Thờ cúng Hùng Vương có một tầm quan trọng trong tâm thức của người Việt, khẳng định người Việt có chung một thủy tổ, nguồn gốc đó là sợi chỉ đỏ tạo nên truyền thống đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Thờ cúng Hùng Vương, đã trở thành một biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng kết nối quá khứ với hiện tại, có tác dụng vun đắp tình cảm với gia đình, làng xã và dân tộc. Với ý nghĩa đó, cộng đồng người Việt tự nguyện giữ gìn và phát triển Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương một cách tự nhiên, không khiên cưỡng.
Như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng viết: “Từ lòng biết ơn đến tôn kính các thế hệ tiền nhân và tổ tiên, gia đình, dòng họ, dân tộc ta đã phát triển hình thức sinh hoạt văn hóa, tinh thần ấy thành một đạo lý và tín ngưỡng dân tộc độc đáo, là tín ngưỡng thờ một Tổ tiên chung của toàn dân tộc: Các Vua Hùng”.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được bắt nguồn từ vùng đất cổ Phú Thọ, rồi lan tỏa ra phạm vi cả nước. Việc thờ cúng Hùng Vương bắt đầu từ sự ra đời của các ngôi đền thờ vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh của những cư dân địa phương xung quanh khu vực Đền Hùng. Các ngôi đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền Giếng thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng ra đời gắn với quá trình phát triển của các làng xã dưới chân núi.
Theo các nhà nghiên cứu, ngôi đền Trung có tên chữ là: Hùng Vương Tổ miếu (Miếu thờ Tổ Hùng Vương), do dân làng thôn Trẹo thờ cúng. Đến thời Lý - Trần, cư dân thôn Trẹo đông lên, lập ra làng Cả, làng Cả dựng đền Thượng trên đỉnh núi, sau đó lập ra đền Hạ. Từ làng Trẹo, cư dân lấy tên làm họ của mình và phiên âm Hán-Việt thành Triệu, từ đó thôn Triệu thành thôn Triệu Phú và người làng Trẹo thành họ Triệu ngày nay. Hiện nay, họ Triệu vẫn còn bản tộc phả hơn 500 năm kể về sự tích của làng và việc lập các đền thờ này.
Như vậy, vùng tâm điểm của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Khu di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Đền Hùng ở thôn Cổ tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Từ đỉnh núi Hùng - Trung tâm thờ tự các vua Hùng đầu tiên này, theo dòng chảy thời gian, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương dần dần lan tỏa tới các địa phương khác. Đầu tiên là các vùng đất quanh chân núi Nghĩa Lĩnh như đình làng Cổ Tích (xã Hy Cương), đình làng Trẹo (Thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao), đình làng Cả (xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao)…, sau đó lan tỏa khắp địa bàn Phú Thọ, Vĩnh Phúc, tới các tỉnh, thành trong cả nước, tập trung ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung và tiến sâu vào đất phương Nam theo dấu chân mở đất của người Việt. Giờ đây, thờ cúng Hùng Vương đã có ở nhiều nước trên thế giới, nơi có cộng đồng người Việt sinh sống.
Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay trong cả nước có 1.417 di tích thờ Hùng Vương và vợ con, tướng lĩnh thuộc thời đại Hùng Vương. Riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 345 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, trong đó có 249 di tích đang thờ tự (gồm cả Khu di tích lịch sử đền Hùng được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 37 di tích cấp quốc gia, 135 di tích xếp hạng cấp tỉnh...) và 93 di tích chỉ còn là phế tích.
Phú Thọ là tâm điểm của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với những hoạt động lễ, hội diễn ra trang nghiêm, thành kính tại các ngôi đền trên núi Hùng và các di tích thờ Hùng Vương, thu hút hàng triệu đồng bào cả nước và kiều bào tham gia trong dịp giỗ Tổ hàng năm. Cùng với tỉnh Phú Thọ, để tưởng nhớ công ơn các vua Hùng, các địa phương có điểm thờ Hùng Vương như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, Khánh Hòa, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Kiên Giang… đều tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng theo hướng dẫn chung của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Vì vậy, ngày giỗ Tổ Hùng Vương đã thực sự trở thành ngày hội của đồng bào từ Bắc chí Nam với nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống, hoạt động văn hóa dân gian của các vùng miền dân tộc.
Dưới thời nhà Nguyễn (Thế kỷ XIX), đã cho xây dựng Miếu Lịch Đại Đế Vương, ngôi miếu thờ các bậc minh quân khai sáng dân tộc Việt Nam, cho rước linh vị các vua Hùng về thờ tự. Hay ở tỉnh Lâm Đồng, trong hệ thống các đền thờ Vua Hùng do cư dân miền Bắc nhập cư xây dựng, tiêu biểu là đền thờ Hùng Vương tại khu tưởng niệm các vua Hùng tại Khu du lịch thác Pren. Đây là hệ thống công trình được xây dựng tại núi Phượng Hoàng thuộc thắng cảnh quốc gia thác Pren mô phỏng đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương trên núi Nghĩa Lĩnh (tỉnh Phú Thọ) với 3 hạng mục chính là đền Thượng, đền Trung, đền Hạ cùng với nhiều hạng mục khác như công viên Hùng Vương, tượng Lạc Long Quân, Âu Cơ. Đền được xây dựng từ năm 1958, đến 1989 đã tu sửa lại và rước chân nhang từ đền Hùng (Phú Thọ) về thờ tự. Từ đó đến nay, hàng năm vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đều tổ chức lễ dâng hương với rất nhiều các hoạt động tâm linh.
Tại thành phố Hồ Chí Minh có tới 12 địa điểm thờ vua Hùng. Trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương, người dân thành phố đến các điểm thờ tự này dâng hương tưởng niệm các vua Hùng và tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật sôi nổi. Đền Hùng trong Thảo Cầm viên, Tại công viên văn hóa Đầm Sen và Khu du lịch Suối Tiên cùng tổ chức trang trọng lễ giỗ Tổ Hùng Vương với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân và khách du lịch. Năm 2009, Thành ủy, Hội Đồng nhân dân, Ủy ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh tổ chức rước linh khí từ Đền Hùng (Phú Thọ) về Khu tưởng niệm các vua Hùng trong công viên lịch sử văn hóa dân tộc (phường Long Bình, Quận 9). Nghi lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng và lễ tế tiến hành trang nghiêm, thành kính cùng phần hội tưng bừng với các chương trình thể thao phong phú theo chủ đề ý nghĩa hướng về cội nguồn.
Tại tỉnh Cần Thơ, có hai ngôi đình thờ Hùng Vương lớn và cổ nhất nằm ở quận Bình Thủy và quận Ô Môn. Lễ tưởng niệm các Vua Hùng hàng năm được tổ chức trọng thể. Tại tỉnh Vĩnh Long cũng tổ chức trang trọng giỗ Tổ Hùng Vương với việc rước linh vị vua Hùng từ đền Long Thành (phường Năm, thị xã Vĩnh Long) về trung tâm văn hóa thông tin tỉnh. Tại vùng đất Tây Nam Bộ, từ năm 1957 nhân dân Kiên Giang đã xây dựng đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương tại ấp Đông Bình, xã Thạch Đông B. Hơn 60 năm qua, ngôi đền đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa của nhân dân địa phương và các vùng lân cận. Sau nhiều lần tổ chức lễ giỗ theo nghi thức truyền thống của nhân dân địa phương.
Không chỉ ở trong nước mà ở một số quốc gia trên thế giới, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng lập đền thờ các vua Hùng như ở Califonia (Hoa Kỳ), Canada, Australia… hoặc các điểm thờ tự để đặt ban thờ, bài vị và tượng Hùng Vương để kiều bào cùng tổ chức lễ dâng hương, nhớ về Tổ tiên trong ngày quốc lễ, như ở Nga, Séc, Lào… Có thể nói, việc thờ cúng Hùng Vương đã ăn sâu, lan tỏa rộng khắp, nơi đâu có người Việt sinh sống thì có tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên - thờ Các Vua Hùng. Những không gian tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ấy chính là sự hồi cố về quá khứ, về lịch sử, là những bằng chứng sinh động, đầy sức thuyết phục về sự bảo lưu và phát triển của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong cộng đồng người Việt.
Các di tích và địa điểm thờ tự Vua Hùng ở khắp nơi luôn được người Việt bảo tồn, gìn giữ và xây dựng chính là sự khẳng định giá trị tâm linh bền vững trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Đó chính là hành trang tinh thần vô giá của cả dân tộc để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được ra đời, hình thành và hun đúc gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước của các thế hệ người Việt, được các thế hệ người Việt bảo lưu tại các di tích thờ cúng các vua Hùng cùng với các lễ hội dân gian tại các di tích ấy, tạo thành một hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Có thể khẳng định, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện sự ngưỡng vọng, đồng thuận, tự nguyện của cộng đồng người Việt trên khắp mọi miền của đất nước và kiều bào sinh sống ở nước ngoài. Các giá trị của tín ngưỡng ấy luôn được bảo tồn, phát triển ngày càng sâu rộng trong đời sống của người Việt và luôn được trao truyền, thực hành từ thế hệ này sang thế hệ khác để trường tồn và lan tỏa cùng sự phát triển của dân tộc.
Lê Trường Giang (Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng)