Văn học, thơ ca góp phần làm thay đổi thế giới

“Văn học, thơ ca có thể góp phần làm thay đổi thế giới”, với niềm tin đó, Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam, Liên hoan thơ quốc tế lần thứ 3 các nhà văn, nhà thơ tham dự đã có những trao đổi sâu về nghề nghiệp, làm cho văn học và giao lưu văn hóa trở nên màu nhiệm hơn, có sức chinh phục mạnh hơn.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Ngày 16/2, tại Hà Nội, Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 4 và Liên hoan thơ quốc tế lần thứ 3 đã khai mạc. Tham dự hội nghị có: Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện lãnh đạo, cơ quan ban ngành cùng gần 200 nhà văn, nhà thơ, các dịch giả văn học nổi tiếng đến từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Phát biểu khai mạc, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh: Trong thế kỷ trước, các nhà văn, nhà thơ thế giới đã có nhiều sáng kiến, bằng nhiều hình thức sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do của Tổ quốc; trong đó không ít người đã bị truy nã, cầm tù, anh dũng hy sinh như những chiến sĩ của Việt Nam ngoài mặt trận. Nhân dân Việt Nam luôn biết ơn những chiến sĩ quốc tế cao cả đó...

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, trong xu thế hội nhập, những hoạt động giao lưu thương mại, du lịch hay các hoạt động thiện nguyện… đã giúp bạn bè quốc tế có cơ hội tiếp xúc với đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Nhưng để hiểu rõ căn cốt của nền văn hóa Việt Nam, lịch sử tinh thần và các giá trị làm nên sức mạnh vẻ đẹp và phẩm giá Việt Nam thì không có hoạt động nào so sánh được với việc giao lưu văn học nghệ thuật. Chỉ có sự khám phá con người qua văn học mới có thể tiếp cận bản chất, đặc thù và chiều sâu văn hóa của một dân tộc, làm cơ sở cho một nhận thức và tầm nhìn đúng đắn về truyền thống, bản sắc văn hóa Việt Nam.

Ngày nay, văn học Việt Nam đang từng ngày đổi mới để phản ánh sâu sắc hiện thực đất nước và khám phá chiều sâu con người Việt Nam hiện đại đang đồng hành với nhân loại trong một thế giới phẳng, đồng thời vẫn gắn bó bền chặt với những giá trị nguồn cội của dân tộc, làm nên tính đặc thù, những giá trị bổ sung làm giàu cho thế giới.

Với tinh thần mở cửa đón nhận các giá trị văn học của nhân loại, tại Việt Nam, việc giới thiệu tác phẩm văn học của thế giới chưa bao giờ diễn ra nhộn nhịp, cập nhật, thông thoáng như hiện nay. Sách dịch được bạn đọc Việt Nam đón nhận nồng nhiệt và chiếm thị phần cao trên thị trường sách của cả nước. Và việc tổ chức hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam và liên hoan thơ quốc tế chính là góp phần lấy lại sự hài hòa trong phát triển văn hóa dân tộc, trước tình trạng nhập siêu văn hóa kéo dài thời gian qua.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng cho biết, gần 20 năm trôi qua kể từ Hội nghị quảng bá văn học lần thứ nhất năm 2002, trong khoảng thời gian đó, thêm nhiều tác phẩm văn học của Việt Nam đã được dịch và xuất bản tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, và được đón nhận một cách trân trọng. Trong đó, những tác phẩm được tặng giải thưởng tại các Hội chợ sách quốc tế, hoặc của nhà xuất bản hoặc các tổ chức văn học quốc gia. Tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên được dịch và xuất bản tại các quốc gia Mỹ La tinh và vùng núi Cápcadơ.

Ngoài sách văn học, các tác phẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã được dịch và xuất bản tại một số quốc gia. Nhiều tạp chí văn học lớn của thế giới ra số đặc biệt về văn học Việt Nam. Thêm nhiều giáo trình về văn học Việt Nam được giảng dạy ở các trường Đại học lớn trên thế giới. Số sách văn học Việt Nam trong các trường Đại học lớn của nhiều nước tăng nhanh với tốc độ đáng vui mừng...

Chú thích ảnh
Nhà thơ Fernando Rendon, Phó Tổng thư ký Hội Nhà Văn Á - Phi - Mỹ La tinh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Nhà thơ Fernando Rendon, Chủ tịch Liên hoan thơ Quốc tế Medellin (Colombia), Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Á - Phi và Mỹ Latinh cho biết: Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV, Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III đã tạo cho giới văn thơ thế giới bầu không khí mới, làm nhớ lại ước mơ vĩ đại về độc lập và hòa bình.

Cũng theo nhà thơ Fernando Rendon, phong trào thi ca quốc tế với hàng nghìn các nhà thơ trên thế giới đã làm nên nhiều kỳ tích với mục tiêu vì một thế giới không ngăn cách qua hàng nghìn hoạt động thi ca và nhiều hoạt động tích cực khác. Nhà thơ Fernando Rendon tin tưởng vào sức mạnh của thi ca và cho rằng, ngôn ngữ thi ca bắt đầu từ chiều sâu lịch sử của nhân loại sẽ trở thành điều kỳ diệu nhất, trường tồn mãi mãi. 

Nhà thơ Vadim Terekhin (Đồng chủ tịch Hội các nhà văn nước Nga) chia sẻ, sự phát triển kinh tế chính trị của mỗi nước đều bắt nguồn và khởi đầu từ sự giao lưu quốc tế về văn hóa. Và văn học chiếm một vai trò quan trọng hàng đầu, như một nhân tố hợp nhất giữa nhân dân các nước. Ngôn từ là chìa khóa của hòa bình thế giới, nó có thể dừng chiến tranh và ký kết những Hiệp ước trung thành và tin yêu. Ngôn từ mở ra những cánh cửa cho nhân dân trên toàn thế giới và phục vụ lợi ích của con người và mang đến nhiều lợi ích cho loài người. Vì vậy, các nhà thơ, nhà văn có một trách nhiệm vô cùng lớn lao trong các hoạt động gắn kết và tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc.

Chú thích ảnh
Chương trình biểu diễn nghệ thuật chào mừng tại hội nghị. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

GS.TS Ahn, Kyong-hwan, Đại học Chosun, Hàn Quốc, lịch sử giao lưu giữa hai dân tộc Việt Nam và Hàn Quốc được bắt đầu từ thế kỷ 12, tính đến nay đã gần 900 năm. Từ sau khi quan hệ ngoại giao chính thức được bắt đầu năm 1992, tuy giao lưu diễn ra trên tất cả các mặt về chính trị, ngoại giao kinh tế, xã hội, nhưng vẫn tồn tại một hiện thực là hiểu biết mang tính văn hóa giữa hai dân tộc Việt Nam - Hàn Quốc vẫn còn thấp. Để nhanh chóng khắc phục tình trạng này, việc biên dịch ra tiếng Hàn những tác phẩm văn học Việt Nam và biên dịch ra tiếng Việt những tác phẩm văn học Hàn Quốc phải được phát triển. “Để quan hệ ‘Đối tác hợp tác chiến lược’ giữa Hàn Quốc - Việt Nam được thăng hoa và phát triển, thì việc gia tăng hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc thông qua tác phẩm văn học là điều cần thiết”, GS.TS Ahn, Kyong-hwan nhấn mạnh.

Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV, Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III được tổ chức cùng với Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII từ ngày 16 - 21/2, tại Thủ đô Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang. Đây là sự kiện giao lưu văn hóa lớn của đất nước, thu hút sự tham dự của đông đảo của các nhà văn, nhà thơ, dịch giả đến từ nhiều nơi trên thế giới.

Các đại biểu tham dự cùng nhau trao đổi sâu hơn về nghề nghiệp; tìm cách làm cho văn học, giao lưu văn hóa, sức chinh phục của ngôn ngữ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn trước những vấn đề đặt ra cho toàn nhân loại. Thông qua hoạt động giao lưu văn học, thi ca lần này, Ban tổ chức hy vọng có thể gắn kết lương tâm, đẩy lùi mọi hiểm họa bắt đầu từ con người, vì con người, cho con người.

Phương Hà/Báo Tin tức
 Ngày thơ 2019 hướng về biên cương, hải đảo và kỷ niệm 40 năm chiến tranh biên giới
Ngày thơ 2019 hướng về biên cương, hải đảo và kỷ niệm 40 năm chiến tranh biên giới

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17 – Nguyên tiêu Kỷ Hợi 2019 sẽ là sự kiện văn học “ba trong một”, bao gồm: Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV, Liên hoan thơ quốc tế lần thứ 3 và Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17. Thông tin trên được nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cho biết tại cuộc họp báo chiều 13/2/2019, tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN