Tọa đàm "Áo dài Việt từ lịch sử đến đương đại" diễn ra tại Sầm Sơn, Thanh Hóa. |
Những mốc phát triển nổi bật, những giá trị văn hóa của áo dài, xu hướng cách tân áo dài trong thế kỷ 21, chúng ta có nên cách tân áo dài hay không? Nếu cách tân thì nên ở mức độ nào cho phù hợp, và làm thế nào để dung hòa giữa cách tân và truyền thống để bảo tồn vẻ đẹp của tà áo dài Việt Nam... đó là nội dung chính cuộc toạ đàm "Áo dài Việt Nam từ lịch sử đến đương đại", do Công ty cổ phần tập đoàn FLC tổ chức ngày 27/11 tại Thanh Hóa.
Tại cuộc tọa đàm, các nhà nghiên cứu, các diễn giả đã đưa ra một thực tế, áo dài Việt Nam, bao gồm cả áo dài nam và nữ, đã trải qua nhiều lần biến đổi mới hình thành khá hoàn chỉnh, ổn định và được thừa nhận là trang phục truyền thống như hiện nay.
Trong những năm gần đây, bên cạnh áo dài truyền thống, áo dài cách tân đã trở thành xu hướng thời trang của nhiều người, trong đó, nhiều nhà thiết kế đã cho ra đời những chiếc áo dài phá cách, dẫn đến nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.
Có quan điểm cho rằng, mỗi năm áo dài phá cách một kiểu như vậy là phá vỡ truyền thống. Nhưng cũng có nhiều người ủng hộ dòng áo cách tân, bởi nó thỏa mãn nhu cầu thời trang của khá nhiều đối tượng, và thuận tiện hơn trong khi sử dụng.
Không phải ai cũng ủng hộ việc thay đổi, làm mới tà áo dài truyền thống. |
Theo diễn giả, nhà văn Trương Quý, chúng ta phải chấp nhận sự biến tấu của áo dài trong giới trẻ hiện nay, mà không nên chăm chăm cho rằng chỉ nên có một kiểu áo dài. “Theo tôi, đến một lúc nào đó, chúng ta nên có tư duy thay đổi, chấp nhận cả những sự khác lạ. Vấn đề cần quan tâm là, chúng ta đừng làm quá lố mà thôi”, nhà văn Trương Quý nói.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu, nhà sưu tập trang phục Trịnh Bách, một người luôn hướng về những giá trị lịch sử và truyền thống văn hóa Việt Nam chia sẻ, với quan điểm cá nhân, ông không coi đó là cách tân.
Theo nhà nghiên cứu Trịnh Bách, cách tân là phải bám vào nét truyền thống, trong khi những chiếc áo dài cách tân trên thị trường hiện nay, nhiều thiết kế không có được điều đó. Có nhà thiết kế đưa những sáng tạo mới vào nhưng lại không còn giống áo dài truyền thống Việt Nam. Ông lấy ví dụ, như áo dài của nam, người ta không chiết eo mà may suông thẳng để thể hiện sự nam tính. Đối với việc kết hợp váy đụp với áo dài mới xuất hiện trong năm vừa qua mà nhiều người cho rằng đó là kiểu kết hợp ngày xưa của các cụ là không chính xác, mà đó là váy có nguồn gốc của dân tộc Choang ở Trung Quốc - ông Trịnh Bách nói.
Cũng theo nhà nghiên cứu Trịnh Bách, trong lịch sử áo dài ghi nhận nhiều dấu ấn về sự cách tân, nhưng muốn giá trị của trang phục này được lan tỏa thì phải giữ cho được sự mềm mại, được tinh thần của người Việt trong đó.
Đại diện nhóm Đình làng Việt, họa sĩ Nguyễn Đức Bình, nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ, người đang tích cực xây dựng xu hướng đưa áo dài nam trở lại với cuộc sống đương đại, lại bày tỏ sự tiếc nuối về sự mai một giá trị của áo dài truyền thống.
Họa sĩ Nguyễn Đức Bình giới thiệu những chiếc áo dài nam của người đàn ông Việt tại tọa đàm. |
Theo họa sĩ Nguyễn Đức Bình, chiếc áo dài nam của người đàn ông Việt đã tối giản, mang tính giáo dục rất cao. Khi mặc bộ trang phục đó lên người, buộc chúng ta phải có phong thái nghiêm trang, đĩnh đạc. Chính vì vậy, trước nhiều ý kiến cho rằng, áo dài cách tân nhanh, gọn, tiện lợi, có thể mặc sơ mi bên trong đã làm mất đi sự tinh tế vốn có của trang phục. “Tôi cho rằng, chính sự cầu kỳ mới chứa đựng những tinh hoa dân tộc. Tại sao chúng ta cứ đòi hỏi sự tiện lợi, gọn gàng, dễ may, dễ mặc, trong khi trang phục truyền thống của bất kỳ quốc gia nào cũng có sự cầu kỳ, phức tạp”, họa sĩ Đức Bình chia sẻ.
Họa sĩ Đức Bình đưa ra một câu chuyện khá ngược, đó là từ thực tế vận động khôi phục nét đẹp truyền thống của những tà áo dài nam, do nhóm Đình làng Việt tiến hành trong thời gian qua, cho thấy trong khi lớp trẻ thế hệ 8x, 9x rất hồ hởi tiếp thu và đón nhận những tinh hoa văn hóa truyền thống, thì thế hệ cha chú đi trước lại rụt rè, bảo thủ hơn rất nhiều. Nhiều người vẫn quan niệm "cái này của phong kiến", "cái này của cường hào ác bá" ngày xưa hay mặc, chính điều này khiến cho chiếc áo dài của chúng ta càng bị đẩy xa hơn…
Rõ ràng, không phải ai cũng ủng hộ việc thay đổi, làm mới tà áo truyền thống, nhưng rõ ràng, theo thời gian, theo xu hướng chung thì việc thay đổi, cách tân trong quá trình tìm kiếm vẻ đẹp cho tà áo dài Việt là điều không tránh khỏi. Điều quan trọng là làm mới tà áo dài như thế nào để không quá phá cách, không làm biến đổi hay mất đi giá trị của tà áo dài truyền thống, mà vẫn phù hợp với xã hội phát triển, là điều các nhà thiết kế luôn cố gắng hoàn thiện. Và theo nhà văn Trương Quý, chúng ta nên xây dựng một cuốn sách về áo dài Việt, để các nhà nghiên cứu, người làm thời trang và cả những người yêu mến tà áo dài có thêm nhiều thông tin hơn để có những lựa chọn phù hợp.