Trải lòng cùng “Xa khơi”

Sau khi chương trình “Giai điệu tự hào” tháng 7 được phát vào đêm 26/7 trên VTV1, dư luận râm ran với phần nhận xét rất khác nhau giữa Hội đồng bình luận lớn tuổi và Hội đồng bình luận trẻ tuổi về ca khúc “Xa khơi” do ca sĩ Anh Thơ thể hiện.

 

Có lẽ, do tình hình Biển Đông trở thành điểm nóng trong thời gian gần đây khiến “Giai điệu tự hào” tháng 7 với chủ đề biển cả đã thu hút sự chú ý đặc biệt của khán giả truyền hình. Với 6 ca khúc "đi cùng năm tháng" là "Xa khơi" (của Nguyễn Tài Tuệ), "Bến cảng quê hương tôi" (Hồ Bắc), "Tình em biển cả" (Nguyễn Đức Toàn), "Biển hát chiều nay" (Hồng Đăng), "Chút thơ tình của người lính biển" (Hoàng Hiệp - phổ thơ Trần Đăng Khoa) và "Bài ca thống nhất" (Võ Văn Di) để lại một dấu ấn khó quên với những ai theo dõi chương trình.

 

Anh Thơ cháy hết mình với “Xa khơi”.


Thật xúc động, “Giai điệu tự hào” tối 26/7 có sự hiện diện của một vị khách mời đặc biệt: Nghệ sỹ ưu tú Kiều Hưng. Sau hơn 20 năm xa xứ, cùng quãng thời gian phải vật lộn với căn bệnh tai biến mạch máu não, ông xuất hiện trong “Giai điệu tự hào” gợi lại nhiều kỷ niệm cho những khán giả từng được nghe ông hát từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước.

Do tuổi cao, nghệ sỹ của “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, “Rặng trâm bầu”, “Bài ca trên núi”... một thời, giờ lên sân khấu mà bước chân không vững, ông phải ngồi dựa vào một tảng đá giả để hát. “Ở tuổi này (ông sinh năm 1937 - PV), tôi cứ nghĩ chẳng bao giờ mình còn được lên sân khấu nữa. Có lẽ đây là lần cuối cùng” - nghe ông chia sẻ mà những người mến mộ giọng hát của ông không khỏi ngậm ngùi. Ca khúc “Tình em biển cả” một lần nữa được ông thể hiện như rút ruột rút gan, thấm đẫm những hoài niệm.


Trở lại với ca khúc “Xa khơi" do ca sĩ Anh Thơ thể hiện - ca khúc được chọn mở đầu cho chương trình. “Xa khơi” từng đi vào ký ức của nhiều người Việt Nam qua giọng hát của nghệ sĩ Tân Nhân trong những năm tháng đất nước còn chiến tranh. Ca khúc này cũng được ca sĩ Anh Thơ thể hiện trong cuộc thi Tiếng hát truyền hình Hà Nội năm 1998 và giúp cô giành giải cao nhất của cuộc thi này. 16 năm qua, Anh Thơ từng nhiều lần trình diễn ca khúc này ở nhiều sân khấu lớn nhỏ.

Thế nhưng, tiết mục của cô trong chương trình “Giai điệu tự hào” phát sóng tối 26/7 lại làm dấy lên sự tranh cãi của khán giả. Có người nhận xét, Anh Thơ thể hiện “Xa khơi” rất hay, da diết, đúng với tinh thần của bài hát, đã làm toát lên tình yêu đất nước bình dị, tự nhiên như hơi thở của mỗi người dân đất Việt. Nghe “Xa khơi” mà Anh Thơ trình bày, biển hiện lên thật hiền hòa, tự nhiên, gắn kết máu thịt với mỗi con người Việt Nam. Cách thể hiện của Anh Thơ cùng với cách phối khí hoàn toàn mới, “Xa khơi” như được khoác lên một tấm áo mới, làm rung động nhiều đối tượng khán giả, cả trẻ lẫn già.


Tuy vậy, có người lại lại chê Anh Thơ chưa thể hiện được cái hồn của ca khúc, chưa chạm tới trái tim của khán giả.


Xin được dẫn lại lời nhận xét của Phó Giáo sư nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái - một trong những khách mời của chương trình: "Nghe lại ca khúc này, tôi nhớ giọng hát của Tân Nhân hơn là ca sĩ đang trình bày trước mặt. Ca sĩ trẻ, bản phối lại không mới nữa nên không đem lại tất cả tình tự của của dân tộc đó là nỗi đau của sự chia cắt". Vị Phó giáo sư này còn cho biết: "Ca khúc cũ dù phối mới hay cũ thế nào đi nữa mà không chạm vào trái tim người yêu nhạc thì cũng là sự thất bại. Nếu ca sĩ Anh Thơ hát được như Tân Nhân thì sẽ thuyết phục công chúng”.


Phần bình luận này ngay lập tức bị nhà nhiếp ảnh Na Sơn phản đối. Anh cho rằng PGS Minh Thái có phần cá nhân khi nhận xét như vậy. Thử tưởng tượng nếu ca sĩ Anh Thơ hát y hệt như nghệ sĩ Tân Nhân ngày xưa, ở trên sân khấu này, vào năm 2014 thì liệu giới trẻ có đồng cảm? Nhiếp ảnh gia này cũng bày tỏ thêm: “Cách hát của Anh Thơ rất hay, rất da diết. Nó là những khát khao được gặp gỡ của những người chồng, người vợ, của những đôi lứa. Nói về những điều bình dị nhưng giúp cho chúng tôi, những người trẻ đồng cảm và thêm yêu đất nước”.


Đồng quan điểm với nhà nhiếp ảnh Na Sơn, thiếu tá quân đội Nguyễn Minh Cường, một khách mời khác cũng không đồng ý với ý kiến của PGS Minh Thái. Anh quan niệm, ca khúc mà Anh Thơ trình bày, mở màn cho chương trình thật hoàn hảo. Sự chia cắt trong “Xa khơi” chỉ tạm thời, cũng giống như việc người vợ chờ chồng, những đứa con chờ cha đi biển đánh cá. Thiếu tá trẻ cũng có tâm sự hết sức xúc động: “Có ai ra Trường Sa bằng những con tàu to rồi mới thấy ngư dân chúng ta ra ngoài khơi xa đánh cá với con tàu mỏng manh yếu đuối đến thế nào. Giữa bao la biển trời như vậy làm sao con tàu ấy đủ sức chống chọi với bão, sóng gió để trở về an toàn? Tôi chỉ ước ngư dân có những con tàu thật lớn, thật an toàn để những người ở nhà khỏi đau đáu chờ đợi”.


Không chỉ các thành viên Hội đồng bình luận trẻ, cũng một người trẻ - Nhà báo - Họa sĩ Trần Thắng bộc bạch rằng, biển trong “Xa khơi” của Anh Thơ có khoảng rộng của hư vô, của cái thực và không thực trong nỗi đau hai miền đất nước bị chia cắt. Anh thực sự bị hút hồn bởi sự tinh tế, sâu lắng, cùng sự trải lòng da diết của Anh Thơ qua từng lời, từng giai điệu của bài hát. Với anh, “Xa khơi” trong “Giai điệu tự hào” sẽ là một thách thức với những ai muốn thể hiện lại ca khúc này.


Trước những ý kiến vừa nêu, có thể thấy rằng, khách mời, mỗi người sẽ có cảm nhận của riêng mình và những nhận xét trái chiều cũng là chuyện hết sức bình thường. Đối chiếu với tiêu chí của chương trình là tạo ra những quan điểm khác nhau xung quanh các phần trình diễn ca khúc, thế nên việc Anh Thơ nhận được những ý kiến trái ngược nhau sau khi hát “Xa khơi” không phải là chuyện gì quá ầm ĩ.


Có chút tiếc nuối, phần nhận xét của khách mời của chương trình tối 26/7, còn có ý kiến tự nhiên chủ nghĩa, thể hiện cái tôi quá lớn khi đưa ra quan điểm của mình. Vẫn biết, đó là quyền của mỗi cá nhân, nhưng cái quyền đó chỉ phù hợp trong một phạm vi hẹp, chứ không thể xuất hiện ở một chương trình có ý nghĩa lớn (chủ đề biển đảo quê hương), lại được phát sóng trực tiếp trên truyền hình.


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN