Xây dựng lực lượng sáng tác trẻ
Đa số các nhạc sỹ, nhà giáo đều cho rằng, để thúc đẩy đội ngũ sáng tác, nâng cao chất lượng cũng như số lượng ca khúc dành cho thiếu nhi - đầu tư cho thế hệ tương lai của đất nước, trước hết cần những định hướng, chính sách cụ thể, mạnh mẽ.
Nhạc sỹ Nguyễn Lân Cường, Phó Chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội cho rằng, cần sự quan tâm của các cơ quan có trách nhiệm như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh… để có cơ chế, chính sách động viên lực lượng sáng tác trẻ tài năng tăng cường các sáng tác cho thiếu nhi; đồng thời cần có chính sách khen thưởng kịp thời đối với các nhạc sỹ có những sáng tác hay về thiếu nhi, nhằm khích lệ tinh thần và tôn vinh đóng góp của các nhạc sỹ trong sự nghiệp phát triển âm nhạc của đất nước.
Theo Nhạc sỹ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, việc các nhạc sỹ trẻ có tài lại không mặn mà với các đề tài sáng tác cho thiếu nhi có nhiều nguyên nhân. Một phần là về kinh tế, do các sáng tác cho thiếu nhi được trả công không tương xứng, nhưng một phần nữa có lẽ do chúng ta chưa có chính sách phù hợp, chưa khích lệ đúng cách nên chưa “chạm” đến được tinh thần trách nhiệm của các nhạc sỹ có tài.
Nhạc sỹ Nguyễn Quang Long cho rằng, rất nhiều nhạc sỹ có “tâm” và muốn có những đóng góp cho đất nước. Vì vậy, Nhà nước nên có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, hướng đến những đối tượng nhạc sỹ trẻ có tài năng đang có con nhỏ. Chính từ con mình, các nhạc sỹ sẽ sáng tác ra những bản nhạc vừa gần gũi, phù hợp với thiếu nhi, vừa có hơi thở thời đại. Trong các tác phẩm đó, chúng ta sẽ lựa chọn những bài hát có chất lượng, Nhà nước đầu tư kinh phí để dàn dựng thành một tác phẩm âm nhạc chất lượng cao từ tiết tấu, giai điệu, ca từ, chất lượng âm thanh và đẹp về hình thức thể hiện… sau đó đưa các tác phẩm âm nhạc thiếu nhi chất lượng cao ấy vào đời sống, thông qua nhiều kênh như truyền hình, mạng xã hội…
Trách nhiệm của toàn xã hội
Ở thời nào, âm nhạc vẫn luôn là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Âm nhạc cho thiếu nhi lại càng quan trọng vì nó góp phần nuôi dưỡng tâm hồn cho trẻ em - những chủ nhân tương lai của đất nước. Chính vì vậy, để âm nhạc thiếu nhi phát triển tốt, cần có định hướng đúng đắn cho các hoạt động âm nhạc thiếu nhi, từ việc hoạch định chính sách, đến việc sáng tác, phổ biến, biểu diễn và truyền thông... Đây là trách nhiệm của toàn xã hội, cần có sự chung tay của toàn xã hội chứ không phải của một số ban, ngành, một vài tập thể hay cá nhân điển hình nào.
Một số nhạc sỹ hiến kế, Nhà nước, ngành văn hóa, các hội âm nhạc, các địa phương… nên xây dựng một quỹ giải thưởng thường niên cho ca khúc thiếu nhi để khen thưởng những sáng tác hay về thiếu nhi; tổ chức đều đặn các trại sáng tác, cuộc vận động, các cuộc thi viết bài hát cho thiếu nhi và có giải thưởng xứng đáng cho các tác phẩm chất lượng cao, có sức sống trong lòng công chúng.
Bên cạnh đó, cần tăng cường tổ chức các hội diễn văn nghệ cho thiếu nhi ở các cấp từ Trung ương đến cơ sở, để các tác phẩm âm nhạc thiếu nhi có thêm những cơ hội lan tỏa đến với thiếu nhi cả nước. Ngành văn hóa chủ trương xây dựng và giới thiệu các tác phẩm âm nhạc trên các kênh Youtube, các mạng xã hội… để phổ biến rộng rãi các tác phẩm đến công chúng. Ngành Giáo dục chú trọng việc đưa các tác phẩm vào trường học. Nếu sách giáo khoa chưa đáp ứng được, các trường học có thể tổ chức tập huấn cho giáo viên bộ môn âm nhạc để các tác phẩm âm nhạc mới liên tục được cập nhật trong trường học cho các em.
Nhạc sỹ Nguyễn Lân Cường gợi ý, Nhà nước có thể thử nghiệm cho Hội Âm nhạc Hà Nội, Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo ở hai thành phố này tổ chức các cuộc thi sáng tác ca khúc về thiếu nhi. Các tác phẩm đoạt giải trong các cuộc thi có thể in thành sách, thu thanh bài hát và lưu vào USB bán kèm sách nhạc ở các hiệu sách, trong nhà trường… Các gia đình khuyến khích và tạo điều kiện cho các con xem các chương trình ca múa nhạc dành cho thiếu nhi… để các em quen với các ca khúc mới.
Các phương tiện thông tin đại chúng cần chung tay trong việc tạo nên những sân chơi âm nhạc bổ ích, phù hợp với lứa tuổi của các em để tạo môi trường cho các tác phẩm âm nhạc thiếu nhi "sống khỏe".
Theo nhạc sỹ Nguyễn Lân Cường, Việt Nam hiện có hàng chục kênh truyền hình Trung ương và trên 60 Đài truyền hình địa phương, nhưng đến nay vẫn chưa có một kênh truyền hình chuyên biệt nào dành cho âm nhạc thiếu nhi. Để âm nhạc cho thiếu nhi có “đất sống”, việc xây dựng một kênh truyền hình chuyên biệt dành riêng để phát sóng các ca khúc, các chương trình âm nhạc dành cho thiếu nhi là rất cần thiết. Kênh này sẽ lần lượt giới thiệu các ca khúc thiếu nhi Việt Nam từ xưa đến nay, giới thiệu những tác phẩm mới, những sản phẩm âm nhạc cũ nhưng được dàn dựng sáng tạo theo phong cách mới… đều có thể được phát sóng để giới thiệu đến với các em.
Trong khi chưa có một kênh truyền hình chuyên biệt dành cho âm nhạc thiếu nhi, một số mô hình của các cá nhân có thể là những điểm sáng, là hướng mở cho việc phổ biến các ca khúc thiếu nhi ở Việt Nam sau này. Đó là mô hình của nhạc sỹ trẻ Nguyễn Văn Chung. Sau khi viết được 100 ca khúc mới dành cho thiếu nhi, Nguyễn Văn Chung đã đầu tư kinh phí in tập nhạc kèm đĩa MP3 thu âm 100 bài hát này. Mỗi bài hát còn kèm theo tranh vẽ để các cháu tô màu. Bên cạnh đó, các tác phẩm âm nhạc của anh cũng được giới thiệu trên kênh YouTube, công chúng có thể truy cập và nghe các ca khúc của anh từ máy tính, điện thoại... Ca sỹ Bông Mai (con gái cố nhạc sỹ An Thuyên) đang xây dựng dự án kênh âm nhạc Sing Channel trên kênh Youtube, giới thiệu một số bài hát thiếu nhi được hòa âm, phối khí theo phong cách mới, cũng là một mô hình hay để nhạc thiếu nhi đến gần hơn với công chúng.
Đã đến lúc, cả cộng đồng cùng chung tay để tạo nên một cuộc “cách mạng” trong việc tìm kiếm và cho ra đời những tác phẩm âm nhạc ý nghĩa, bổ ích cho thiếu nhi, để âm nhạc cho thiếu nhi không bị tụt hậu trong thời đại hiện nay.