại với sân khấu này" ông Trần Ngọc Giàu chia sẻ.
Trong khi đó, ông Ngọc Hùng, Chủ sân khấu Thế giới trẻ cho rằng ở giai đoạn hiện nay, nhà nước cũng có thể hỗ trợ và giúp sân khấu kịch phát triển đúng hướng bằng cách đặt hàng các sân khấu kịch diễn các vở diễn do nhà nước đề xuất. Đối với những vở diễn quy mô mang tính tuyên truyền giáo dục như thế nhà nước cũng cần hỗ trợ giá vé. Đây là một trong những cách làm góp phần không nhỏ giúp các sân khấu kịch nói chung và sân khấu kịch xã hội hóa nói riêng có thể duy trì và phát triển.