Trải nghiệm thú vị về một Nhật Bản thời Edo ở cổ trấn Magome-juku

Nhật Bản không chỉ nổi tiếng với nền văn hóa độc đáo và những công trình kiến trúc hiện đại mà còn với những thị trấn cổ.

Chú thích ảnh
Một góc yên bình ở cổ trấn Tsumago-juku thuộc tỉnh Nagano, Nhật Bản. 

Các cổ trấn này được bảo tồn và phục dựng rất tốt nên vẫn giữ được nét nguyên sơ ban đầu và được coi là những “bảo tàng ngoài trời” hoàn hảo nhất ở xứ Phù Tang. Một trong những cổ trấn như vậy là Magome-juku ở thành phố Nakatsugawa, tỉnh Gifu. 

Magome-juku được biết đến như điểm dừng chân số 43 cho các lữ khách trên Nakasendo - một tuyến đường giao thương quan trọng nối cố đô Kyoto và Edo (nay là thủ đô Tokyo) trong thời kỳ Edo (1603 - 18). Trước đây, Magome-juku thường không được các sách hướng dẫn du lịch nhắc đến vì bị coi là khu vực xa xôi, hẻo lánh. Tuy nhiên, người dân nơi đây đã tái tạo thị trấn này một cách hoàn hảo giống như một cổ trấn đích thực trong thời Edo để mang đến cho du khách cái nhìn sơ lược về Nhật Bản cận đại. Đó là lý do vì sao không ít người cho rằng: “Không cần phải nhắm mắt để tưởng tượng. Hãy đến với Magome-juku, bạn sẽ hiểu Nhật Bản là như thế nào trong thời Edo”.

Chú thích ảnh
Một biển chỉ đường trên con đường Nakasendo nối các cố trấn Magome-juku ở tỉnh Gifu và Tsumago-juku ở tỉnh Nagano. 

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, anh Daniel Moore, một hướng dẫn viên du lịch dày dạn kinh nghiệm ở Gifu, nói: “Magome-juku là một cổ trấn có bề dày lịch sử. Tới đây, bạn có cảm giác giống như lữ khách trong thời Edo và trải nghiệm những gì thực sự diễn ra vào thời kỳ đó. Đó là một điểm đến tuyệt đẹp, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử và văn hóa”.

Không giống như nhiều điểm dừng khác trên con đường mòn Nakasendo, vốn thường ẩn mình trong các thung lũng sâu, Magome-juku nằm trên một quả đồi nhỏ. Dọc theo con đường lát đá chạy ngang quả đồi này là những dãy nhà trọ cổ, nơi các lữ khách thường dừng chân nghỉ qua đêm khi di chuyển từ Kyoto lên Tokyo trong thời kỳ Edo. Hiện nay, Magome-juku vẫn còn khá nhiều các nhà trọ như vậy. Nếu nghỉ đêm tại đây, chắc chắn bạn sẽ có được trải nghiệm như những lữ khách thời Edo.

Chú thích ảnh
Một bó hoa trang trí trước cửa nhà ở cổ trấn Tsumago-juku ở tỉnh Nagano. 

Cùng với các nhà trọ cổ, Magome-juku còn lưu giữ được các bánh xe nước khổng lồ. Bên cạnh đó, thị trấn này còn có khá nhiều các bảo tàng nhỏ - nơi lưu giữ các hình ảnh và hiện vật của cổ trấn này trong những giai đoạn lịch sử khác nhau. Trong số này, đáng chú ý có "Bảo tàng Tưởng niệm Toson". Tới thăm bảo tàng này, du khách có cơ hội tìm hiểu về các tác phẩm và tư liệu về cuộc đời của Shimazaki Toson, một tiểu thuyết gia nổi tiếng xuất thân từ Magome-juku. Ông đã lấy cổ trấn này làm bối cảnh cho tiểu thuyết "Yoake mae" của mình. 

Magome-juku không quá đông du khách nên du khách có thể tìm thấy sự thanh bình của một cổ trấn. Đến Magome-juku vào một ngày nắng đẹp, du khách sẽ gần như quên đi những tháng ngày bận rộn để chiêm ngưỡng những ngôi nhà cổ kính, hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp, lắng nghe tiếng nước chảy róc rách bên các cối xay nước và thưởng thức các món ăn truyền thống của Nhật Bản. Đây chắc chắn sẽ là một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất khi du khách tới thị trấn này. 

Chú thích ảnh
Các đồ thủ công ở một cửa hàng tại cổ trấn Magome-juku (Nhật Bản). 

Đến với Magome-juku, chắc chắn du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những cảnh đẹp không thể thấy nếu chỉ tới các thành phố lớn ở Nhật Bản. Đặc biệt, vẻ đẹp nao lòng đó lại thay đổi theo từng mùa, từ sắc hồng các cây hoa anh đào vào mùa Xuân và những mảng xanh tươi của rừng tre trúc vào mùa Hè, cho tới sắc cam nhạt của những quả hồng và màu đỏ đẹp mơ màng của lá cây momiji vào mùa Thu và màu trắng tinh khôi của tuyết trắng vào mùa Đông. Tuy nhiên, theo các hướng dẫn viên du lịch có kinh nghiệm, thời điểm đẹp nhất tới thăm Magome-juku là mùa Xuân và mùa Thu. 

Anh Daniel Moore chia sẻ: “Thời điểm đẹp nhất tới thăm Magome-juku là mùa Xuân và mùa Thu. Đây là những mùa có thời tiết thực sự tốt ở Magome-juku. Bạn có thể thấy hoa anh đào và nhiều loài hoa khác nở rộ vào mùa Xuân. Trong khi đó, vào mùa Thu, bạn sẽ thấy một Magome-juku rất rực rỡ khi lá cây đổi màu. Tất nhiên, tất cả các mùa đều đẹp, nhưng theo tôi, đó là hai mùa đẹp nhất. Tôi hy vọng nhiều du khách sẽ tới thăm Magome-juku”.

Chú thích ảnh
Một điểm dừng chân trên con đường giao thương huyền thoại Nakasendo giữa cố đô Kyoto và Edo (thủ đô Tokyo ngày nay). 

Để tới Magome-juku từ Tokyo hoặc Osaka, cách thuận tiện nhất là đi Shinkansen tới ga Nagoya. Sau đó, du khách bắt tàu Shinano Express tuyến JR Chuo Main Line tới ga Nakatsugawa. Cuối cùng, du khách có thể di chuyển bằng xe buýt hoặc taxi từ ga Nakatsugawa tới Magome-juku.

Tuy nhiên, Magome-juku khá nhỏ nên chỉ cần nửa ngày để khám phá nó. Vì vậy, một lựa chọn đặc biệt thú vị cho các du khách tới Magome-juku là đi bộ dọc theo đường mòn Nakasendo để đến Tsumago-juku. Đây là một cổ trấn khác nằm trên Nakasendo nhưng thuộc tỉnh Nagano, với vẻ đẹp hoài cổ không kém gì so với Magome-juku. Hành trình dài hơn 2 giờ đồng hồ này sẽ đưa du khách xuyên qua các cánh rừng xanh mát, những cánh đồng thơm ngát và các thác nước hùng vĩ trước khi tới Tsumago-juku. Đặc biệt, trên cung đường này có một điểm dừng chân khá nổi tiếng là trà quán Tateba Chaya, nơi du khách có thể thưởng thức hạt dẻ và nhâm nhi những tách trà ngon. 

Chú thích ảnh
Một thành nhỏ trên đường mòn Nakasendo nối các cố trấn Magome-juku ở tỉnh Gifu và Tsumago-juku ở tỉnh Nagano. 

Khi tới Tsumago-juku, vẻ đẹp của cổ trấn này chắc chắn sẽ giúp du khách xua tan mọi mệt nhọc trên quãng đường dài gần 8 km. Không những vậy, bạn có thể tìm thấy các tiệm bánh ngọt có tiếng như Sawadaya chuyên làm bánh hạt dẻ kuri-kinto. Phần lớn du khách ghé qua Tsumago-juku đều dừng lại để mua và thưởng thức kuri-kinto. 

Vì vậy, nếu có dịp tới Nhật Bản, đừng quên ghé thăm Magome-juku và Tsumago-juku. Chắc chắn đó sẽ là những điểm đến thú vị và đáng nhớ ở “đất nước Mặt trời mọc”.

Bài và ảnh: Đào Thanh Tùng (TTXVN)
Độc đáo 'chùa Nho' ở Nhật Bản
Độc đáo 'chùa Nho' ở Nhật Bản

Daizenji là tên một ngôi chùa Phật giáo hơn nghìn năm tuổi nằm giữa các cây nho ở vùng Yamanashi, cách Tokyo khoảng 100 km về phía Tây. Ngôi chùa này còn có tên gọi khác là "chùa Nho" vì những mối liên hệ xa xưa với lịch sử trồng nho và làm rượu vang từ nhỏ của đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN