Truyền hình trả tiền, “gà đẻ trứng vàng”

Truyền hình trả tiền ở Việt Nam đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Nếu như năm 2003, Việt Nam chỉ có 79.000 thuê bao thì đến nay, tổng số thuê bao đã lên gần 4 triệu, mang lại doanh thu ước khoảng 2 tỷ USD mỗi năm (tương đương 53.000 tỷ đồng). Nguồn thu này có được chủ yếu từ quảng cáo, khoảng 850 triệu USD trong năm 2011 và hơn 1 tỉ USD vào năm ngoái. Dự báo, mức tăng trưởng về doanh thu của truyền hình trả tiền sẽ tăng lên 20 đến 25% vào năm 2015.

 

Truyền hình trả tiền đang có sự cạnh tranh gay gắt.


Tuy thế, các “thượng đế” ở Việt Nam có nguy cơ ngày càng thiệt thòi khi giá thuê bao cứ tăng dần, mà chất lượng lại không tỷ lệ thuận với việc tăng giá. Đó là chưa kể những chiêu cạnh tranh như một số doanh nghiệp truyền hình trả tiền có vị trí thống lĩnh thị trường đã ép buộc các nhà cung cấp kênh nội dung phải kí hợp đồng độc quyền. Dù phát triển thuê bao ồ ạt, nhanh chóng, song “miếng bánh” lớn của thị trường lại nằm trong tay số ít doanh nghiệp mạnh. Bởi vậy, sự cạnh tranh tuy có diễn ra, nhưng không gay gắt và người tiêu dùng vẫn phải chịu thiệt khi bị áp đặt mức giá thuê bao cũng như phải chịu chất lượng dịch vụ không được như thỏa thuận từ phía “nhà đài”.

 

Dễ nhận thấy là phần lớn khách hàng khi mua dịch vụ truyền hình trả tiền, cũng như mua sản phẩm được quảng cáo trên các kênh truyền hình trả tiền thường ít khi đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng thỏa thuận trước khi ký. Vì thế, rất nhiều khách hàng đã không hình dung được những thua thiệt khi xảy ra tranh chấp. Một số hợp đồng còn bắt buộc người tiêu dùng phải tuân thủ các nghĩa vụ ngay cả khi đơn vị cung cấp dịch vụ không thực hiện đúng hợp đồng. Không ít người tiêu dùng than thở việc doanh nghiệp truyền hình bán đầu thu cho người tiêu dùng để thu các kênh do đài mình phát, nhưng sau đó đột ngột dừng tín hiệu mà không một lời giải thích...


Một thực tế khiến người tiêu dùng cảm thấy như bị lừa là việc tiếp cận với thông tin quảng cáo bán hàng trên truyền hình trả tiền. Những clip quảng cáo không đúng sự thật, thổi phồng chất lượng, tính năng, công dụng, nguồn gốc xuất xứ và giá trị của hàng hóa; bán hàng không nguồn gốc xuất xứ... diễn ra khá phổ biến trên các kênh của truyền hình trả tiền. Nhiều người mua hàng qua truyền hình không được xem xét hàng hóa khi nhận hàng, bị thoái thác trách nhiệm khi có khiếu nại... Đáng chú ý, một số doanh nghiệp truyền hình trả tiền có vị trí thống lĩnh thị trường đã ép buộc các nhà cung cấp kênh nội dung phải kí hợp đồng độc quyền. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn móc nối với chủ đầu tư ở các khu đô thị để độc quyền cung cấp dịch vụ truyền hình cáp khiến người tiêu dùng không có quyền lựa chọn dịch vụ.


Một vấn đề khác là hiện diễn ra tình trạng các doanh nghiệp truyền hình trả tiền cạnh tranh nhau để ký các hợp đồng bản quyền truyền hình, đặc biệt là bản quyền truyền hình phát sóng các giải bóng đá hàng đầu thế giới. Đơn cử, như giá bản quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh ở Việt Nam đã tăng gần 200% trong 2 giai đoạn 2011 - 2013 và 2013 - 2016. Do chi phí mua bản quyền lớn đã buộc các nhà đài tăng phí thuê bao để bù đắp chi phí và hậu quả là các “thượng đế” phải chịu thiệt.


Rõ ràng, việc kinh doanh truyền hình trả tiền đang có rất nhiều vấn đề cần được giải quyết, đặc biệt là sự minh bạch trong cách thức kinh doanh. Vẫn biết các văn bản pháp quy về truyền hình trả tiền đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng điều đó không không có nghĩa các nhà quản lý không quan tâm tới quyền lợi của người tiêu dùng, nhất là có biện pháp kiểm tra, giám sát việc cung cấp dịch vụ của các nhà đài. Những kinh nghiệm về chống độc quyền trong lĩnh vực truyền hình trả tiền tại một số nước cũng cần được các nhà quản lý nghiên cứu áp dụng nhằm tránh hệ lụy không đáng có như thời gian qua.


Việc cần làm trước tiên là siết chặt các quy định, nhất là đối với những doanh nghiệp cố tình trì hoãn hoặc phớt lờ quyền lợi của người tiêu dùng.


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN