Với kinh phí hơn 60 tỷ đồng, trong đó Chính phủ Ấn Độ tài trợ hơn 50 tỷ đồng, phần còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam để thực hiện trùng tu các nhóm tháp K, H và A trong quần thể Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Công tác trùng tu kéo dài trong 5 năm (2016-2021).
Đến nay, sau 3 năm triển khai thực hiện, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam đã hoàn thiện việc khai quật và trùng tu nhóm tháp K, tháp H. Để đảm bảo giữ nguyên các giá trị cốt lõi của Di sản, trong quá trình trùng tu, các chuyên gia thực hiện nghiêm nguyên tắc khai quật đến đâu, đánh dấu từng chi tiết cụ thể và trùng tu đến đó. Tất cả các nguyên vật liệu, chi tiết kiến trúc đều được chuyên gia thẩm định kỹ trước khi sử dụng trong việc trùng tu.
Điều đặc biệt là trong quá trình khai quật nhóm tháp K và H, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam phát hiện nhiều hiện vật có giá trị như hai tượng đá mình người, đầu sư tử, các hiện vật chóp tháp, các chi tiết kiến trúc khác bằng vật liệu đất nung, có niên đại trùng với thời kỳ xây dựng tháp K, tức vào thế kỷ XI đến thế kỷ XII. Tất cả những hiện vật này đang được bảo quản cẩn thận và góp phần quan trọng trong việc chế tác các mẫu hoa văn, vật liệu của vật kiến trúc phục vụ cho công tác trùng tu.
Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đang phối hợp cùng các chuyên gia Ấn Độ chuẩn bị các thủ tục cần thiết để khai quật, thăm dò và trùng tu khu tháp A. Đây được xác định là kiệt tác kiến trúc tại Mỹ Sơn.
Ngoài công tác trùng tu đảm bảo tiến độ chất lượng, mỹ thuật công trình theo nguyên tắc giữ nguyên các giá trị cốt lõi của Di sản, hiện tỉnh Quảng Nam đã và đang triển khai nhiều hoạt động như trưng bày hình ảnh, hội thảo khoa học, đánh giá công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong tiến trình bảo tồn và phát triển Di sản Văn hóa Mỹ Sơn nhân dịp kỷ niệm 20 năm Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.