Chuyên đề “Văn hóa Đông Sơn trên đất Vĩnh Phúc” gồm 3 phần: Giai đoạn tiền Đông Sơn - bước tạo nền cơ bản, văn hóa Đông Sơn - đỉnh cao văn minh Việt cổ, sức sống Đông Sơn trong dòng chảy lịch sử.
Chuyên đề trưng bày hơn 200 hiện vật với nhiều loại hình và chất liệu phong phú có niên đại khoảng 4.000 năm trước, trong đó chủ yếu là nhóm hiện vật thuộc văn hóa Đông Sơn có niên đại cách đây 2.000 năm, được trưng bày đã phản ánh sinh động sự hình thành và phát triển của nền văn minh Việt cổ trên đất Vĩnh Phúc.
Ông Bùi Hồng Đô Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: Trưng bày chuyên đề “Văn hóa Đông Sơn trên đất Vĩnh Phúc” là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, nhằm tìm hiểu về cội nguồn bản sắc dân tộc, nền văn hóa bản địa – đặc trưng văn hóa Việt Nam đã lan tỏa không chỉ trong xã hội đương thời, mà còn rạng ngời, tỏa sáng qua văn minh Đại Việt, Việt Nam và vùng đất Vĩnh Phúc.
Phòng trưng bày giúp người dân nhận thức sâu sắc hơn về lịch sử và những di sản văn hóa quý báu trên quê hương mình, đồng thời, góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống.
Vĩnh Phúc là vùng đất cổ, có vị thế đặc biệt trong lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc. Vĩnh Phúc có 24 di tích, địa điểm khảo cổ học thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đầu, Gò Mun - hay còn gọi là thời tiền Đông Sơn được phát hiện, tiêu biểu là các di tích ở thôn Nghĩa Lập, xã Lũng Hòa (huyện Vĩnh Tường), di tích Gò Hội (huyện Sông Lô), di tích Đồng Đậu (huyện Yên Lạc)…
Các nhà khảo khổ học còn phát hiện ở Vĩnh Phúc 12 di tích, địa điểm khảo cổ thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn, tiêu biểu là các di tích Nguyệt Đức (huyện Yên Lạc); Gò Cóm, xã Xuân Lôi (huyện Lập Thạch); xã Đạo Trù và xã Minh Quang (huyện Tam Đảo), với các di vật quý hiếm như trồng đồng Đạo Trù, trống đồng Minh Quang, trống chậu Nguyệt Đức.
Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc mở cửa tham quan trưng bày vào tất cả các ngày trong tuần, đến hết tháng 3/2021.