Các sản phẩm được triển lãm lần này gồm đồ thổ cẩm truyền thống của các dân tộc Thái, Mường, Mông, Dao, Pà Thẻn, Bố Y…, sản phẩm lụa của các làng nghề Phùng Xá, Vạn Phúc, La Khê và một số làng nghề vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, triển lãm còn trưng bày các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng được làm từ chất liệu thổ cẩm và lụa trong đời sống.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Dương Văn Quynh, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, thổ cẩm và lụa của Việt Nam được bạn bè quốc tế ưa chuộng sử dụng, bởi các chất liệu này thân thiện với môi trường, được làm thủ công, và chứa đựng những giá trị văn hóa, thẩm mỹ tinh tế, độc đáo của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở miền núi phía Bắc Việt Nam.
Theo ông Dương Văn Quynh, các nhà thiết kế mỹ thuật đã khai thác vẻ đẹp của các sản phẩm này làm đồ thời trang, trang trí nội thất, sản phẩm gia dụng mang bản sắc văn hóa Việt Nam. Quy trình tạo ra trang phục hoàn toàn thủ công từ dệt, thêu, ghép vải, in sáp ong tạo ra các mô-típ hoa văn. Và trong cái nền chung của quy trình dệt, thêu, ghép vải tạo hoa văn, mỗi dân tộc lại có kỹ thuật riêng, thể hiện khả năng thẩm mỹ của mỗi tộc người.
Ban tổ chức kỳ vọng thông qua triển lãm, người dân “xứ sở kim chi” sẽ hiểu hơn về đời sống, con người và những đặc trưng văn hóa của Việt Nam, qua đó tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia và thúc đẩy các hoạt động du lịch giữa Hàn Quốc và Việt Nam.
Trong thời gian qua, quan hệ ngoại giao, kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc không ngừng phát triển, đặc biệt là du lịch. Năm 2018, đã có 3,5 triệu lượt khách Hàn Quốc tới Việt Nam, tăng 44% so với năm 2017.
Triển lãm mở cửa tự do đến ngày 21/7.