Tìm một hàng bánh Âu giờ sao mà dễ. Mỗi con phố Hà Nội giờ có khi có tới 2 - 3 hàng bánh đủ loại.
Bà Phạm Thị Hồng Hà, chủ cửa hàng bánh Gia Trịnh, nâng niu những loại bánh truyền thống của cửa hàng. |
Thế nhưng ngược lại, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay những hàng "bánh xưa", với những loại bánh mà tên gọi đôi khi đã trở thành xa lạ với giới trẻ Hà Thành như bánh gấc, bánh ít dừa, bánh mảnh cộng, bánh củ cải, bánh ngải cứu... Và tiệm bánh Gia Trịnh, nằm trong con ngõ nhỏ của số nhà 16 Lý Nam Đế (Hà Nội) là một nơi để tìm đến như thế.
Cửa hàng nhỏ nằm ngay mặt ngõ, với những quầy kệ bày kín các loại bánh: Bánh mảnh cộng xanh mát, bánh gấc đỏ tươi, bánh bò thơm phức mùi cốt dừa, bánh rán lúc lắc dẻo dai, bánh chín tầng mây màu sắc rực rỡ... Mỗi loại bánh đều có nét đặc trưng riêng về cách chế biến, màu sắc cũng như hương vị.
Bà Phạm Thị Hồng Hà, chủ cửa hàng bánh Gia Trịnh chia sẻ: “Người Hà Nội xưa làm các loại bánh đều nhỏ xinh, chỉ mang tính chất thưởng thức hơn là ăn no. Các cụ khi ăn bánh cũng thường ăn bánh có đôi, kết hợp như thế để tạo sự hài hòa trong hương vị và cũng rất tốt cho sức khỏe”. Thế mới thấy sự tinh tế của người Hà Nội xưa trong thú vui ẩm thực. Bánh gấc đỏ ăn với bánh mảnh cộng xanh tạo nên cái màu sắc bắt mắt, hơn nữa bánh gấc mang tính dương (nóng) kết hợp với bánh mảnh cộng mang tính âm (mát) tạo sự kết âm hợp âm dương hài hòa. Hay như bánh bao tượng trưng cho mặt trời, còn bánh bẻ lại tượng trưng cho mặt trăng, khi kết hợp lại tạo nên ý nghĩa hình tượng vạn vật thiên nhiên.
Bà Hà vốn là người Hà Nội gốc. Trước kia cứ mỗi dịp đặc biệt như ngày giỗ, mùng một, lễ Tết... là bà ngoại và mẹ của bà Hà lại làm những thức bánh truyền thống để cả gia đình thưởng thức. Chính hương vị truyền thống ấy đã truyền cảm hứng cho bà gây dựng tiệm bánh Gia Trịnh ngày hôm nay. Bà chia sẻ: “Khi bắt đầu làm, loại bánh nào tôi cũng phải tìm tòi rồi thực hành cả chục đến cả trăm lần, đến khi ưng ý ra được hương vị nguyên bản xưa kia mới thôi”. Công thức làm bánh nào cũng được bà tìm hiểu kỹ lưỡng, từ những bí quyết mà gia đình truyền lại, bà học hỏi thêm ở khắp nơi rồi cả tự rút kinh nghiệm qua những lần thực hành. “Làm bánh không khó nhưng làm bánh ngon mới khó, nó đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận của người thợ”, bà Hà chia sẻ.
Từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu chế biến bà Hà đều tự tay chuẩn bị, kiểm tra kỹ lưỡng. Nguyên liệu phải chọn những thứ ngon nhất, chế biến cũng phải đều tay, đủ độ thì bánh mới ra được đúng hương vị. Chẳng phải thế mà mẻ bánh rán lúc lắc nào của bà cũng đều chằn chặn, lớp nhân không hề dính với lớp vỏ bánh, khi lắc lên nghe rõ tiếng nhân lục cục va vào lớp bánh. “Nhiều người cũng hỏi tôi cách làm rồi làm lấy mà không được, lần nào lớp nhân cũng dính vào vỏ. Tôi làm được chẳng có bí quyết riêng gì, chỉ là do kinh nghiệm làm đã lâu năm, nhân phải thật nhuyễn, khi rán cũng phải đều tay mới được”, bà Hà chia sẻ.
Niềm đam mê với nghề làm bánh, tâm huyết với những hương vị truyền thống đã giúp bà Hà có được thành quả như hôm nay. Rất nhiều khách hàng đã tìm đến tiệm bánh Gia Trịnh để được thưởng thức lại hương vị bánh truyền thống xưa. “Trong số các lượt khách thì khách hàng có tuổi là đông nhất, ai cũng thích được thưởng thức lại đúng cái hương vị bánh xưa kia. Xúc động nhất là có một vị khách Việt Kiều cứ ôm tôi khóc, cô ấy không ngờ sau bao năm lại có được cảm giác sống lại ngày thơ bé như thế và chỉ mong tôi nhất quyết phải giữ cho được nghề”, bà Hà tâm sự.
Những hoài niệm ngày thơ ấu, đã trở thành cầu nối giúp bà Hà đến với nghề bánh, những chiếc bánh qua bàn tay tài khéo của bà không chỉ là thức quà đơn thuần nữa, mà nó còn lưu giữ cả nét văn hóa truyền thống của người Hà Nội xưa.
Bài và ảnh: Vân Ly