Trao truyền giữa các thế hệ để gìn giữ nét đẹp văn hóa ngày Tết

Trong bối cảnh hội nhập, giao lưu quốc tế, khi xã hội không ngừng phát triển... làm thế nào để lưu giữ được những giá trị văn hóa tốt đẹp trong ngày Tết? PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Nguyên Giám đốc Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, nhà nghiên cứu văn hóa đã trao đổi với phóng viên Báo Tuần Tin tức về vấn đề này.

Nhiều gia đình Hà Nội vẫn giữ thói quen tới Hàng Lược trong phiên chợ hoa ngày Tết. Ảnh: TTXVN.

Thưa PGS, ông có thể cho biết, Tết cổ truyền Việt Nam từ xưa đến nay có thay đổi như thế nào? 


Nếu nói về Tết cổ truyền của Việt Nam, từ xưa đến nay đã có rất nhiều thay đổi. Như chúng ta đã biết, Việt Nam nằm trong vùng Đông Nam Á, vùng cư dân nông nghiệp. Theo nghiên cứu dân tộc học và lịch sử, thì Tết cổ nhất của người Việt là Tết cơm mới, diễn ra vào mùa thu (khoảng tháng 9, tháng 10) theo lịch nông nghiệp. Đó là thời điểm bắt đầu lúa chín, người dân gặt hái về, rồi đón các vị thần linh, hồn lúa về nhà, sau đó làm lễ cúng mừng cơm mới, tạ ơn các vị thần linh. Gặt xong nhà nhà mừng cơm mới rồi thành hội làng nên gọi là tết cơm mới hay là Tết mùa thu (sau này người ta quen gọi là Hội mùa thu). Tết này gắn liền với các sinh hoạt tín ngưỡng, với các nghi lễ gắn với việc thờ cúng các vị anh hùng, thờ cúng thành hoàng làng... 


Bản thân tôi đã đi đến rất nhiều vùng dân tộc khác nhau như vùng Tây Bắc, vùng Tây Nguyên... và tôi nhận thấy rằng, cho đến những năm 1970 - 1975, các dân tộc bản địa của chúng ta vẫn tổ chức lễ tết mùa thu, tết cơm mới và đó vẫn là cái tết cơ bản của nhiều dân tộc nói ngôi ngữ Nam Á như Xinh Mun, Khơ Mú, La Ha, Mường, Ba Na, Xtieng... Tết của họ chính là hình bóng tết xưa của người Việt. 


Tôi cho rằng, tết Nguyên đán của chúng ta bây giờ sinh ra sau tết mùa thu, nó có cùng một hệ thống tính lịch của lịch Trung Quốc xưa, đó là theo sự vận hành của mặt trời và mặt trăng. Ban đầu là tết mùa thu, sau đó xuất hiện thêm tết mùa xuân, rồi hai Tết này tồn tại song song với nhau. Lúc đầu tết mùa xuân chỉ ở đô thị như Kẻ Chợ rồi lan về nông thôn. Nhưng dần dần, đến một giai đoạn chuyển hẳn từ tết mùa thu sang tết mùa xuân, điều này diễn ra hàng ngàn năm, và đến nay, tết mùa xuân chiếm ưu thế, còn tết mùa thu trở thành thứ yếu, rồi dần dần được bảo tồn bằng cách chuyển biến vào trong các nghi lễ, lễ hội, gắn với các tín ngưỡng dân gian ... Sau đó, đến khi Pháp sang, văn hóa phương tây tràn vào ta lại có thêm một dạng thức tết mới, là tết Dương lịch theo lịch châu Âu. Hai tết này lại song trùng tồn tại. Và gần đây, tôi thấy trên báo chí, trên các phương tiện thông tin công cộng, có đưa ra ý kiến đề xuất đổi tết Dương lịch thành tết chính. Trên thực tế, nhiều nước ở châu Á như Nhật Bản, Singapore... cũng đã đổi tết cổ truyền sang tết Dương lịch này. 


Đến nhiều vùng, gặp gỡ nhiều dân tộc, tôi thấy, hầu hết các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer, Nam Á ở vùng Tây Bắc, hay các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer Malayo-Polynesia ở Tây Nguyên, cho đến trước năm 1975 vẫn đều ăn Tết mùa thu. Họ lạ lẫm với tết Nguyên đán. Nhưng từ sau năm 1975, khi có điều kiện giao lưu với xã hội bên ngoài, giao thông thuận tiện, truyền thông phát triển, các cơ quan chính quyền, đoàn thể chăm lo tết cho các dân tộc... dần dần tết Nguyên đán trở thành cái tết chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nhưng tết mùa thu vẫn rất quan trọng với họ như với với các ngày hội của người Chăm, Ê đê hoặc người Khơ Me thì đó là hội đua ghe ngo. 


Nhắc lại toàn bộ sự thay đổi đó để chúng ta thấy rằng, cuộc sống luôn có sự giao lưu, văn hóa không bất biến và câu chuyện về Tết cũng sẽ luôn thay đổi, không có cái gì có thể cố định, bất biến... Và sự thay đổi đó là thay đổi về tâm thức, thay đổi về phong tục tập quán và do tự con người, tự xã hội điều chỉnh, để tìm kiếm một nếp sống mới thực sự phù hợp với điều kiện sống mới. 

PGS.TS Nguyễn Văn Huy. 

Vậy đối với Tết Nguyên Đán ngày xưa và ngày nay có điểm gì giống và khác nhau? 


Cho đến nay, Tết Nguyên đán là cái Tết đi vào tâm thức sâu xa của người Việt, rồi từ tâm thức của người Việt và một số dân tộc khác, nó lan truyền và trở thành cái tết chung của các dân tộc Việt Nam. 


Đương nhiên, Tết Nguyên đán xưa và nay đã có nhiều khác biệt. Chúng ta có thể lấy một vài ví dụ để so sánh. Tôi nhớ một chuyện rất thú vị, đó là dịp Tết Nguyên đán khoảng những năm 1989 - 1990, cơ quan tôi đón một vị khách, là một tiến sỹ dân tộc học từ Mỹ sang Việt Nam công tác. Anh ta sang Hà Nội đúng vào dịp Tết để quan sát cái tết Việt Nam. Suốt 3 ngày tết ở khách sạn, anh ta không có gì để ăn, vì tất cả nghỉ Tết nên không có người phục vụ hoặc kiêng mở hàng ngày mồng một. Anh ta ra ngoài tìm quán ăn, cũng không có nhà hàng nào mở. Cuối cùng, đói quá, anh ta đi bộ đến tận nhà tôi chơi và để... xin ăn cơm. Nhưng bây giờ, chúng ta có thể thấy, khách sạn hay hàng quán đều có nơi mở thông từ giao thừa đến sáng sớm mùng một, rồi người ta đi ra đường, vẫn dễ dàng tìm được chỗ ăn... Đó là một sự khác biệt rất rõ nét trong Tết của chúng ta hiện nay. 


Thêm nữa, trước đây, mỗi khi đến cuối năm, nhà nhà phải lo chuẩn bị trước cả tháng. Từ thịt, gạo, đỗ, lá dong, măng, miến, bánh kẹo, rồi rượu, rồi mứt, cho đến củi đóm... Rồi đến sát tết lại nấu bánh chưng, cúng tất niên, cúng giao thừa. Sang ngày mùng một đầu năm thì lại làm cơm cúng đầu năm... tất cả những việc đó khiến cho mọi người quá vất vả, đặc biệt là người phụ nữ trong gia đình. Còn hiện nay, rất nhiều người đã cố gắng đón tết thật giản dị, làm thế nào để trong ngày Tết được nghỉ ngơi thoải mái hơn, đi chơi, đi thăm họ hàng chứ không lao vào bếp núc nữa. 


Một ví dụ khác, trước đây, Tết ai cũng muốn về quê để xum họp, đoàn tụ với gia đình, mua quà cho người già, trẻ nhỏ, hoặc đi thăm bạn bè, người thân... Còn hiện nay, một bộ phận khá đông đảo người dân, đặc biệt là ở thành thị lại có xu hướng đi du lịch trong nước hoặc ngoài nước vào dịp Tết, mà không ở nhà hay về quê. Đó là những sự thay đổi rõ ràng trong tạp quán. Bản thân tôi không lo ngại với sự thay đổi đó, bởi theo tôi, mỗi người sẽ có những lựa chọn một cách khác nhau, không nên và cũng không ai có thể ép mọi người nhất định phải đi theo một nếp chung. Hơn nữa, tôi tin rằng, cùng với sự chuyển biến của xã hội, thì những khác biệt này vẫn sẽ tiếp diễn và có thể sẽ ngày càng lan rộng. 

Chợ hoa Tết ngày xưa. Ảnh tư liệu TTXVN.

Theo như ông nói, việc thay đổi là không thể tránh khỏi và chúng ta nên chấp nhận và phải chấp nhận. Như vậy trong sự biến đổi đó, chúng ta làm thế nào để vẫn giữ được những giá trị văn hóa cốt lõi, những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc? 


Giá trị cốt lõi nhất của Tết nguyên Đán là hướng đến tâm linh, để người ta tưởng nhớ ông bà, bố mẹ, những người thân đã khuất... Đó là nét văn hóa cần lưu giữ, và chúng ta vẫn đang giữ rất tốt. 


Sau đó, Tết là của người sống, là sự giao lưu, gặp gỡ, sum họp gia đình, thể hiện sự kính trọng, trách nhiệm và tình cảm với bố mẹ, ông bà, với họ hàng, làng xóm... Tết, tấm lòng mọi người đều cởi mở, cùng dang tay đón những gì tốt đẹp nhất cho tương lai rồi nét đẹp đi vãn cảnh chùa đầu năm... Kể cả với những gia đình sẽ đi du lịch xa, họ vẫn không quên đi thăm và tặng quà cho ông bà, cha mẹ, cho người thân để tỏ lòng thành kính, có điều, họ có thể thực hiện điều đó trước, hoặc sau mà thôi. Và để những giá trị văn hóa đó không bị mai một, hay biến mất, cần có sự trao truyền của thế hệ trước, cho những thế hệ sau. Khi bố mẹ làm điều đó, con cái sẽ thực hiện theo, rồi thế hệ tiếp theo cũng sẽ học các thế hệ trước của mình... Những tập quán mới sẽ hình thành, như vậy sẽ không sợ mất đi giá trị văn hóa ngày Tết. 


Cá nhân tôi vẫn tin rằng, Tết Nguyên đán vẫn sẽ là cái Tết của quảng đại quần chúng, bởi đại bộ phận người dân Việt Nam, sinh sống ở vùng nông thôn, miền núi vẫn hào hứng, vẫn sẽ ăn Tết cổ truyền. Đây là một bộ phận rất đông đảo, và họ vẫn giữ được hạt nhân cơ bản nhất của Tết Nguyên đán. Thêm vào đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn thường xuyên giới thiệu những phong tục đẹp, những nét đẹp ngày Tết, điều này góp phần nuôi dưỡng và gợi nhớ những giá trị văn hóa ngày Tết, để mọi người được sống trong không khí ngày Tết, và chúng ta cũng hoàn toàn không lo sẽ mất đi văn hóa Tết, mất đi cái Tết mùa xuân truyền thống. 

Trân trọng cảm ơn ông!

Phương Hà (thực hiện)
‘Tết Việt’ truyền thống tại phố cổ Hà Nội
‘Tết Việt’ truyền thống tại phố cổ Hà Nội

Ban Quản lý phố cổ Hà Nội giới thiệu không gian ‘Tết Việt’ tại các điểm di tích trong khu vực phố cổ Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN