Ngày 3/5 (tức ngày 15/3 âm lịch), tại Đền Đô, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, đã diễn ra lễ khai hội Đền Đô. Hàng vạn du khách, nhân dân địa phương tưng bừng trảy hội kỷ niệm 1005 năm ngày Vua Lý Thái Tổ - Lý Công Uẩn đăng quang ngôi vị Hoàng đế.
Màn múa rồng chào mừng Lễ hội. Ảnh: Quý Trung – TTXVN. |
Lễ hội Đền Đô là lễ hội “về nguồn” của người dân đất Việt, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của vùng quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc. Hàng năm, lễ hội diễn ra trong 3 ngày (từ 14 đến 16/3 âm lịch), là dịp để nhân dân mọi miền Tổ quốc tưởng nhớ công ơn vua Lý Công Uẩn và các vị vua triều Lý có công khai mở vương triều Lý, phát triển nền văn minh Đại Việt. Đồng thời, lễ hội còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tái hiện thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Theo Ban tổ chức, lễ hội năm nay diễn ra cùng thời điểm kỳ nghỉ lễ kéo dài, nên lượng du khách đến với lễ hội đông hơn mọi năm. Ngay trước ngày chính hội, hàng vạn du khách thập phương đã đến dâng hương, tưởng niệm các vị vua triều Lý. Lễ hội gồm 2 phần: Phần lễ và Phần hội.
Tái hiện lại các vị Tướng triều Lý trong lễ hội. Ảnh: Quý Trung – TTXVN. |
Phần lễ: Trong ngày chính hội (15/3 âm lịch) lễ rước chính được bắt đầu 7 giờ sáng từ chùa Ứng Tâm (chùa Dận, phường Đình Bảng) về Đền Đô, gồm 1 long đình, 1 kiệu mẫu và 9 kiệu vua, thu hút 2.000 người tham gia. Đi đầu đám rước là đoàn múa lân, rồng, thể hiện hùng khí Thăng Long. Tiếp theo là đoàn cờ lớn mang dòng chữ “Đại Việt” và tám cờ đại mang chữ “Lý” và các đoàn nghi trượng như: Cờ người, gươm vàng, 3 ông “Thế Tướng” đi đứng uy nghi hùng dũng, siêu đao bát bửu, trống, chiêng, nhạc tế dân tộc... Khi đám rước về đến Đền Đô, tập trung tại sân rồng và tiếp tục nghi lễ “Đại tế” trong không khí long trọng, tôn nghiêm, nhằm tôn vinh các bậc minh vương nhà Lý đã có nhiều công lao to lớn và cầu mong quốc thái dân an. Sau đó, các đoàn đại biểu và quý khách thập phương vào Đền thành tâm lễ bái.
Với phần hội, nhiều hoạt động văn hóa, thể dục thể thao đã được tổ chức nhằm phục vụ du khách đến tham quan trẩy hội như: Hát quan họ trên thủy đình, đấu vật, cờ tướng, cờ người, thi đấu bóng chuyền, thi nấu cơm niêu đất, triển lãm sinh vật cảnh, gói bánh phu thê, thể dục dưỡng sinh. Trong tất cả những ngày diễn ra lễ hội, du khách sẽ được thưởng thức những làn điệu Quan họ Bắc Ninh mượt mà, đằm thắm.
Hát quan họ tại Lễ hội. Ảnh: Quý Trung – TTXVN. |
Đền Đô còn có tên gọi là Cổ Pháp Điện, đền Lý Bát Đế, nằm ở xóm Thượng thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là di tích lịch sử, có kiến trúc theo kiểu thành cổ cung điện. Ngôi Đền được khởi dựng từ thời Lý, do Lý Công Uẩn chọn đặt xây dựng thái miếu ở phủ Thiên Đức (tức Cổ Pháp Điện ở Đình Bảng). Về sau, khi các vua nhà Lý lần lượt qua đời, đều được an táng và thờ chung ở đây nên được gọi là đền Lý Bát Đế. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đền Đô bị giặc chiếm đóng và phá hủy hoàn toàn. Sau khi đất nước hoàn toàn độc lập, năm 1989, nhân kỷ niệm 980 năm ngày vua Lý Thái Tổ khởi nghiệp nhà Lý, trên cơ sở dấu tích kiến trúc và những tài liệu cũ còn lại, nhân dân Đình Bảng đã cùng nhau quyên góp tiền của để khôi phục lại Đền Đô nhằm giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ về sau. Đền Đô được khôi phục theo đúng bản vẽ và ảnh chụp do Viện Viễn đông bác cổ còn lưu giữ được.
Ngoài khu đền, di tích lăng mộ hay còn gọi là “Sơn lăng cấm địa” nằm ở khu ao sen thuộc cánh đồng phường Đình Bảng gồm 11 lăng là nơi an nghỉ cuối cùng của các vị vua triều Lý cũng là một trong những di tích lịch sử có ý nghĩa tâm linh sâu sắc bao gồm Lăng vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông, Lý Huệ Tông, Lý Chiêu Hoàng, lăng Phát tích (thờ bà Phạm Thị) và lăng bà Nguyên Phi Ỷ Lan.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, năm 2014, di tích lịch sử khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Thanh Thương (TTXVN)