Từ lịch sử văn hóa đến hình dáng Tổ quốc

Trong chương trình Hội sách Hà Nội năm 2014, chiều ngày 27/9 Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã tổ chức buổi nói chuyện ý nghĩa, với hai chủ đề: “Hữu Ngọc - đồng hành cùng thế kỷ văn hóa - lịch sử Việt Nam” và “Hình dáng Tổ quốc”.


Nhà văn hóa Việt và nhà văn Mỹ hội đàm


Nhà văn hóa Hữu Ngọc và nhà văn Mỹ Laddy Borton đến từ hai quốc gia khác nhau, nhưng có một điểm chung là yêu và nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, mong muốn giúp thế giới hiểu rõ về lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam.

 

Nhà văn hóa Hữu Ngọc và nhà văn Laddy Borton hội đàm về bản sắc văn hóa Việt Nam.


Hội đàm giữa nhà văn hóa Hữu Ngọc và nhà văn Lady Borton là những chia sẻ về văn hóa Việt Nam, thể hiện vốn sống của nhà văn hóa Việt Nam trong bối cảnh quốc gia và quốc tế. Nhà văn Lý hỏi nhà văn hóa Hữu Ngọc: “Theo ông chúng ta lấy hình ảnh cây gì để người dân Việt Nam và các nước trên thế giới hiểu rõ nhất về văn hóa Việt Nam?”. Nhà văn hóa Hữu Ngọc đã chọn cây đa làm hình ảnh tượng trưng cho dòng phát triển lịch sử văn hóa Việt Nam. Ông lý giải cây đa là một loại cây rất quen thuộc và gần gũi với người dân Việt Nam, cây đa cũng là loại cây sống thọ nhất, rễ bám sâu nhất. Cây đa ở đây ông Hữu Ngọc lấy làm hình ảnh nó có bốn nhánh, có những rễ phụ đâm ra từ các nhánh và hướng xuống đất.


Nhà văn hóa Hữu Ngọc nói: “Gốc cây đa là cội nguồn văn hóa của Việt Nam, phát triển trong khung cảnh của khu vực Đông Nam Á mà tượng trưng nhất là văn minh lúa nước, tuy nhiên nó có yếu tố và tính chất văn hiến riêng của dân tộc Việt Nam. Có 4 cành cây là 4 thời kỳ ảnh hưởng nước ngoài, cành thứ nhất ảnh hưởng Trung Quốc 2 nghìn năm, nhánh thứ hai thời kỳ Pháp thuộc 80 năm, nhánh thứ ba là 30 năm chiến tranh chống Pháp và Mỹ, nhánh thứ tư là sau chiến tranh cho đến ngày nay hội nhập văn hóa toàn thế giới. Mỗi thời kỳ, dù ít dù nhiều, văn hóa Việt Nam cũng bị ảnh hưởng và giao thoa bởi nền văn hóa đó, nhưng tiếp thu có chọn lọc. Rễ phụ đâm ra từ các nhánh chính là văn hóa của các nước muốn ăn sâu vào nền văn hóa Việt, nếu nó là văn minh, điều hay ý đẹp thì người Việt sẽ tiếp nhận, nếu không phù hợp thì bị đào thải và rễ đó sẽ không bám sâu vào lòng đất, phát triển được”.


Nhà văn người Mỹ hỏi: “Theo ông thì bây giờ văn hóa của Việt Nam có cái gì còn là đặc điểm của Việt Nam không?” và bà yêu cầu nhà văn hóa học trả lời một từ. Nhà văn hóa Hữu Ngọc rất nhanh đưa ra câu trả lời “có”, cả hội trường cổ vũ mạnh mẽ bởi những tràng pháo tay kéo dài. Nhà văn Lý như được thỏa tâm nguyện và hiểu hơn về nền văn hóa và lịch sử Việt Nam, nhất là bà đã tìm thấy thêm được điểm chung trong người bạn Hữu Ngọc.


 Hình dáng Tổ quốc


Cũng tại Hội sách Hà Nội, diễn giả tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ đã đến trao đổi với đông đảo bạn đọc về nội dung “Hình dáng Tổ quốc”.


Tiến sĩ Trần Công Trục chia sẻ những thông tin hữu ích như: kiến thức về phạm vi lãnh thổ Việt Nam nói chung và biển nói riêng, những vấn đề lưu ý khi xác lập các vùng biển Việt Nam; những kiến thức, khái niệm cơ bản về biển, đảo, đặc biệt là những chứng cứ pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; những bằng chứng pháp lý chân thực và đanh thép khẳng định chủ quyền của vùng biển Việt Nam; đánh giá thực trạng tranh chấp trên Biển Đông hiện nay giữa các nước, phân tích cụ hoạt động của Trung Quốc trên Biển Động thời gian gần đây cũng như cách ứng xử và triển vọng giải quyết các vấn đề này… Diễn giả Trần Công Trục nói “Việt Nam muốn chung sống hòa bình, tôn trọng lẫn nhau với tất cả các nước trên thế giới; mỗi người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ phải gánh vác trên vai trách nhiệm vô cùng nặng nề, đó là bảo vệ Tổ quốc và góp phần xây dựng Việt Nam ngày một tươi đẹp”.

 

Buổi trao đổi diễn ra sôi nổi giữa độc giả, người hâm mộ với tiến sĩ Trần Công Trục. Sinh viên Nguyễn Văn Chính, K9 khoa báo chí của Trường Cao đẳng truyền hình hỏi: “Thế hệ trẻ chúng cháu nói với nhau, nếu có thế lực thù địch nào đến nước ta thì các cháu sẵn sàng đánh đuổi họ, suy nghĩ của các cháu thế có đúng không?”. Tiến sĩ Trần Công Trục trả lời: “Nếu họ đến với ý tốt để hợp tác làm ăn, phát triển kinh tế, có lợi cho Việt Nam thì chúng ta sẵn sàng tặng hoa để đón tiếp. Nếu họ đến với mưu đồ xâm lược, ý xấu thì mỗi người dân Việt Nam hãy nêu cao tinh thần “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” để bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng”.


“Tham gia Hội sách Hà Nội năm 2014, NXB Thông tin và Truyền thông bên cạnh việc trưng bày sách tại các gian hàng, còn quan tâm tổ chức buổi hội đàm về hai nội dung bổ ích, ý nghĩa này. Chúng tôi cũng mang đến Hội sách gian chuyên đề về biển, đảo thu hút đông đảo khách đến xem. Đặc biệt, gian chuyên đề đã xây dựng mô hình Khuê Văn Các đại diện cho văn hóa Hà Nội ngàn năm văn hiến, mô hình đèn đỏ Trường Sa lớn với ý nghĩa mang Trường Sa về giữa Hà Nội và tấm lòng người Hà Nội hướng về Hoàng Sa, Trường Sa. Chúng tôi sẽ cố gắng để có nhiều đầu sách giá trị, nhất là những sách về biển, đảo và mong rằng sẽ có nhiều Hội sách hơn nữa nhằm nâng cao văn hóa đọc trong nhân dân”, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc NXB Thông tin và Truyền thông chia sẻ.

 

Bài và ảnh: Việt Hoàng

Hội sách Hà Nội, nâng cao văn hóa đọc
Hội sách Hà Nội, nâng cao văn hóa đọc

Hội sách lần đầu tiên được tổ chức tại Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội, từ ngày 26/9/2014 đến ngày 2/10/2014, sẽ là một sự kiện văn hóa có ý nghĩa nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 15 năm Thủ đô Hà Nội được vinh danh là "Thành phố vì hòa bình”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN