Tại Lễ dâng hương, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Giàng Nguyễn Văn Công khẳng định, cuộc đời, sự nghiệp của Thiền sư Tuệ Tĩnh đã để lại cho hậu thế những di sản quý báu trên nhiều lĩnh vực. Ông là tấm gương về y đức, cao hơn là tinh thần tự tôn dân tộc, lòng yêu quê hương, đất nước.
Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, sinh năm 1330 tại làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Ông mồ côi cha mẹ từ năm 6 tuổi và được sư trụ trì chùa Nghiêm Quang tức Chùa Giám đón về nuôi dạy. Năm 22 tuổi (năm 1351), ông thi đỗ Hoàng giáp nhưng khước từ việc làm quan.
Chứng kiến nhiều trận dịch lớn đã cướp đi mạng sống của nhiều dân nghèo, với mong muốn trị bệnh cứu người, ông đã nghiên cứu dược liệu, thu thập phương thuốc quý trong dân gian, trồng cây dược liệu, lập y xá tại các ngôi chùa để chữa bệnh cho người dân.
Theo tài liệu còn lưu giữ được, Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh đã có công tham gia xây dựng 24 ngôi chùa và biến các ngôi chùa thành cơ sở chữa bệnh. Nhờ có ông, phong trào trồng thuốc Nam ngày càng được phát triển. Nhiều gia đình tự trồng thuốc và chữa những bệnh đơn giản.
Ông được nhân dân xưng tụng là vị Thánh thuốc Nam. Năm 55 tuổi, ông được cử tham gia đoàn đi sứ nhà Minh (Trung Quốc). Do có tài chữa bệnh cho Tống Vương Phi, trước tài năng của ông, vua Minh phong ông là Thái y - Thiền sư và giữ lại làm việc ở Viện Thái y. Thời gian sau, ông mất tại Giang Nam, Trung Quốc.
Cuộc đời, sự nghiệp hết lòng với nghề y của Thiền sư Tuệ Tĩnh để lại nhiều di sản quý, hàng nghìn phương thuốc, vị thuốc chữa bệnh có giá trị to lớn về lý luận và thực tiễn cho nền y dược dân tộc. Ông đã tổng kết thành những phương pháp chữa bệnh gồm: 10 khoa, hai môn, trên 3.800 phương thuốc, 580 vị thuốc chữa cho 184 bệnh. Những kiến thức này đã được hậu thế phát huy.
Đền Bia - nơi thờ ông là một trong ba di tích tại huyện Cẩm Giàng gắn với sự nghiệp và công lao đại Danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh. Nơi đây có một di vật là tấm bia khắc lời di nguyện của ông. Tương truyền, Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho (16 - 1699) là người làng Nghĩa Phú trong một lần đi sứ phương Bắc đã thấy mộ phần của Thiền sư Tuệ Tĩnh tại Giang Nam có dòng chữ khắc trên bia mộ là “sau này ai bên nước Nam sang, nhớ cho hài cốt tôi về với”.
Xúc động trước niềm khắc khoải cố hương của Thiền sư, Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đã cho người dập mẫu, khắc tấm bia đưa về. Khi về đến quê ông, do cả vùng ngập nước nên thuyền bị lật, tấm bia rơi xuống nước. Về sau khi nước cạn, nhân dân tìm thấy bia và lập đền thờ ông tại đây. Theo nhân dân địa phương, lễ hội đền Bia có từ năm 1830 (đó là đời vua Minh Mạng thứ 11), tương truyền có Thánh ứng vào ngày mùng 1 tháng 4 Âm lịch. Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 1 đến mùng 4 và đó là ngày Giỗ của Thiền sư Tuệ Tĩnh.
Ngày nay, đền Bia đã trở thành trung tâm y dược dân tộc nổi tiếng. Di tích đã được xếp hạng quốc gia từ năm 1995. Năm 2017, đền Bia cùng với Đền Xưa và Chùa Giám đã được công nhận cụm Di tích Quốc gia đặc biệt.
Đền cũng thờ Công bộ Tả thị lang, Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho - người đã đại diện cho nhân dân nước Việt thực hiện được một phần ước nguyện của Đại danh y Tuệ Tĩnh. Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho còn là người giúp hậu duệ của Thiền sư Tuệ Tĩnh thu thập, công bố thành tựu y dược học của tổ tiên để lại cho hậu thế.
Tưởng nhớ công lao, tri ân y đức của vị Thánh Thuốc nam, huyện Cẩm Giàng đã bảo tồn, phát huy các giá trị của di tích Đền Bia để đưa di tích trở thành một thiết chế giáo dục truyền thống về y, đức, lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, tiếp tục phát huy nền y học dân tộc một cách toàn diện.
Được sự ủng hộ của Trung ương, của tỉnh và sự phát tâm công đức của nhiều tập thể, cá nhân, từ năm 2013 - 2016, đền Bia được mở rộng thêm hệ thống sân bãi. Từ năm 2019 đến nay, di tích tiếp tục mở rộng và hoàn thiện các hạng mục để xứng tầm với tên tuổi và sự nghiệp của Danh nhân đang thờ phụng tại đây, xứng danh là Di tích Quốc gia đặc biệt.