Năm 2013 là năm kỷ niệm 65 năm ngày sinh nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và đến tháng 8 năm nay cũng tròn 25 năm, nhà thơ ra đi. Chúng tôi ngược dòng thời gian, trở lại nơi nhà thơ cất tiếng khóc chào đời vào ngày 17/4/1948-mảnh đất Chu Hưng-Gia Điền (Hạ Hòa-Phú Thọ) xưa, mảnh đất nghĩa tình của gia đình nghệ sỹ tài hoa…
Năm 1948, trước yêu cầu của cách mạng và cuộc kháng chiến, đoàn văn nghệ sỹ lên đường, hành trình về Việt Bắc và dừng chân ở thôn Chu Hưng xã Gia Điền (nay là xã Ấm Hạ của huyện Hạ Hòa). Gia đình nghệ sỹ Lưu Quang Thuận và bà Vũ Thị Khánh cũng cùng chuyến đi ấy và ở lại Gia Điền trong chín năm kháng chiến. Tại đây, bà Khánh đã sinh hạ 3 người con trai là Vũ (1948), Hiệp (1951), Điền (1953). Ngày 17/4/1948, cậu bé Lưu Quang Vũ cất tiếng khóc chào đời nơi miền quê trung du ấm áp và bình dị. Nơi đây, cảnh sắc trung du với rừng cọ, đồi chè, những con đường đất đỏ, những ngôi nhà đêm đêm bập bùng bếp lửa đã gắn bó với tuổi thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ. Kháng chiến thành công, năm 1954, gia đình nhà thơ trở về Hà Nội sau nhiều năm sống gắn bó với mảnh đất này. Thời kỳ đầu sáng tác, Lưu Quang Vũ đã lấy tên địa danh thôn Chu Hưng làm bút danh của mình.
Vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. |
“Thôn nhỏ nặng tình”
Năm 1964, khi mới 15 tuổi, Lưu Quang Vũ sáng tác bài thơ Thôn Chu Hưng để ghi lại những cảm xúc khó quên về kí ức tuổi thơ khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất trung du đầy nghĩa tình. Bài thơ ra đời cách đây 50 năm nhưng từng câu, từng chữ như thấm đẫm tình cảm khó phai mờ của nhà thơ về Gia Điền, Chu Hưng, nơi in đậm tình cảm của những người dân xứ cọ. Bài thơ được in trang đầu trong tập “Hương cây- Bếp lửa” in chung với nhà thơ Bằng Việt. Khung cảnh Chu Hưng hiện lên hết sức đẹp, bình dị và lãng mạn: "Thôn Chu Hưng trăng sao rơi đầy giếng/ Nằm giữa bốn bề rừng rậm nứa lao xao/ Đường ven suối quả vả vàng chín rụng/ Cọ xanh rờn lấp lánh nước sông Thao".
Có lẽ trong sự trở về sau chín năm xa cách, hình ảnh những mái nhà lá cọ và cuộc sống đậm đà nghĩa tình luôn trở đi trở lại trong tâm hồn nhà thơ: "Nhà chon von khuất sau vườn ngô sắn/ Thôn nhỏ nặng tình kháng chiến mười năm/ Cơm thiếu muối rau giềng ăn với trám/Sương trắng đồi, áo mỏng rét căm căm". Hình ảnh người mẹ trung du hiện diện rõ nét trong tiếng thơ và sự vọng về trong kí ức của Lưu Quang Vũ: "Con lớn trong nỗi nhọc nhằn của mẹ/Trong cánh tay xóm làng bồng bế/Trong tiếng hò tha thiết vọng trên nương”. Cảm xúc trong sự hòa quyện với khao khát tìm về ngọn nguồn của cảm hứng thi ca, ở phần cuối của bài thơ, Lưu Quang Vũ đã làm một cuộc ngược dòng theo sự hồi tưởng của kí ức xa xăm về Chu Hưng: “Con suối nhỏ xuyên rừng nơi ấy/Là ngọn nguồn sông biển yêu thương/Ra biển ra sông còn nhớ mãi…”. Nhà thơ ví mình như "con suối nhỏ" được bắt nguồn từ nơi ấy- mảnh đất trung du đã bao đời chở che nuôi dưỡng vỗ về.
Năm 1965, nhà thơ cùng người cha của mình là nghệ sỹ Lưu Quang Thuận trở lại Chu Hưng, thăm lại mảnh đất xưa và tìm gặp những người đã từng chở che nhà thơ khi tuổi thơ. Cũng vào thời gian này, trang nhật ký về mảnh đất Gia Điền, Chu Hưng, Ấm Hạ đã được Lưu Quang Vũ ghi lại đầy xúc động về ngày trở lại mảnh đất nghĩa tình. PGS. TS Lưu Khánh Thơ (em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ) hiện công tác tại Viện Văn học đã kể cho chúng tôi những dòng nhật ký đầy ân tình ấy. Nhà thơ nhớ về những ngày tuổi thơ hồn nhiên, được sống giữa vòng tay của xóm làng, của những con người miền trung du hiền lành, chất phác. Trong mỗi dòng nhật ký, nhà thơ ghi lại chân thực những kí ức ngày thơ bé như đi hái quả gioi rừng, vào đình Chu Hưng xem đoàn văn công diễn kịch rồi khi ấy, Chu Hưng như phố huyện với đủ các món ăn Hà Nội do người Hà Nội lên đây tản cư nhiều… Rồi chuyến hai cha con nhà thơ trở lại Chu Hưng - Gia Điền cũng mang lại cho nhà thơ nhiều cảm xúc.
Lưu Quang Vũ ghi lại cảnh đi thăm những người hàng xóm xưa đã bao bọc, chở che gia đình nhà thơ, tìm lại ngôi nhà xưa mà gia đình anh ở trọ, tìm những trái sảng hạt đen láy mọc nơi ven suối, tìm lại sân đình xưa để nghe đâu đây âm thanh của đoàn kịch nói kháng chiến ngày nào, những chén nước chè sóng sánh nghĩa tình trung du… Lưu Quang Vũ đã dành cho cuốn nhật ký của mình những dòng, những trang đầy thương nhớ và lắng đọng cảm xúc. Có thể nói, chín năm kháng chiến chưa phải là dài song mảnh đất Chu Hưng nơi nhà thơ cất tiếng khóc chào đời đã in sâu trong tâm hồn anh và chính nơi đây đã ươm mầm tài năng thơ ca và kịch của nhà thơ. Để rồi sau này, độc giả biết đến tên tuổi Lưu Quang Vũ là tác giả của 10 tập thơ, truyện ngắn và hơn 50 vở kịch sân khấu, được hàng trăm đoàn nghệ thuật trong cả nước dàn dựng, anh được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2000.
Sâu ơn nặng nghĩa
PGS. TS Lưu Khánh Thơ có kể lại câu chuyện hết sức xúc động về người mẹ của cô những năm cuối đời. Khi đó bà Vũ Thị Khánh ốm nặng, các con bà xin được mua tặng mẹ một món quà theo sở thích của bà. Bà Khánh không chọn bất kỳ một món quà vật chất nào mà chỉ có một ước nguyện là các con đưa bà lên thăm lại Việt Bắc (Chu Hưng - Gia Điền) lần cuối. Thể theo nguyện vọng của mẹ, các con của bà Vũ Thị Khánh đã đưa bà lên thăm lại Chu Hưng, Gia Điền, nơi xưa kia gia đình bà đi theo kháng chiến, sinh ra ba người con trai. Sau chuyến đi đó, bà Khánh trở về Hà Nội ốm nặng và qua đời. Theo PGS. TS. Lưu Khánh Thơ thì Chu Hưng - Gia Điền là nơi gắn bó sâu nặng, nghĩa tình với gia đình cô, là nơi lưu dấu ấn tuổi thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ.
Gia Điền và thôn Chu Hưng, mảnh đất trung du bình dị từ bao đời nay, nơi không chỉ là miền cảm hứng cho những sáng tác của lớp văn nghệ sỹ thời kỳ kháng chiến mà còn là mảnh đất nghĩa tình sâu nặng của gia đình nghệ sỹ Lưu Quang Thuận. Chúng ta tự hào vì nơi đây nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ cất tiếng khóc chào đời và luôn nhớ về như một địa chỉ tâm hồn đầy ân tình.
Nguyễn Thế Lượng