Về Đồ Sơn xem chọi trâu

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm nay diễn ra đúng dịp nghỉ lễ 2/9. Du khách đến thăm thành phố Hải Phòng không chỉ được thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mà còn là dịp để cảm nhận không khí sôi nổi, căng thẳng, đầy kịch tính của lễ hội chọi trâu độc đáo.


Tương truyền, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có từ khoảng thế kỷ 18. Lễ hội có nguồn gốc dân gian cầu cho mưa thuận gió hòa, đời sống người dân khấm khá. Từ năm 1990, UBND quận Đồ Sơn chính thức khôi phục lại lễ hội chọi trâu truyền thống hàng năm. Năm 2013, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 

“Dù ai đi đâu về đâu, mùng 9/8 chọi trâu thì về ...”


Để chuẩn bị cho vòng chung kết diễn ra vào tức 2/9, các ông chủ trâu phải lặn lội đến nhiều tỉnh thành trong cả nước, thậm chí sang các nước bạn như Lào, Campuchia để tìm những chú trâu ưng ý theo tiêu chí rất khắt khe liên quan đến mặt, trán, tai, sừng... Sau khi chọn được trâu, các ông chủ trâu đưa về Đồ Sơn chăm sóc, tập luyện. Trải qua các vòng sơ loại tại phường, các “ông trâu” tham gia trận bán kết. 16 trâu chiến thắng trong vòng sơ loại sẽ được chọn vào vòng đấu chung kết diễn ra vào đúng ngày 9/8 âm lịch hàng năm. Vòng chung kết hứa hẹn nhiều hấp dẫn, chứa đựng những ẩn số bất ngờ. Trong vòng loại, có trận đấu dền dứ đến hơn 30 phút nhưng có những trận đấu chỉ chưa đầy 5 phút lôi cuốn người xem vào từng miếng đánh của những “ông trâu”.


Cùng với việc xem và cảm nhận lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đặc sắc, du khách đến đây còn có thể khám phá những điểm du lịch tâm linh, thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của vùng đất này. Cụm du lịch tâm linh gồm Đền Bà Đế, chùa Hang, đền thờ Nam Hải Thần Vương. Tương truyền, cha mẹ bà Đế lấy nhau 20 năm nhưng không sinh được con nên một lòng thành kính cầu trời Phật ban cho mụn con. Động lòng trước thành tâm của đôi vợ chồng, trời Phật báo mộng và người vợ có mang, sinh ra cô con gái đặt tên là Đào Thị Hương.

 

Cô Hương khéo léo, chăm chỉ, có tiếng hát mê đắm lòng người. Khi chúa Trịnh Giang về Đồ Sơn và dạo thuyền Rồng, nghe được tiếng hát và gặp mặt người con gái ấy, chúa Trịnh Giang quyến luyến không rời. Khi về kinh đô, Chúa hẹn ngày về đón nàng Hương. Có thai nhưng nàng Hương không có tiền nộp phạt cho làng nên bị dân làng bắt vạ mang dìm xuống biển.


Trước khi chết, nàng Hương ngửa mặt lên trời than khóc: “Phận gái thân cô, gặp Chúa thương yêu con đâu dám chống lời. Nhìn mặt cha mẹ, hàng xóm, con đâu dám quên. Mong trời Phật chứng giám. Nếu gặp oan ức, khi bị dìm xuống, trời Phật cho con nổi lên”. Quả nhiên, nàng Hương nổi lên ba lần. Khi thuyền hoa chúa Trịnh Giang về đón, biết chuyện oan khuất nên xây đền, lập đàn giải oan cho bà.

 

Ngoài đền bà Đế, du khách còn cảm nhận không khí linh thiêng, trang nghiêm ở đền thờ Nam Hải Thần Vương trên đảo Dấu - nơi người dân thường tới cầu an, cầu may mỗi khi đi biển. Tới đây không ai được mang bất cứ đồ vật gì về nhà, nếu mang về sẽ gặp chuyện không may. Thực tế đã có những người lấy đồ về dù chỉ là viên đá cuội cũng đã gặp chuyện rủi và phải làm lễ để trả lại. Du khách còn có thể đến thăm chùa Hang, nơi được cho là có những chứng tích liên quan đến du nhập của đạo Phật vào nước ta.


Nhắc đến du lịch Đồ Sơn, du khách không thể không nhắc đến bến K15 - nơi xuất bến của những con tàu không số huyền thoại, nơi khởi nguồn của “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Thăm hải đăng Hòn Dấu - nơi được mệnh danh là mắt ngọc của biển do thực dân Pháp xây dựng và hoàn thành năm 1892. Ngọn hải đăng này làm nhiệm vụ dẫn đường cho các con tàu ra vào Cảng Hải Phòng trong hơn 100 năm qua. Đứng trên ngọn hải đăng, nhìn biển khơi ngàn trùng mà thêm quý, thêm yêu đất nước. Cũng trên đảo Dấu còn có khu rừng với hàng trăm cây đa búp đỏ đã được công nhận là cây Di sản Việt Nam.

 

Bài và ảnh: Nguyễn Thị Thanh Thủy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN