Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội và cuộc sống người dân. Trong bối cảnh đó, các văn nghệ sỹ đã vượt qua khó khăn của chính mình, tổ chức và tham gia các các hoạt động văn hóa nghệ thuật, góp phần an ủi, xoa dịu những nỗi đau, kết nối các tấm lòng nhân ái, chia sẻ sự yêu thương… mang lại nguồn năng lượng tích cực giúp người dân vơi đi nỗi âu lo, vượt qua khó khăn, sống lạc quan hơn, tiếp tục lao động, cống hiến, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Văn học nghệ thuật đã trở thành những liều “vaccine tinh thần” vô giá, đồng thời mở ra hy vọng, giúp chúng ta có thêm động lực, ý chí và không được lùi bước trước những khó khăn trong cuộc sống.
Âm nhạc sôi động
Trong "cuộc chiến" phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam từ năm 2020 đến nay, giới văn nghệ sỹ đã cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật thuộc nhiều loại hình khác nhau, vừa góp phần tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19, vừa lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, lan tỏa năng lượng tích cực để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Âm nhạc, một trong những loại hình nghệ thuật tham gia vào “cuộc chiến” chống dịch COVID-19 sớm và sôi động nhất. Trong 2 năm, 2020-2021, hàng trăm nhạc sỹ chuyên và không chuyên đã cho ra đời những bài hát, sản phẩm âm nhạc mang tinh thần chống dịch với phần biểu diễn linh hoạt, góp phần tuyên truyền, khơi dậy, cổ vũ tinh thần toàn dân phòng, chống dịch bệnh.
Một trong những sáng tác nổi tiếng trong và ngoài nước là ca khúc “Ghen cô vy” của nhạc sỹ Khắc Hưng, do ca sỹ Min và ca sỹ Erik thực hiện, với mong muốn tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho cộng đồng, truyền thêm lửa, bớt chút căng thẳng cho những chiến sỹ tuyến đầu của cuộc chiến chống COVID-19. Cùng với ca khúc “Ghen cô Vy”, vũ điệu rửa tay do vũ công Quang Đăng thực hiện cũng gây sốt trong cộng đồng trong nước và quốc tế, được báo chí nước ngoài đưa tin. Ca khúc “Ghen cô Vy” và vũ điệu rửa tay cũng góp phần tuyên truyền để cộng đồng cùng nhau chủ động thực hiện các thói quen phòng bệnh, lan tỏa những điều tử tế, tốt đẹp để chiến thắng dịch bệnh.
Sau “Ghen Cô Vy” và vũ điệu rửa tay, nhiều nhạc sỹ đã tiếp tục cho ra đời những tác phẩm âm nhạc góp phần tuyên truyền, đẩy lùi COVID-19, có thể kể đến ca khúc “Việt Nam ơi! Đánh bay COVID” của nhạc sỹ Minh Beta, “Việt Nam sẽ chiến thắng” của Nguyễn Hải Phong, “Màu áo anh hùng” của Vicky Nhung, “Tự hào Việt Nam” của Xuân Trí, “Chung tay phòng, chống Corona” của Lê Hồng Phúc, “Diệt giặc Corona” của Đạt G… Đến nay, đã có hàng trăm sản phẩm âm nhạc chủ đề chung tay chống dịch ra đời. Các tác phẩm âm nhạc đã góp phần tuyên truyền hiệu quả về phòng, chống dịch, tạo nên "sức mạnh mềm", lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái, lan tỏa năng lượng tích cực trong cộng đồng.
Nhiều sản phẩm âm nhạc được các nghệ sỹ sáng tác trong thời gian gần đây như MV "Anh sẽ về nhưng không phải hôm nay" của Nghệ sỹ Nhân dân Quốc Hưng, hai MV "Hành tinh không Corona", "Những người lính lương y" của ca sỹ Viết Danh (Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội), "Đất nước ở trong tim" của Phạm Toán, "Tự hào những con người đất Việt" của Phạm Thanh Phong, "Rock Covid" của Hữu Toàn… đều thể hiện niềm tin, lạc quan để chiến thắng đại dịch.
Từ giữa năm 2021, tình hình dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp, thời điểm này có thêm nhiều ca khúc có chủ đề liên quan đến cuộc chiến phòng, chống dịch. Nhiều ca khúc mang tinh thần trẻ trung được công chúng yêu mến, ví như “Bài ca khu cách ly” (Nguyễn Văn Chung), “Sài Gòn, xin lỗi, cảm ơn” (Khắc Việt), “Sài Gòn hẹn một ngày sớm thôi” (Nguyễn Thanh Nhật Minh), “Sài Gòn tôi sẽ” (Nguyễn Thái Dương)...
Nghệ thuật truyền thống cùng chống dịch
Không chỉ âm nhạc hiện đại, các nghệ sỹ trong làng nghệ thuật truyền thống như xẩm, chèo, cải lương, quan họ cũng bước vào cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 cùng với cộng đồng cả nước. Nhóm Xẩm Hà thành cho ra đời MV xẩm "Tiêu diệt Corona", nghệ sỹ đất Chèo Thái Bình cũng góp vào “mặt trận” chống COVID những bài hát chèo thú vị như "Chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID” do Trương Công Đỉnh soạn lời, “Bài ca chống giặc dịch COVID” của soạn giả Mai Văn Lạng, cải lương có tác phẩm “Thiên thần áo trắng chiến thắng Corona” của soạn giả Lê Thế Song. Kyo York, ca sỹ người Mỹ đang sinh sống tại Việt Nam, cũng gây bất ngờ với công chúng khi ra mắt MV “Trống cơm - chống COVID-19” song ngữ Việt - Anh...
Ở phương Nam, nhiều nghệ sỹ cải lương nổi tiếng như: Thoại Mỹ, Kim Tử Long, Phương Hồng Thủy, Võ Minh Lâm, Quế Trân, Ngọc Huyền... cùng thể hiện liên khúc “Sài Gòn, ngày vui trở lại” của soạn giả Tô Thiên Kiều - Quốc Nguyễn. Ngay từ những đợt ảnh hưởng bởi dịch bệnh đầu tiên, lấy cảm hứng từ bài “Ông bà anh” của Lê Thiện Hiếu, Nghệ sỹ Nhân dân Bạch Tuyết đã giới thiệu tới công chúng bài “Ông bà anh thời COVID-19” phiên bản vọng cổ, tạo nhiều sự thích thú cho khán giả khắp nơi. Nghệ thuật ca trù cũng tham gia vào cuộc chiến COVID-19, khi Nghệ nhân dân gian Nguyễn Văn Khuê, Chủ nhiệm Giáo phường ca trù Thái Hà đã sáng tác bài ca trù “Hỏi con COVID”…
Cùng với âm nhạc, các loại hình nghệ thuật khác cũng góp phần vào công cuộc phòng, chống COVID-19. Các họa sỹ sáng tác tranh có đề tài về phòng, chống COVID-19 và tổ chức triển lãm giới thiệu đến công chúng.
Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động về phòng, chống COVID-19 và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các họa sỹ. Các tác phẩm tranh cổ động có chất lượng với những thông điệp ý nghĩa về phòng, chống, ngăn chặn và đẩy lùi dịch COVID-19 đã được tuyển chọn và gửi đi triển lãm tại các địa phương, nhằm tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết cách chủ động phòng, chống dịch COVID-19 và vận động mọi người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân, bảo vệ cộng đồng.
Nhiều họa sỹ, nhóm họa sỹ vừa tổ chức triển lãm, vừa bán đấu giá tranh ủng hộ cộng đồng phòng, chống dịch COVID-19 như triển lãm "Câu chuyện dòng sông" của Quỹ Sống, trưng bày hơn 20 tác phẩm của các nghệ sỹ nổi tiếng Việt Nam và quốc tế; triển lãm "Hướng về Sài Gòn - Kết nối yêu thương" do Vietnam Art Space tổ chức… các tranh được bán trong các triển lãm này được gửi cho các quỹ từ thiện để tiếp sức tuyến đầu hoặc hỗ trợ thực phẩm cho cộng đồng…
Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh cũng phát động và tổ chức triển lãm ảnh COVID-19 online với chủ đề “Những khoảnh khắc từ trái tim”, giới thiệu hình ảnh những tập thể, cá nhân có nghĩa cử, hành động đẹp, thiết thực, ý nghĩa; những chiến sỹ trên tuyến đầu, những tấm gương điển hình trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 với mục đích lan tỏa những hình ảnh đẹp, mang tính nhân văn, lan tỏa tình yêu thương, sự sẻ chia khó khăn; chung tay góp sức tham gia chống dịch COVID-19.
Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Nguyễn Á tổ chức triển lãm ảnh "Tinh thần Việt và cuộc chiến chống đại dịch COVID-19", trưng bày bức ảnh sống động, thời sự và đầy tính nhân văn trong cuộc chiến quyết liệt chống dịch COVID-19 ở Việt Nam. Bên cạnh triển lãm, tác giả cũng cho ra mắt cuốn sách ảnh cùng tên do Nhà Xuất bản Thông tấn phát hành, với mong muốn cuốn sách song ngữ Việt - Anh góp phần lan tỏa những hình ảnh đẹp và ý nghĩa này đến cộng đồng trong nước và quốc tế.
Các loại hình nghệ thuật khác như sân khấu, văn học… cũng có những tác phẩm nghệ thuật về đề tài phòng, chống dịch COVID-19.
Trong 2 năm 2020-2021, Hội Nhạc sỹ Việt Nam đã tổ chức 2 cuộc vận động sáng tác về đề tài phòng, chống COVID-19 và đã nhận được trên 600 tác phẩm gửi về tham gia. Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức cuộc thi sáng tác các tác phẩm nghệ thuật có đề tài về phòng, chống COVID-19 và nhận được trên 200 tác phẩm gửi về tham gia dự thi. Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam đã kêu gọi và tập hợp các nghệ sỹ múa tham gia tổ khúc múa “Ánh sáng tâm hồn” và công diễn dưới hình thức trực tuyến…
Theo ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), trong 2 năm qua, các văn nghệ sỹ đã có nhiều đóng góp để cùng nhân dân vượt qua đại dịch. Cùng với các hoạt động từ thiện, các nghệ sỹ đã cho ra đời nhiều tác phẩm, tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật như biểu diễn tại khu cách ly, sản xuất các video clip… góp phần động viên tinh thần và cùng nhân dân vượt qua đại dịch.
Các tác phẩm văn học, nghệ thuật có đề tài về phòng, chống COVID-19 thời gian qua đã cho thấy những nỗ lực, sự lao động nghệ thuật không ngừng nghỉ của giới văn nghệ sỹ, góp phần lan tỏa những thông điệp nhân văn, mang lại hiệu ứng tích cực cho cộng đồng. Đây được xem như những liều "vaccine tinh thần" mang đến niềm tin, góp phần cổ vũ tinh thần, lan tỏa thông điệp tích cực trong phòng, chống dịch COVID-19.
Bài 2: Đưa nghệ thuật đến gần công chúng