Đã 14 năm từ khi nhà thơ - người lính Nguyễn Hữu Quý (ảnh) ra thăm Trường Sa. Những ngày lênh đênh trên biển, sống cùng lính đảo, đắm mình trong nắng gió và mưa giông đủ để anh nhận ra: “Một lần ra Trường Sa, cả đời nhớ Trường Sa”.
Đảo xanh, biển bớt mênh mang
Mùa hè năm 2000, từ Tân Cảng (Sài Gòn), Nguyễn Hữu Quý cùng với đoàn cán bộ của Bộ Quốc phòng, một số quân khu, Đoàn văn công quân khu 4 và một số nhà báo, nhà văn lên tàu ra Trường Sa. Sau hai ngày hai đêm, tàu tới đảo Trường Sa Lớn. Khi ngồi trên xuồng để vào đảo, bất chợt một cơn giông ập đến. Mây đen vần vũ, sóng gió nổi lên, biển đang yên bình bỗng trở nên thật đáng sợ. Nhiều người lo lắng, sốt ruột, làm sao có thể vào bờ? Con xuồng quá nhỏ bé trước cơn thịnh nộ của biển cả.
Chừng ba mươi phút sau, cơn giông biến mất, trả lại mặt biển bình yên trong nắng vàng hắt lên ánh bạc. Giữa biển khơi trùng trùng mây nước, hình ảnh đầu tiên chạm vào mắt nhà thơ là vệt xanh màu lá cây của đảo và nổi bật trên đó là hình ảnh lá cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay trong gió.
Lần đầu tiên đặt chân đến Trường Sa, bao hình dung của anh về nơi chỉ có nắng gió, trời và nước, tưởng chỉ có cái khô khát, khốc liệt được thay bằng cảm giác ngỡ ngàng, mới mẻ. Màu xanh của cây bàng vuông, cây phong ba, dừa, những đám muống, ớt, dền, sam… như làm dịu cái nắng đang đổ tràn. Trái tim anh đập rộn lên và một cảm giác tự hào, rưng rưng, nghẹn ngào muốn rơi nước mắt khi đến bên cột mốc chủ quyền trên đảo.
“Trập trùng sóng, trập trùng mây/Giữa bao la biển, ô hay, làng mình!/Cũng vàng hoa mướp rung rinh/Cũng tươi hoa muống trắng tinh cạnh nhà/Mồng tơi ra với Trường Sa/Lá xanh quấn quýt như là đợi em...” và “Đất quê đóng gói về đây/Lính gieo hạt xuống thành cây, thành làng/Đảo xanh, biển bớt mênh mang...” (Làng đảo). Những câu thơ đầy cảm xúc và hình ảnh thân quen của Nguyễn Hữu Quý ngay lập tức bật ra giữa “làng” Trường Sa. Gần đây, bài thơ “Làng đảo” của anh được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc, bài hát được lính đảo rất thích nghe.
Chỉ có điều trồng cây trên đảo không dễ chút nào. Mùa biển yên sóng lặng không nói làm gì, mùa mưa bão, chỉ cần một đợt sóng tràn qua đảo, những đám dền, sam lập tức lụi tàn. Thiên nhiên khắc nghiệt thách thức những người lính đang canh giữ biển trời Tổ quốc.
Anh em ở đảo kể rằng, mùa mưa bão, biển động, sóng đập vào thềm đảo ầm ầm như tiếng mìn nổ. Ở nhà giàn, khi bão lớn còn nguy hiểm hơn. Vì thế khi nhìn vào đâu, từ ngọn rau mỏng mảnh được vun vén ươm trồng nâng niu trong những khay đất mang từ đất liền ra đến những vòng lượn của chim bồ câu, tiếng gà gáy, tiếng chó sủa, tiếng lợn ủn ỉn trên đảo, trên nhà giàn... những hình ảnh dễ dàng bắt gặp ở bất cứ nơi nào trên đất liền, đều khiến anh xúc động. Và trong thơ anh viết về Trường Sa, về nhà giàn DK1 đã có những hình ảnh thân thương như thế.
Sự hy sinh và sức mạnh văn hóa làng Việt
Một buổi trưa ở đảo Đá Tây, Đoàn văn công quân khu 4 biểu diễn văn nghệ cho lính đảo xem. Ngồi cùng những chàng trai trẻ tuổi mặt còn măng tơ, nhà thơ giật mình khi thấy những mái đầu đã lấm tấm bạc. Anh hỏi: “Tại sao tóc các em bạc thế này?”. Các chiến sĩ trả lời: “Chúng em cũng không biết nữa, có lẽ do khí hậu khắc nghiệt quá anh ạ”.
Hình ảnh ấy bám riết, ám ảnh tâm trí Nguyễn Hữu Quý. “Ở Trường Sa/những người lính/mặt trẻ/tóc già/Những chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi/tóc lấm tấm bạc” nhưng vẫn quyết tâm “sống trên đỉnh sóng/neo bám giữa bão giông” (Trường Sa nhìn gần).
“Sự hy sinh của họ rất lớn. Những người lính, những ngư dân bám biển ở Hoàng Sa, Trường Sa là những chiến sĩ ở tuyến đầu, can trường gìn giữ biển trời Tổ quốc. Nơi đây, họ không chỉ chịu sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sự đe dọa xâm lấn của kẻ thù mà còn chịu thử thách về tình cảm khi đằng đẵng xa đất liền, xa nhà. Nhưng những người lính ấy vẫn không mảy may nhụt ý chí, vẫn một lòng bám đảo”, nhà thơ xúc động nói. Thơ anh đã khắc họa điều đó: “Vì Tổ quốc/chúng tôi là cột mốc/chúng tôi là trận địa tiền duyên/chúng tôi là lá chắn/chúng tôi là bệ phóng/ chúng tôi là chốt chặn xâm lăng” (Hạ thủy những giấc mơ).
Nhưng cũng ở nơi đầy gian khổ ấy, những nét văn hóa làng Việt, hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt vẫn hiển hiện vô cùng rõ nét. Từ cảnh vật đến con người đều đậm sắc văn hóa Việt vốn được lưu giữ bền vững suốt hàng nghìn năm. Và đó cũng là những “cột mốc” chủ quyền vững chãi. Dưới gốc cây phong ba, chú lợn ủn ỉn đủng đỉnh đứng, nằm. Trên đảo tưởng chỉ có bầu trời và bao quanh mênh mông biển nước, tiếng gà trưa vang lên như kéo gần không gian biển đảo với đất liền. Những âm thanh quen thuộc khiến những người lính đảo bớt nhớ nhà, tiếp thêm sức mạnh để họ kiên cường, vững tay súng nơi đảo xa.
“Thì ra, đảo dù ở xa nhưng cảnh vật từ sắc thái đến âm thanh đều mang đậm văn hóa làng Việt trên đất liền. Đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa cũng là làng Việt cả thôi. Gần gũi và thiêng liêng quá đỗi”, Nguyễn Hữu Quý nói.
Nguyễn Hữu Quý cũng khẳng định rằng, không ai cảm nhận văn hóa Việt sâu sắc, thấm thía như khi bước chân đến Trường Sa. Văn hóa làng Việt, từ ngôn ngữ tiếng Việt đến cảnh sắc, giá trị văn hóa tinh thần như chiếu chèo, những mái chùa, được cắm rễ bền vững ở đảo chìm, đảo nổi là nguồn năng lượng cực kỳ lớn để những người lính có thể bám biển, bảo vệ biển trời. Những giá trị của văn hóa làng Việt ấy sẽ góp phần nuôi dưỡng tâm hồn họ, phát huy sức mạnh lòng yêu nước của người lính, người dân có mặt ở Trường Sa, Hoàng Sa hôm nay.
Những giây phút không thể quên
Những ngày ở Trường Sa, Nguyễn Hữu Quý đã tới các đảo Trường Sa Lớn, Phan Vinh, An Bang, Đá Tây, Núi Le, Thuyền Chài, Tiên Nữ... Nơi nào anh cũng cảm nhận được rất rõ chữ “tình”. Ngoài tình đồng đội (Anh từng là một người lính của Đoàn 559 Trường Sơn. Điều này cũng lý giải vì sao Nguyễn Hữu Quý sáng tác nhiều về đề tài chiến tranh và đường Trường Sơn đến vậy) chia ngọt sẻ bùi, yêu thương đùm bọc nhau, còn có tình quân dân thắm thiết, tình cảm của lính đảo dành cho những người từ đất liền ra thăm.
Nước ngọt ở Trường Sa không bao giờ dư dả, chủ yếu được vận chuyển từ đất liền ra. Ngoài ra, lính đảo trông chờ vào các cơn mưa. Có khi sáu, bảy tháng không có hạt mưa nào. Trên các bể nước đều ghi: “Nước quý như máu!”, khi dùng phải hết sức tiết kiệm. Thế mà khi có người từ đất liền ra, nhất là các cô văn công, lính đảo đều sẵn sàng dành nước cho các cô tắm rửa.
Ở đảo, nào có hoa hồng, hoa huệ... Sẵn nhất chỉ là hoa muống biển và có hoa bàng vuông, hoa phong ba nở theo mùa. “Trưa hôm xem biểu diễn ở đảo Đá Tây, một anh lính trẻ đã hái những bông hoa muống đem tặng cho nữ văn công khi cô vừa hát xong bài “Ca dao em và tôi”. Tôi rưng rưng khi chứng kiến cảnh ấy”, anh nhớ lại. Đêm trăng Trường Sa, văn công và lính đảo ngồi ôm đàn hát. Ngay khi ấy anh đã nghĩ, có lẽ nơi trong lành nhất, ấm áp tình người nhất không đâu khác chính là Trường Sa.
Và hơn hết, với anh, được sống cùng những người lính đảo, dẫu những ngày ít ỏi, nhưng từ trong sâu thẳm, anh cảm nhận rõ tinh thần anh dũng quả cảm của các thế hệ đã và đang bảo vệ biển đảo quê hương. Anh từng tự hào về Trần Văn Phương, người anh hùng cùng quê Quảng Bình, đã hy sinh trong trận chiến ở đảo Gạc Ma năm 1988. Trần Văn Phương đã quấn lá cờ Tổ quốc quanh mình, trong những giây phút cam go nhất, vẫn quyết tâm “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo”.
“Không phải chỉ có một Trần Văn Phương mà nhiều người như thế. Họ có thể chưa có người yêu, từng ước mơ tới giảng đường đại học, mê những câu chèo với “Thị Mầu lúng liếng”. Có người khi ra đảo mới học hết cấp ba, mang theo sách giáo khoa hóa, lý lớp 12 gối đầu giường. Có người ra đảo nhiều năm chưa về thăm nhà. Nhưng những người lính ấy sẵn sàng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo”, anh nói.
Và cũng vì vậy, Trường Sa trở đi trở lại trong thơ anh. Ngoài những bài thơ viết từ chuyến đi từ năm 2000, sau đó anh còn viết về Trường Sa nhiều hơn nữa. Gần đây nhất, năm 2013, Nguyễn Hữu Quý đã cho ra mắt trường ca “Hạ thủy những giấc mơ”. Anh tự nhủ với lòng mình: “Một lần ra Trường Sa/cả đời nhớ Trường Sa/không quên được/dù chỉ là ca nước/một ngọn bàng vuông nhô lên trong hố đất/một cây dừa tướp lá đảo Phan Vinh/một tiếng gà trưa oi óc An Bang/một truyền thuyết lung linh đêm Tiên Nữ/một đàn chim câu lượn vòng trong chiều Trường Sa Lớn/một chiếc trăng cong bên đảo Thuyền Chài” (Trường Sa nhìn gần).
Bài và ảnh: Xuân Phong