Đây là hoạt động thường niên lần thứ 50, giới thiệu kết quả hoạt động của giới mỹ thuật Thủ đô trong năm 2019, cũng được coi là ngày hội lớn được mong chờ của giới mỹ thuật Thủ đô.
Triển lãm trưng bày 250 tác phẩm hội họa, đồ họa và điêu khắc được Hội đồng nghệ thuật lựa chọn từ hơn 700 tác phẩm của các tác giả là hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội và tác giả tự do. Đặc biệt, triển lãm có sự tham gia của nhiều thế hệ họa sĩ, trong đó có gần 1/3 số tác giả là các họa sĩ còn rất trẻ.
Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, bà Phạm Kim Bình, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội nhấn mạnh: Triển lãm là một “luồng gió mới” với nhiều phong cách, dấu ấn khác biệt vì đã tập hợp và đoàn kết được đông đảo đội ngũ sáng tác mỹ thuật trong và ngoài Hội, phát hiện được nhiều tài năng trẻ, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của công chúng yêu nghệ thuật Thủ đô.
“Với hơn 30% số tác giả trẻ, mới ra trường gửi tác phẩm tham gia triển lãm đã cho thấy những tín hiệu vui của mỹ thuật Thủ đô. Nhiều tác phẩm trưng bày trong triển lãm đã thể hiện sự đầu tư tâm sức của các tác giả. Các tác phẩm hội họa được tạo hình công phu với những màu sắc quyện hòa nhuần nhuyễn. Bên cạnh cách vẽ tả thực, nhiều bức vẽ trừu tượng cũng gợi mở nhiều suy tư”, bà Phạm Thanh Bình đánh giá.
Cũng tại buổi triển lãm, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội cho rằng, điểm nhấn tạo nên dấu ấn của Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô năm nay chính là các tác phẩm về đề tài Hà Nội. Bên cạnh một Hà Nội cổ kính, hào hùng in bóng trong “Cầu Long Biên”, “Sông Hồng Hà Nội”, “Ngàn năm thương nhớ Thăng Long”, “Văn Miếu - Hà Nội”, còn có một Hà Nội thanh lịch, hào hoa như “Làng hoa Hà Nội”, “Mây hồ Gươm”, “Hà Nội vào thu”, “Mùa hoàng yến Tây Hồ”, “Hà Nội linh thiêng hào hoa”…Đặc biệt, bước chuyển mình của Thủ đô trong bối cảnh hội nhập và phát triển cũng đã được nhiều họa sĩ thành công trong tác phẩm của mình.
Các mảng đề tài được thể hiện tại triển lãm như phong cảnh Hà Nội, phố cổ, tĩnh vật, chân dung, trẻ em…đã được nhiều họa sĩ thể hiện. Một số đề tài khác cũng được các tác giả khai thác, mang lại ý nghĩa lớn cho triển lãm như thành phố Hà Nội lao động, xây dựng và phát triển; thành phố vì hòa bình; bảo vệ biển đảo quê hương…Những kỷ niệm về cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, bảo vệ Thủ đô cũng được tái hiện với những bức tranh khổ lớn, hoành tráng và đầy chất hội họa.
Hà Nội mở rộng về địa lý nên đề tài miền núi cũng được nhiều họa sĩ quan tâm và thể hiện. Chất liệu được các tác giả thể hiện chủ yếu là sơn mài và sơn dầu, trong đó đặc biệt là sự bùng nổ của các tác phẩm sơn mài đã mang đến sự thành công cho các tác giả. Các tác phẩm điêu khắc chủ yếu là tượng tròn và phù điêu.
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 13/10.