Hội thảo do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương và Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với huyện Ninh Giang thực hiện, với sự tham dự của các nhà nghiên cứu của Trung ương và của tỉnh Hải Dương, đại diện chính quyền địa phương và hậu duệ của 3 vị Tiến sĩ.
Các tham luận tại Hội thảo đã cung cấp nhiều tư liệu quan trọng qua nguồn sử liệu bia ký, nội dung các sắc phong do các triều đại phong kiến ban tặng và các sử liệu chính thống khác khẳng định quê hương của 3 vị thuộc xã Tiền Liệt, huyện Vĩnh Lại, nay là thôn Tiền Liệt, xã Tân Phong, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
Theo các sử liệu được trích dẫn tại Hội thảo, ba vị Tiến sĩ là người cùng một gia đình họ Nguyễn tại thôn Tiền Liệt, có hoạt động trên nhiều lĩnh vực, được triều đình phong kiến đương thời giao đảm nhiệm các chức vụ quan trọng, đóng góp lớn cho nền văn hóa, giáo dục, ngoại giao của đất nước. Tên tuổi của ba vị đều được khắc trên văn bia tại Văn Miếu Mao Điền ở huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Tiến sĩ Nguyễn Đoan Kính là anh trai Tiến sĩ Nguyễn Văn Thái và là ông nội của Tiến sĩ Nguyễn Tự Cường. Tiến sĩ Nguyễn Đoan Kính đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ, tức Hoàng Giáp, khoa Kỷ Mùi, niên hiệu Cảnh Thống thứ 2, năm 1499. Ông làm quan đến chức Phủ doãn phủ Phụng Thiên.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thái sinh năm 1479, năm 24 tuổi, đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập Đệ tam danh, tức Thám hoa, khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Cảnh Thống thứ 5, năm 1502. Ông từng được cử làm Phó sứ sang nhà Minh, thăng đến chức Học sĩ, tước Đạo Xuyên bá. Đến thời nhà Mạc, ông được xem là một trong những nhà ngoại giao xuất sắc lập nhiều công trạng trong chính sách bang giao của Đại Việt. Tên tuổi ông còn được khắc ghi trên bảng vàng bia đá tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Tiến sĩ Nguyễn Tự Cường sinh năm 1570. Năm 33 tuổi, ông đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hoằng Định thứ 5, năm 1604. Ông từng đi sứ nhà Minh, làm quan đến chức Hữu Thị lang bộ Lễ, tước Xuân Quận công, khi mất, ông được truy tặng chức Thượng thư.
Có thể khẳng định, ba vị Tiến sĩ đã có công trạng lớn đối với quốc gia Đại Việt từ cuối thời Lê sơ, trải qua triều Mạc và sang giai đoạn đầu của thời Lê Trung hưng. Mặc dù những đóng góp của các vị đối với đất nước ở thế kỷ XV-XVII rất phong phú, đa dạng, tuy nhiên ghi chép và nghiên cứu về gia đình đại khoa họ Nguyễn ở Tiền Liệt, xã Tân Phong, huyện Ninh Giang, vẫn còn rất hạn chế.
Về những di tích liên quan đến các vị Tiến sĩ, nhiều ý kiến tại Hội thảo cho biết, trong quá khứ, nhân dân địa phương đã xây dựng đền thờ ba vị Tiến sĩ nhưng đến nay di tích đều đã mai một theo thời gian và bị chiến tranh tàn phá. Các nhà khoa học cũng như đại diện chính quyền, nhân dân địa phương và các hậu duệ của ba vị Tiến sĩ đều bày tỏ mong muốn, song song với việc sưu tầm các tư liệu, các cấp, ngành sẽ quan tâm nghiên cứu đầu tư, khôi phục lại các di tích này, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân địa phương.
Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định, việc nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của các vị Tiến sĩ là rất cần thiết, nhằm bổ sung tư liệu làm phong phú thêm di sản văn hóa Nho học, góp phần minh chứng truyền thống khoa bảng rực rỡ của tỉnh Hải Dương thời phong kiến, từ đó có hình thức tôn vinh xứng đáng với công trạng của các vị tiền nhân nhằm tuyên truyền giá trị di sản văn hóa Nho học, giáo dục thế hệ trẻ trong giai đoạn hiện nay.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đề nghị các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, phát hiện, sưu tầm thêm những tài liệu mới để làm rõ hơn về thân thế, sự nghiệp, công lao của các vị Tiến sĩ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương cần tham mưu tổ chức thêm nhiều hội thảo khoa học về các vị Tiến sĩ để khẳng định và tôn vinh những công lao đóng góp của các vị Tiến sĩ. Đồng thời, Sở và huyện Ninh Giang nghiên cứu, xem xét phục dựng lại đền thờ các vị Tiến sĩ gắn với lễ hội tại địa phương; khôi phục các sắc phong thần tích, thần sắc và hệ thống bia ký có liên quan làm cơ sở để xếp hạng các di tích trong thời gian tới; tham mưu đề xuất đưa tên ba vị Tiến sĩ để đặt tên đường, tên phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, huyện Ninh Giang cần tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn của Trung ương và của tỉnh, các nhà khoa học sưu tầm thêm tư liệu về các vị Tiến sĩ để tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp, những đóng góp to lớn của các vị tiến sĩ đối với nền văn hóa, giáo dục, ngoại giao của đất nước.
Hải Dương được biết đến là quê hương của 486 Tiến sĩ Nho học. Nhiều vị Tiến sĩ đã được nhân dân phong làm Thành hoàng làng, lập đền thờ. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng cho rằng, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Nho học trên địa bàn tỉnh đòi hỏi sự chung tay, góp sức của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội, tập thể, cá nhân, gia đình, dòng họ… từ đó tạo cho di tích thêm sức sống, thu hút du khách khi đến Hải Dương và góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích.