Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Science Advances dựa trên dữ liệu từ 300 tình nguyện viên. Các nhà khoa học đã chia họ thành ba nhóm và yêu cầu mỗi nhóm viết một câu chuyện 8 câu về một cuộc phiêu lưu trên biển cả, một cuộc phiêu lưu trong rừng hoặc một cuộc phiêu lưu trên một hành tinh khác. Nhóm thứ nhất không được giúp đỡ, nhóm thứ hai được cung cấp một ý tưởng câu chuyện 3 câu từ AI và nhóm thứ ba có thể nhận được tối đa 5 ý tưởng câu chuyện do AI tạo ra.
Sau khi hoàn thành câu chuyện, những người tham gia được yêu cầu đánh giá tính sáng tạo của tác phẩm của riêng mình thông qua các tiêu chí như mức độ mới lạ, sự thú vị và tiềm năng biến ý tưởng thành một cuốn sách xuất bản. Ngoài ra, 600 nhà phê bình bên ngoài cũng đánh giá câu chuyện theo cùng các tiêu chí.
Kết quả cho thấy, AI có thể giúp ích cho các nhà văn cá nhân tăng cường chất lượng sáng tạo của họ lên tới 10% và sự thú vị của câu chuyện lên 22%. Tuy nhiên, ở cấp độ tập thể, các câu chuyện được hỗ trợ bởi AI lại giống nhau nhiều hơn so với những câu chuyện được viết mà không có sự trợ giúp của AI.
Lý do là vì các nhà văn sử dụng AI có xu hướng phụ thuộc quá nhiều vào các ý tưởng được đề xuất, dẫn đến việc thiếu đi sự sáng tạo và độc đáo trong tác phẩm của họ.
Một trong những tác giả nghiên cứu, ông Anil Doshi từ Đại học College London cho biết nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, giống như việc giới thiệu máy tính bỏ túi cho trẻ em quá sớm có thể cản trợ các em học cách tính toán cơ bản, việc sử dụng AI có nguy cơ khiến mọi người quá phụ thuộc công cụ này trước khi phát triển các kỹ năng cơ bản trong viết lách, sản xuất âm nhạc hoặc nhiều hơn nữa.
Ông cho rằng mọi người cần bắt đầu suy nghĩ về cách thức sử dụng AI để đạt được lợi ích tối đa và vẫn có những sản phẩm mang bản sắc riêng của mình.