Tìm phương án bảo tồn, tôn tạo chùa Huyền Thiên và chùa Ngũ Đài

Ngày 19/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Chí Linh và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Phương án bảo tồn, tôn tạo, phục dựng chùa Ngũ Đài, chùa Huyền Thiên thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương”.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương, thành phố Chí Linh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện sử học, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương chủ trì hội thảo. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Tham luận của các nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa từ Trung ương đến địa phương tại hội thảo đã làm rõ thêm những giá trị của di tích chùa Ngũ Đài và chùa Huyền Thiên. Đây đều là những đại danh lam trên vùng đất Chí Linh, cùng hệ phái Phật giáo Trúc Lâm. Trải qua thời gian, đến nay các di tích đã bị tàn phá, không còn nhiều dấu tích. Qua nhiều tư liệu, kết quả khảo cổ học và thám sát đã có cái nhìn tương đối đầy đủ về công trình này kéo dài từ thế kỷ 14 đến đầu thế kỷ 20.
 
Chùa Ngũ Đài, tên chữ là Kim Quang tự, tại phường Hoàng Tiến, thành phố Chí Linh được khởi dựng thời Trần thế kỷ 14, trùng tu lớn đầu thế kỷ 17 và những thế kỷ sau tiếp tục được trùng tu, cải tạo và dịch chuyển về vị trí như hiện nay. Kết quả khai quật khảo cổ học đã phát lộ dấu tích kiến trúc với nhiều cấp nền và nhiều loại hình vật liệu xây dựng, gốm sành sứ gia dụng và đồ thờ tự qua nhiều triều đại lịch sử. Chùa có mối liên hệ mật thiết với hệ thống chùa ở Yên Tử, Quỳnh Lâm, Ngọa Vân (Quảng Ninh), Thanh Mai, Côn Sơn (Hải Dương) và Vĩnh Nghiêm, Mã Yên… (Bắc Giang) tạo thành vùng tam giác phật giáo Trúc Lâm.

Chùa Huyền Thiên tại phường Văn An, thành phố Chí Linh còn có tên gọi là động cổ Vân Tiên. Tương truyền, Huyền Vân cư sĩ đã đến đây để luyện thuốc trường sinh. Vào thời nhà Trần, chùa là một danh lam cổ tích, nơi lưu dấu Trúc Lâm Tam Tổ và nhiều danh nhân. Những tư liệu và di vật đã chứng minh niên đại khởi dựng của chùa Huyền Thiên có từ thời Trần và tiếp tục được duy trì phát triển vào thời Lê Trung hưng trong không gian Phật giáo Trúc Lâm tại khu vực Đông Bắc của Tổ quốc như chùa Côn Sơn, chùa Thanh Mai (Hải Dương), chùa Bổ Đà, Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) và khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh).

Tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng cho rằng, những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học đã minh chứng thêm giá trị, vai trò của hai ngôi chùa trong hệ thống di tích ở Hải Dương và hệ thống di tích thiền phái Trúc Lâm nói chung. Đây sẽ là cơ sở để tham mưu, đề xuất cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho phép tu bổ, tôn tạo, phục dựng hai ngôi chùa này.

Chú thích ảnh
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, việc bảo tồn, tôn tạo, phục dựng hai di tích sẽ góp phần khẳng định và lưu giữ những đóng góp của Phật giáo thời Trần, Phật giáo Trúc lâm đối với Phật giáo Việt Nam. Về mặt lịch sử, đây là hai ngôi cổ tự có niên đại hình thành từ xa xưa và có ý nghĩa trong đời sống tinh thần người dân, tuy nhiên, quy mô hiện nay chưa xứng đáng với giá trị di tích từng tồn tại trong lịch sử.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cho rằng, việc tôn tạo cần theo quan điểm đồng bộ, toàn diện. Do đó, để bảo tồn và phục dựng di tích cần khảo sát thật kỹ lưỡng về kiến trúc chùa cổ, áp dụng công nghệ hiện đại, có sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế để có phương án tôn tạo, phục dựng phù hợp, có thiết kế phù hợp với bản sắc và đảm bảo yếu tố văn hóa, lịch sử và truyền thống.

Nhiều ý kiến tại hội thảo thống nhất với quan điểm cho rằng việc bảo tồn phục dựng là cấp thiết để mang lại diện mạo, tầm vóc mà các bậc tiền nhân tạo dựng và cũng là đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân. Thời gian tới, công tác quản lý, tôn tạo và phát huy giá trị hai di tích cần hướng tới sự phát triển bền vững, tránh tình trạng tu bổ, phục dựng sai nguyên tắc luật định.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Minh Hùng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Việc tôn tạo, phục dựng cần dựa trên kết quả nghiên cứu khảo cổ, lưu ý tính truyền thống của di sản chùa miền Bắc và lựa chọn giai đoạn lịch sử cụ thể để khôi phục. Các thiết kế cần thể hiện được sự kết nối giữa các công trình cũ với công trình mới, lưu giữ được sự hài hòa của di tích với thiên nhiên và cảnh quan để tiếp nối các giá trị của cha ông để lại. Việc nghiên cứu giá trị vật thể của di tích cần đi đôi với nghiên cứu, phát huy giá trị Phật giáo Trúc Lâm, tư tưởng Phật giáo, tinh thần Phật giáo Trúc Lâm. Từ đó, thúc đẩy du lịch tâm linh để khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng đất Chí Linh địa linh nhân kiệt, góp phần phát triển du lịch, kinh tế xã hội của Hải Dương.

Phương án tu bổ, tôn tạo cần thực hiện theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và các quy định hiện hành với nguyên tắc bảo tồn tối đa yếu tố gốc là nền móng kiến trúc đã từng tồn tại; phục dựng đảm bảo theo lối kiến trúc truyền thống và gắn với quy hoạch tổng thể của tỉnh Hải Dương và các di sản văn hóa khu vực Đông Bắc của Việt Nam.

Trong quá trình triển khai trùng tu, tôn tạo, nếu có di vật, cổ vật, cần có phương án kịp thời bảo vệ. Riêng với chùa Huyền Thiên, khi tôn tạo, phục dựng cần lưu tâm đến yếu tố văn hóa Đạo giáo.

Chú thích ảnh
PGS. Ts Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu di sản văn hóa, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương đề nghị thành phố Chí Linh cần rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn để có quỹ đất đảm bảo cho việc tu bổ hai di tích; phân định các khu vực về cảnh quan; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tu bổ di tích để trình các cấp có thẩm quyền. Quá trình tôn tạo, tu bổ hai di tích cần lưu ý đến sự kết nối với các di tích trong hệ thống chùa thiền phái Phật giáo Trúc Lâm các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh. Giáo hội Phật giáo tỉnh phối hợp với cơ quan, chính quyền để tuyên truyền, huy động nguồn lực; cùng các nhà khoa học bổ sung căn cứ khoa học cho việc tu bổ, phục dựng di tích.
 
Trước đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương đã phối hợp với Hội khảo cổ học Việt Nam tiến hành điều tra, thám sát tại chùa Huyền Thiên (năm 2021); điều tra, thám sát và khai quật tại di tích chùa Ngũ Đài (từ tháng 8/2019-6/2020). Kết quả đã ghi nhận nhiều thông tin khảo cổ quan trọng, minh chứng cho các giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học của hai di tích.

Mạnh Minh  (TTXVN)
Chí Linh cần đổi mới mạnh mẽ, xứng đáng là một trong 3 cực tăng trưởng của tỉnh Hải Dương
Chí Linh cần đổi mới mạnh mẽ, xứng đáng là một trong 3 cực tăng trưởng của tỉnh Hải Dương

Ngày 16/5, Thành ủy Chí Linh tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đây là Đảng bộ cấp huyện đầu tiên của Hải Dương tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ đại hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN