Trước đó, các chuyên gia khảo cổ của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương tiến hành thăm dò, thám sát và đã phát lộ nền móng một số công trình, các hiện vật có niên đại tương đối trùng khớp với các thư tịch, bia ký còn lưu giữ tại di tích chùa Ngũ Đài.
Căn cứ vào kết quả đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia lập kế hoạch thăm dò, thám sát khai quật khảo cổ học theo quy định và đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định cấp Giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ khu vực chùa Ngũ Đài nhằm xác định chính xác quy mô, vị trí các công trình, các đơn nguyên kiến trúc, các tầng văn hóa tại đây.
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương Lương Văn Cầu đề nghị Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thực hiện tốt công tác khai quật theo đúng tiến độ đề ra. Trong quá trình khai quật cần tham vấn ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia khảo cổ để chứng minh giá trị, vai trò của chùa Ngũ Đài trong hệ thống di tích tỉnh Hải Dương nói chung và hệ thống di tích Phật giáo Trúc Lâm nói riêng - một thiền phái Phật giáo mang tinh thần văn hóa Đại Việt với hơi thở, trí tuệ của người Việt được mở mang, khai sáng.
Các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương cần phối hợp chặt chẽ với Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong quá trình khai quật khảo cổ. Sau khi xác định quy mô, vị trí các công trình, các đơn nguyên kiến trúc, các tầng văn hóa, các hiện vật đã từng tồn tại khu vực chùa Ngũ Đài, các cơ quan cần tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh sớm có phương án trùng tu, tôn tạo, phục dựng các hạng mục của di tích; đảm bảo an ninh trong suốt quá trình đoàn khảo cổ thực hiện nhiệm vụ tại địa phương…
Cùng với các di tích Phật giáo Trúc Lâm ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc như chùa Côn Sơn, chùa Thanh Mai (tỉnh Hải Dương), khu di tích Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh), chùa Vĩnh Nghiêm, Bổ Đà (tỉnh Bắc Giang)…, chùa Ngũ Đài có tên chữ là Kim Quang tự, tương truyền được khởi dựng vào thời Trần thế kỷ XIV, là di tích thuộc thiền phái Phật giáo Trúc Lâm, đã từng là một trong những trung tâm Phật giáo lớn ở thế kỷ XVII - XVIII, có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống các di tích Phật giáo Trúc Lâm.
Trải qua thời gian và chiến tranh, ngôi chùa đã bị tàn phá, di chuyển vị trí nhiều lần; các tài liệu thư tịch, bia ký ghi về chùa Ngũ Đài đã bị mai một, gây nhiều khó khăn cho công tác nghiên cứu, phát huy giá trị, phục hồi đúng với quy mô mà ngôi chùa đã từng tồn tại trong lịch sử.
Vì vậy, việc nghiên cứu, xác định các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đối với di tích chùa Ngũ Đài, qua công tác khảo cổ học nhằm góp phần bảo vệ, tôn vinh những giá trị lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh của chùa Ngũ Đài nói riêng và trong sự kết nối với các di tích Phật giáo Trúc Lâm tiêu biểu nói chung.
Công tác thám sát, khai quật sẽ được các nhà khoa học tiến hành từ nay đến hết tháng 6/2020, với diện tích khoảng 990m2 tại các khu vực chùa Ngũ Đài, núi Đống Thóc, núi Hang Khách, khe Hang Mẫu và núi Bát Hương.