Tại Bỉ, một cuộc triển lãm với chủ đề "Từ Waterloo đến Saint-Hélène, sự ra đời của một huyền thoại" đang diễn ra tại Đài tưởng niệm Trận chiến Waterloo 1815, nhằm khắc họa quãng thời gian 6 năm bị giam cầm của Napoléon sau thất bại cay đắng ở Waterloo.
Ngày 5/5/1821, Napoléon ốm yếu đã từ giã cõi đời sau khi bị giam cầm trên đảo Saint-Hélène (Longwood), vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh, trong suốt 6 năm. Lúc đó ông mới 51 tuổi. Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Đài tưởng niệm Trận chiến Waterloo 1815 đã chọn kỷ niệm dấu mốc này bằng một cuộc triển lãm đặc biệt, trong đó hàng trăm đồ vật được thu thập gợi lại những năm tháng Napoléon bị giam cầm, cũng là những khoảnh khắc của ký ức. Được chăm sóc bởi 20 người từ đội cận vệ của ông, Napoléon đã tận dụng những năm tháng này để viết hồi ký và ghi lại huyền thoại của mình vào những cuốn sổ tay với nhiều sự thật lịch sử.
Để gợi lên giai đoạn này từ năm 1815 đến 1821, khoảng 50 đồ vật, mảnh gốc, bản đồ, bản thảo... đã được các tổ chức mang từ Sainte-Hélène tới, nơi người Pháp bảo quản chúng một cách vô cùng trân quý, giống như bảo tồn những nơi đã từng bị vị Hoàng đế bại trận chiếm đóng. Một nửa số đồ vật còn lại đến từ các bộ sưu tập tư nhân, đặc biệt là các bộ sưu tập của Bỉ.
Ông Antoine Charpagne - người phụ trách triển lãm, cho hay "giới thiệu cuộc sống hàng ngày của Napoléon ở Longwood không hề dễ như tưởng tượng, chúng tôi đã tập hợp các đồ vật như bồn tắm mà Napoléon đã dành ít nhất 1 giờ rưỡi mỗi ngày, quần áo, đồ dùng cá nhân, hay một trong ba mũ nhị giáp của Hoàng đế cũng vậy, đều là những đồ vật nguyên bản".
Theo ông, "cần phải hiểu rằng Napoléon bị giam cầm trên một hòn đảo cách bờ biển châu Phi - nơi gần nhất, 2.500 km và liên tục bị 600 khẩu súng theo sát, do người Anh lo sợ có người sẽ đến đưa ông ấy đi. Khí hậu ở đây rất ẩm ướt và lộng gió. Nhà cửa bị chuột phá phách...".
Ông Charpagne nhấn mạnh: "Triển lãm cho phép công chúng hiểu tại sao Napoléon lại quan trọng, ngay cả khi có những cuộc tranh luận vẫn khuấy động xã hội châu Âu. Nó là hiện thân một khoảnh khắc thay đổi giữa chế độ cũ mà chúng ta biết trước đây và thế giới đương đại".
Phần đầu của triển lãm đưa du khách từ chiến trường Waterloo đến con đường lưu vong với nhiều vật dụng khác nhau thuộc về Napoléon, chẳng hạn như mũ nhị giáp có cổ được Napoléon đội vào năm 1815, hay thắt lưng, đồ trang trí, bản thảo có chữ ký của Hoàng đế. Các đồ vật này có chất lượng đặc biệt tôn lên giá trị của cuộc trưng bày.
Triển lãm cũng giới thiệu tới công chúng về cuộc sống hàng ngày của một người bị giam cầm trên đảo giữa đại dương bao la. Để thoát khỏi u sầu, Napoléon dành toàn bộ sức lực cho công việc làm vườn và cho phép mình đi dạo vài vòng mỗi ngày. Ngay cả khi ở xa các cung điện vàng, Hoàng đế bại trận vẫn cố gắng duy trì một nghi thức cung đình nhất định. Du khách thấy một số vật dụng hàng ngày của Hoàng đế như trang phục, cái bình, máy pha cà phê.
Triển lãm gợi lại những ký ức về Napoléon và dấu ấn mà ông để lại trong lịch sử, cho đến tận ngày nay. Napoléon là người dựng lên Bộ Luật dân sự. "Chúng ta còn phải hàm ơn vị Hoàng đế này về áp dụng các đơn vị đo lường, như lít, kilôgam, lái xe bên phải, việc đánh số nhà chẵn và lẻ. Những yếu tố quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta hiện nay", ông Charpagne nói.
Khi Napoléon qua đời, Hoàng đế tử vì đạo này ngay lập tức thổi bùng tinh thần lãng mạn của các chính trị gia và nghệ sĩ thời bấy giờ. Năm 1840, tro cốt của ông được đưa về Pháp trên đại lộ Champs-Élysées ở Paris, nơi có hơn 2 triệu người đã tham dự cuộc rước.
Triển lãm dự kiến sẽ mở cửa tới ngày 17/10 năm nay.