Viết bằng xúc cảm con tim
Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể rằng, ca khúc “Đảng đã cho ta cả một mùa xuân” được ông sáng tác vào đúng thời điểm kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 1960. Ông viết ca khúc này xuất phát từ tình cảm chân thành, từ sự hứng khởi và xúc cảm của trái tim chứ không vì bất cứ lý do nào, không phải vì bất cứ “đơn đặt hàng” hay yêu cầu nào.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác trong căn hộ nhỏ giữa lòng Hà Nội. |
Ngày ấy, khi đang học Đại học Pháp lý ở Thái Nguyên, bạn bè cho ông xem một bài thơ của một chiến sĩ cộng sản Pháp Paul Vaillant Couturier. Những dòng chữ “Chủ nghĩa cộng sản là tuổi thanh xuân của thế giới” do một trí thức trẻ giác ngộ lý tưởng cộng sản như Paul Vaillant Couturier viết đã tác động mạnh đến ông. Ông ấn tượng hơn nữa khi biết người chiến sĩ ấy đã bị phát xít Đức thủ tiêu.
“Lời thơ ấy cộng với số phận của con người quả cảm đã chạm vào trái tim tôi. Đất nước ta lúc ấy còn đang chiến tranh, bị chia cắt. Một chiến sĩ cộng sản Pháp đã nghĩ được như thế thì tại sao mình không thể phấn đấu để có được một mùa xuân nhân loại như thế?”, nhạc sĩ Phạm Tuyên kể.
Và bài hát “Đảng đã cho ta cả một mùa xuân” đã ra đời. Ca khúc với những ca từ trong sáng, tha thiết, đầy ý chí, tinh thần bất khuất và lòng biết ơn: “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng/Một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi/Đảng đã đem về tuổi xuân cho nước non/Vang tiếng hát ca chứa chan niềm yêu đời/Bao năm khổ đau đất nước ta không mùa xuân/Cuộc đời tăm tối chốn lao tù bao hờn căm/Vầng dương hé sáng khi khắp nơi ta có Đảng/Bóng tối lui dần, tiếng chim vui hót vang”.
Và cũng từ đó mà tràn đầy niềm yêu đời, lạc quan, tin tưởng: “Và rồi từ đây, ánh dương xây đời mới/Tiến theo cờ Đảng là thấy tương lai sáng tươi”; “Bạn ơi, mùa xuân khắp nơi tươi đẹp quá/Khi lý tưởng Đảng rực sáng trong tim chúng ta”.
Trong bài hát này của ông, bên cạnh tài năng âm nhạc thiên bẩm thể hiện trong ca từ, nhạc điệu, còn có con người biết vượt lên hoàn cảnh, vượt lên định kiến để sống, cống hiến cho cách mạng. Những nhận định nhiều chiều về cha ông, một vị quan đại thần triều Nguyễn, Phạm Quỳnh, cho đến bây giờ vẫn còn nhiều bàn cãi, nhưng bản thân ông vẫn sống có lý tưởng, cả cuộc đời lao động nghệ thuật không mệt mỏi.
“Tôi vượt qua được những định kiến đó vì lẽ sống lớn nhất là dùng nghệ thuật để đáp lại tình cảm của nhân dân. Có một cuộc phỏng vấn tôi trên truyền hình, phóng viên đã hỏi tại sao nghe tác phẩm của ông chỉ thấy cái ta mà không thấy cái tôi? Tôi đã trả lời, mà sau này nhà thơ Trần Đăng Khoa có nói, không có cái tôi làm sao có cái ta, rằng, cái tôi của mình phải hòa nhập với mọi người thì sẽ có cái ta cộng hưởng. Khi tình cảm của mình hòa nhập với tình cảm của mọi người thì tác phẩm sẽ có sức sống. Trong cuộc đời của tôi, nhiều bài hát đã ra đời như thế”, nhạc sĩ Phạm Tuyên nói.
Và thực tế, suốt hơn nửa thế kỷ qua, bài hát đã đứng vững trong lòng nhiều thế hệ công chúng yêu nhạc. Mỗi mùa xuân đến, mùa xuân của đất trời, mùa xuân của đất nước, bài hát này lại vang lên, tha thiết và mạnh mẽ, cổ vũ lòng người.
Đồng cảm giữa thơ và nhạc
Trong cuộc đời sáng tác của nhạc sĩ Phạm Tuyên, một ca khúc nữa cũng khiến ông luôn nhớ đến, là “Gửi nắng cho em”.
Giáp Tết năm 1976, cái Tết đầu tiên sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, nhạc sĩ Phạm Tuyên vào Thành phố Hồ Chí Minh thăm anh em nghệ sĩ.
“Năm ấy, cũng giáp Tết như thế này, khi vào đến Sài Gòn, trong khi bạn bè mời đi Vũng Tàu thì tôi nghe đài báo có gió mùa đông bắc, Hà Nội trời trở rét. Khi ấy, tôi chợt nghĩ, đất nước mình thật đặc biệt, cùng dải đất hình chữ S mà khí hậu khác nhau. Trong khi ngoài Bắc trời trở lạnh thì trong này vẫn nắng ấm”, nhạc sĩ Phạm Tuyên kể.
Suy nghĩ cũng chỉ dừng lại vậy thôi. Song thật bất ngờ, cũng vào thời điểm ấy, ông tình cờ đọc được bài thơ “Gửi nắng cho em” đăng trên báo Sài Gòn Giải phóng của tác giả Bùi Văn Dung. Lúc ấy, ông chưa biết Bùi Văn Dung là ai, nhưng cảm thấy hai tâm hồn có sự đồng điệu, những lời thơ của Bùi Văn Dung cũng như đồng cảm với tâm trạng của ông lúc này. Vậy là ngay lập tức, nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc bài thơ ấy mà hầu như không phải sửa chữa phần lời.
Những lời ca là tình cảm thiết tha, sâu lắng, cảm thông, sẻ chia, cũng là lời nhắn nhủ, gửi gắm tình yêu thương của người đi xa, ở nơi ấm áp với người ở nhà trong giá rét ngày đông:
“Anh ở trong này chưa thấy mùa đông/Nắng vẫn đỏ, mận hồng đào cuối vụ/Trời Sài Gòn xanh cao như quyến rũ/Thật diệu kỳ là mùa đông phương Nam/Muốn gửi ra em một ít nắng vàng/Thương cái rét của thợ cày thợ cấy/Nên cứ muốn chia nắng đều cho ngoài ấy/Có tình thương tha thiết của trong này”.
Để rồi khuyến khích, động viên: Anh hiểu sức vươn của những cành đào/Qua giá rét vẫn nở hoa ngày Tết/Như cây thông vững vàng trong giá rét/Em hãy làm cây thông xanh nghe em”.
Đoạn cuối bài hát có tiết tấu mạnh mẽ, rắn rỏi, như lời kêu gọi, thúc giục; tình cảm riêng đã hóa tình cảm chung đã nâng tầm bài hát lên, mang tính tư tưởng: “Khi hai miền cùng vào một vụ chiêm/Hai vựa thóc cũng nặng tình của đất/Cùng vào mùa một ngày vui thống nhất/Hơn lúc nào anh hiểu thấu lòng em”…
Nhưng bài hát ngay từ lúc ra đời đã gặp trắc trở, mà cả bản thân nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng như tác giả bài thơ cũng không thể ngờ tới. “Khi bài hát mới ra đời, anh em ở Đài phát thanh nói lại với tôi rằng họ nhận được một đề nghị qua điện thoại từ ban tuyên giáo với đài phát thanh, đài truyền hình ngưng phát bài hát vì có người bàn là: tại sao vừa mới giải phóng xong mà Phạm Tuyên muốn gửi nắng từ miền Nam ra miền Bắc, như vậy là miền Bắc âm u à?”, nhạc sĩ Phạm Tuyên kể.
Khi ấy, Hội nhạc sĩ có gặp ông và hỏi: Ông có biết ai đưa ra ý kiến này không? Hãy viết bài báo nói về việc này. Nhưng nhạc sĩ Phạm Tuyên trả lời rằng: Không việc gì phải viết báo. Bài hát hay thì người ta nhớ, dở thì người ta quên.
Bẵng đi đến năm 1983, đúng vào thời điểm giao thừa, Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh phát bài hát này, do ca sĩ Ngọc Tân thể hiện. Ngày mồng 5 Tết, nhạc sĩ Bửu Huyền thông báo tin này cho nhạc sĩ Phạm Tuyên. Sau đó, ngoài Hà Nội, Đài phát thanh truyền hình cũng cho phát bài này. Từ đó, bài hát được phổ biến rộng rãi, nhiều ca sĩ đã hát rất thành công ca khúc này như NSND Quý Dương, NSND Trung Kiên,…
Cũng từ khi bài hát được phát lại thì nhạc sĩ Phạm Tuyên đã có cuộc gặp gỡ rất bất ngờ và vui vẻ với ca sĩ Ngọc Tân, tác giả bài thơ Gửi nắng cho em Bùi Văn Dung. Sau này, nhạc sĩ Phạm Tuyên còn gặp nhà thơ Bùi Văn Dung nhiều lần nữa. Bùi Văn Dung cũng gửi các bài thơ khác và được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc, trở thành những ca khúc nổi tiếng như: “Con kênh ta đào”, “Giá em đừng yêu anh”.
Xuân Phong