Trưởng nữ của nhà văn Kim Lân và “Những đứa trẻ”

Sau triển lãm “Dòng chảy V-Những con chữ” cách đây ba năm, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, trưởng nữ của nhà văn Kim Lân sẽ tiếp tục với “Dòng chảy VI-Những đứa trẻ”. Triển lãm diễn ra từ 25-30/12 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).


Cuối năm ngoái, cũng vào những ngày đông lạnh rét thế này, khi từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội lo nốt việc Nhà lưu niệm cho cha mình, nhà văn Kim Lân, trong căn nhà ở trong một con ngõ trên đường Trần Khát Chân, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền đã kể chị đang chuẩn bị cho triển lãm “Những đứa trẻ”. Nếu thời gian ủng hộ thì có thể đầu năm nay sẽ có thể tiến hành triển lãm ở cả Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

 

 

Hai chị em (sơn mài).

 


Ngay lúc ấy, chị cũng nói, trong suốt cuộc đời cầm cọ để thỏa niềm say mê của mình, niềm say mê mà chị đã thay cha thực hiện mơ ước của ông (nhà văn Kim Lân từng rất say mê hội họa, nhưng do nhà nghèo không thể theo nghiệp ấy) thì có một đề tài luôn khiến trái tim chị rung động, khiến chị có nhiều cảm hứng, trân trọng về sự luôn tươi mới tuyệt đẹp của cuộc sống, đó là sự ra đời của những đứa trẻ. “Những đứa trẻ như những mầm non mới nhú, mong manh, ngây thơ, trong sáng chuẩn bị bước chân vào đời. Khi vẽ những đứa trẻ, lòng tôi ấm áp, dung dị, bình an, tràn đầy tình thương yêu, trân trọng, nâng niu”, chị nói.


Cũng vào thời điểm ấy, nữ họa sĩ đã nói, với chị, dường như thời gian luôn gấp gáp, quý giá hơn bất cứ điều gì, bởi chị có rất nhiều dự định muốn được thực hiện. Chỉ có điều, chạy đua với thời gian không phải dễ dàng bởi con người không phải cỗ máy, có những lúc phải giãn ra, nghỉ ngơi. Chưa kể, thời điểm ấy chị còn lo không ít việc cho nhà lưu niệm của cha mình. Thế nên, dự định cho triển lãm phải chậm lại.

 

Ba chị em (sơn mài).


Năm nay là cả một năm chị dốc sức làm mọi việc để có thể thực hiện cùng lúc hai cuộc triển lãm tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Hồi cuối tháng 7 khi tôi gọi hỏi chị về triển lãm là lúc chị miệt mài bên giá vẽ nhất. Chị bảo, suốt hai tháng trời hầu như không ló mặt ra đường. Sau khi kết thúc Triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tháng 10 vừa qua, chị ốm và nằm viện hơn mười ngày, nhưng vẫn cố gắng để không bỏ lỡ triển lãm sẽ được ra mắt tại Hà Nội vào cuối tháng tháng 12 này. Đây cũng là cách làm việc bấy lâu nay của chị. Đã ngồi vào vẽ là vẽ đến mất ăn mất ngủ, như “tự kỷ”, ngồi lì nhiều ngày trong phòng, với bút với màu, tay lúc nào cũng lem luốc. Cảm hứng sáng tạo như mạch suối, lại được thai nghén lâu ngày, nhiều khi chị vẽ như không kịp với những ý tưởng của mình.


“Tôi đã vẽ những đứa trẻ quanh tôi, những đứa trẻ đã đi qua suốt cuộc đời của mình. Đó là em, con, cháu tôi, những đứa trẻ hàng xóm, và những đứa trẻ tôi đã bắt gặp trên những cuộc hành trình khắp mọi miền đất nước của mình từ thành thị, nông thôn đến miền núi. Những đứa trẻ này để lại dấu ấn trong tôi, mỗi đứa trẻ một thân phận, một cuộc đời. Từ những ngày còn đội mũ rơm đi học thời chiến tranh gian khổ, những đứa trẻ nông thôn đi mót lúa trên đồng hay sưởi lửa một chiều mùa đông ở miền trung du đất đỏ, rồi những đứa trẻ ở xóm tôi mới đi sơ tán về Hà Nội, và cho đến những đứa trẻ của những năm 2013, hiện tại hôm nay”, chị nói.


Để có được cái nhìn toàn diện, ở nhiều góc độ, cũng là tạo cảm hứng sáng tạo, ngoài những gương mặt thân thuộc của những em bé mà chị biết, trước đó chị đã đi rất nhiều nơi, đến với nhiều vùng đất. Chuyến lên Sa Pa (Lào Cai) chụp ảnh làm tư liệu cho các bức vẽ của mình, chị rất ưng ý.


Vì thế, triển lãm "Những đứa trẻ" lần này, với 75 tác phẩm bằng chất liệu sơn dầu và sơn mài, nhân vật chính trong tranh của họa sỹ Nguyễn Thị Hiền là trẻ em với nhiều độ tuổi khác nhau, đến từ thành thị hoặc nông thôn, từ thời chiến tranh hoặc thời nay, với nhiều khung cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều mang vẻ ngây thơ, hồn nhiên. Cũng vì thế mà lần này, tranh của chị rực rỡ, tươi sáng hơn bao giờ hết.


Sau triển lãm này, họa sỹ Nguyễn Thị Hiền sẽ bắt tay vào thực hiện dự định tiếp theo mà chị đã ấp ủ từ lâu, đó là vẽ chân dung những người bạn. Họ có thể là những người cùng giới, bạn văn chương và những người cùng thời. Chỉ có điều, những bức tranh này chị sẽ không bán, không cho, cũng chẳng tặng ai, mà chỉ để trưng bày tại nhà, để hễ ai có dịp ghé thăm có thể ngắm nhìn bất cứ lúc nào.


Nghe chị nói về những dự định, nhìn cách làm việc của chị mới thấy hội họa trong chị nóng bỏng thế nào. Trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật của mình với gần 60 năm (họa sĩ Nguyễn Thị Hiền SN 1946), chưa khi nào niềm say mê ấy trong chị có giây phút nguội lạnh.


Điều ấy có thể hiểu lý giải vì sao, ngay từ khi 8 tuổi chị đã là một hiện tượng về hội họa, nhiều người khi ấy gọi chị là “thần đồng hội họa”. Và cũng vì thế mà có thể hiểu tại sao, ngay từ lúc cầm bút vẽ chị đã gặt hái nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế: 6 lần đạt giải nhất Triển lãm toàn quốc tranh thiếu nhi Việt Nam (từ 1957-1962), Huy chương Bạc Triển lãm Mỹ thuật tại Ấn Độ, bằng khen tại triển lãm mỹ huật Hungarry (1956), Giải A của Triển lãm Mỹ Thuật tại Hà Nội (19), Giải A của Triển lãm Mỹ Thuật các họa sĩ trẻ tại Hà Nội (1972),..


Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cũng đã tổ chức nhiều triển lãm cá nhân, tham gia hàng chục triển lãm nhóm trong và ngoài nước. Một số tác phẩm của chị được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Quân đội Đà Nẵng. Ngoài ra, nhiều tác phẩm khác của chị đã được lưu giữ trong bộ sưu tập cá nhân tại Việt Nam và các nước trên thế giới như: Pháp, Anh, Mỹ, Mexico, Canada, Đức, New Zealand, Tây Ban Nha, Ý, Hungary, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Áo, và nhiều nước khác.

 

Xuân Phong

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN