Trao kỷ lục tuyển chọn ca khúc về Hà Nội

Bằng việc tuyển chọn và biên soạn các ca khúc viết về Hà Nội, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã được trao kỷ lục “Sách tuyển chọn nhiều ca khúc nhất viết về Hà Nội” cho cuốn “1.000 ca khúc Thăng Long - Hà Nội” ngày 21/9. Ông đã bỏ tiền túi ra làm cuốn sách này cùng với sự trợ giúp của Nhà xuất bản Âm nhạc và bạn bè.


Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha (ảnh) không sinh ra ở Hà Nội (ông quê Hải Phòng), nhưng gắn bó cuộc đời với mảnh đất này nên trong nhiều năm qua ông đã sưu tầm các bài hát về Hà Nội. Nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha được nhiều nơi mời làm sách về Hà Nội, nhưng ông nghĩ sẽ vẫn còn thiếu nếu không có cuốn sách tập hợp các bài hát về Hà Nội. Vì vậy ông đã đề xuất ý tưởng này lên Nhà xuất bản Âm nhạc và được ủng hộ.


Vay ngân hàng để làm sách


Việc tuyển chọn cả ngàn ca khúc về Thăng Long - Hà Nội không hề đơn giản. Nhiều thế hệ nhạc sĩ viết về Hà Nội, các bản nhạc cũng nằm rải rác khắp nơi. “Để có đủ 1.000 bài hát về Thăng Long - Hà Nội gắn với kỷ niệm 1000 năm, tôi đã sưu tầm trong nhiều năm trước đó, bởi sưu tầm các bài hát về Hà Nội là sở thích của tôi. Tiêu chí của tôi là tiêu chí mở, có những bài trong cuốn sách này nhiều người chưa biết tới, nhưng trong tương lai người ta có thể biết”, nhạc sĩ cho biết.


Sưu tầm được rồi, sắp xếp thế nào cũng rất khó vì số lượng quá lớn, nội dung phong phú. Ban đầu, ông và nhạc sĩ Dương Viết Á dự tính chia tổng tập các bài hát về Hà Nội làm bốn phần, dựa vào nội dung của bài hát như: Hà Nội sử ca, Hà Nội hoan ca, Hà Nội hùng ca và Hà Nội tình ca. Phần Sử ca đương nhiên không thể không nhắc tới Truyền thuyết Loa thành của Doãn Nho (thơ Đỗ Trung Lai), Dời đô! Ngàn năm vang mãi của Nguyễn Tiến (lời dựa ý Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ), Từ Hoa Lư đến Thăng Long-Hà Nội (nhạc Đoàn Bổng, thơ Nguyễn Quang Long), Hội nghị Diên Hồng (nhạc Lưu Hữu Phước, lời Việt Tiên), Mười chín tháng Tám (nhạc và lời Xuân Oanh), Viếng lăng Bác (Nhạc Hoàng Hiệp, thơ Viễn Phương),…



Phần Hùng ca với những ca khúc nổi tiếng của Văn Cao với Đàn chim Việt, Đỗ Nhuận với Du kích sông Thao, Doãn Nho với Ba Đình lịch sử, Văn Dung với Hướng về thủ đô, Hà Nội-niềm tin và hy vọng của Phan Nhân, …Ở phần Hoan ca, do sức nặng và số lượng của các bài hát nên chia thành năm phần nhỏ. Những ca khúc nào ca ngợi Hà Nội bắt đầu là từ “Hà Nội” thì được xếp theo thời gian xuất hiện và đặt trong mục “Hà Nội ca”. Những ca khúc nào ngợi ca Hà Nội mà trong tiêu đề, chữ “Hà Nội” đứng sau thì đặt vào mục “Ca Hà Nội”. Tiếp theo là “Hà Nội sông”, “Hà Nội hồ” và “Hà Nội phố”.


Nhưng cũng theo nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, khi đã phân chia nội dung những ca khúc theo những mục như trên thì ông thấy rằng những tiêu chí như thế chưa đủ vì những bài hát về các mùa của Hà Nội rất hay, vậy thì xếp vào đâu, vậy là thêm một phần nữa là Mùa ca. Một phần không thể thiếu khác là mảng các ca khúc thiếu nhi hát về Hà Nội, thế là thêm Nhi ca. Cuối cùng cuốn sách với 1.000 bài hát về Thăng Long Hà Nội có sáu phần tất cả, quyển sách cũng lên tới trên 1.200 trang, có bề dày và sức nặng đáng nể.

 


Trong sáu phần ấy, thì Mùa ca được coi là hay nhất, những bài hát về các mùa của Hà Nội luôn khiến tâm hồn người nghe xao xuyến. Có thể nêu ra ở đây Hạt mưa mùa xuân của Trương Ngọc Ninh, Lắng nghe mùa xuân về của Dương Thụ, Đâu phải bởi mùa thu của Phú Quang, Thu quyến rũ của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Hà Nội mùa thu của Vũ Thanh, Nhớ mùa thu Hà Nội của Trịnh Công Sơn, Những mùa đông yêu dấu của Đỗ Bảo,..


Tuy nhiên, khi việc tuyển chọn đã xong thì vấn đề quan trọng là kinh phí lấy ở đâu để làm? Nhà xuất bản Âm nhạc ủng hộ về ý tưởng nhưng họ không có kinh phí thực hiện. Cuối cùng ông chọn phương án đi vay tiền ngân hàng, số tiền vay lên tới 500 triệu đồng. Khi sách in xong, dày dặn và đẹp đẽ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha quyết định tự phát hành bởi nếu nhờ phát hành thì phí sẽ rất cao.


“Lãi văn hóa”


“Cuối cùng tôi đã thành công. Tôi đã làm được điều mong muốn bằng tình yêu Hà Nội và những người yêu Hà Nội đã chia sẻ giúp đỡ tôi làm điều đó. Có lẽ trong cuộc đời làm sách của mình (nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã làm khoảng 60 tuyển tập âm nhạc), thì đây là ấn tượng hết sức sâu sắc. Tôi vừa được trải lòng mình với Hà Nội, đồng thời cũng để lại cho đời một tác phẩm mà tôi nghĩ rất khó làm lại”, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nói.


Cuốn sách này nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha không tái bản dù nhiều nơi gợi ý bán bản quyền để in tiếp. Ông chỉ mong muốn làm cuốn sách như mang lại nét văn hóa Hà Nội, “cái lãi là mang lại nét văn hóa ấy” chứ không kinh doanh. Chỉ in 1.000 cuốn với giá không hề rẻ (500.000 đồng/cuốn), bán hết lấy tiền trả ngân hàng rồi thôi.


Ngay khi cuốn sách ra đời, tổ chức kỷ lục Việt Nam đã để mắt đến. Sau ba năm thẩm định, họ quyết định trao kỷ lục cho người tuyển chọn nhiều ca khúc về Hà Nội nhất. Ngày 21/9/2013 Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã được trao kỷ lục này.


Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cũng cho biết, hiện nay ông được Nhà xuất bản Hội nhà văn đặt hàng làm một tuyển tập âm nhạc ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cho đến thời điểm hiện tại, ông đã tập hợp và chuyển cho nhà xuất bản khoảng 300 ca khúc về Bác Hồ, 11 hợp xướng và đặc biệt có 1 giao hưởng “Người về đem tới ngày vui” của nhạc sĩ Trọng Bằng. Trong cuốn sách tuyển chọn các ca khúc về Thăng Long - Hà Nội, ông có chọn một số ca khúc của các nhạc sĩ nước ngoài như Lào, Cambodia. Trong tuyển tập bài hát ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông cũng tuyển chọn ba bài hát: Việt Nam đẹp nhất tên người của nhạc sĩ người Nga V.Fere; Bài ca Hồ Chí Minh (đồng thời cũng là tên tuyển tập) của nhạc sĩ người Anh Ewad Mccole, và một bài nữa của Peeter Seger.


Ông hy vọng tuyển tập những bài hát về Bác Hồ cũng tạo nên một kỷ lục mới sau kỷ lục về các bài hát về Thăng Long - Hà Nội.



Bài và ảnh: Hoàng Linh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN